Tuyển sinh đại học năm 2015: Nguy cơ điểm cao vẫn trượt
VOV.VN -Những ngành “hot” vẫn thu hút nhiều thí sinh điểm cao, do đó nếu không cân nhắc và tìm hiểu đầy đủ thông tin, các em điểm cao vẫn có thể trượt.
Đánh giá sau 10 ngày các trường ĐH, CĐ đã chính thức nhận hồ sơ xét tuyển đợt 1, TS. Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TP HCM cho biết: Trong những ngày đầu, số lượng hồ sơ nộp tại các trường chưa cao vì thí sinh còn cân nhắc chọn ngành, chọn trường và chủ yếu hồ sơ nộp dồn vào các trường công lập nhiều hơn.
Tại kỳ thi tuyển sinh năm 2015, đa số thí sinh trực tiếp đến nộp tại trường |
Trong khoảng thời gian giữa đợt 1, số lượng hồ sơ của thí sinh nộp vào các trường sẽ tăng vọt, vì khi đó thí sinh đã nắm kỹ thông tin của các trường.
TS. Nguyễn Đức Nghĩa đưa ra một số lưu ý cho các thí sinh tham gia xét tuyển trong đợt này và các đợt xét nguyện vọng tiếp theo để tăng cơ hội trúng tuyển, đồng thời lựa chọn được ngành học, trường phù hợp với khả năng, sở thích, nhất là đối với các em có điểm bằng điểm sàn.
Theo đó, TS. Nghĩa nhấn mạnh, điều quan trọng là thí sinh có học được đúng nghề mình thích hay không. Ông cũng lưu ý là một ngành học được đào tạo ở nhiều trường, nên khi đã chọn ngành, các em mới tiến đến chọn trường phù hợp số điểm; cơ hội trúng tuyển của các em cao, đặc biệt là ở khối trường ngoài công lập.
Về việc rút hồ sơ xét tuyển, TS. Nghĩa lưu ý, những ngày cuối cùng của đợt xét tuyển đầu tiên, lượng hồ sơ rút ra của thí sinh sẽ tăng cao. Tuy nhiên, thí sinh nên tránh rút hồ sơ trong khoảng thời gian này vì có thể sẽ không nộp kịp vào trường khác.
Ngành hấp dẫn hút thí sinh điểm cao
TS. Nguyễn Đức Nghĩa đánh giá: Ngoại trừ một vài trường có số hồ sơ đăng ký xét tuyển (ĐKXT) cao hơn nhiều so với chỉ tiêu, phần lớn các trường chỉ mới nhận được số lượng hồ sơ xấp xỉ với chỉ tiêu tuyển của trường.
Tuy nhiên, trong cùng một trường, rõ ràng là các ngành "hấp dẫn" như nhóm ngành sư phạm, công nghệ thông tin, kiến trúc xây dựng, tài chính ngân hàng, y dược vẫn thu hút nhiều thí sinh hơn và hầu hết là thí sinh có điểm cao, trong khi ở những ngành ít hấp dẫn hơn ở cùng trường lại có ít thí sinh đăng ký.
Đây chính là nguy cơ "có điểm cao mà vẫn rớt" nếu thí sinh không cân nhắc và tìm hiểu đầy đủ thông tin về chỉ tiêu tuyển, điểm xét tuyển, điểm chuẩn trúng tuyển của ngành mà mình muốn ĐKXT ở các năm trước...
Ghi nhận trong tuần lễ đầu tại nhiều trường, số hồ sơ ĐKXT nộp trực tiếp là chủ yếu, trong khi số hồ sơ nộp qua đường bưu điện chiếm không đến 10%.
Tuy nhiên, từ cuối tuần qua, số lượng hồ sơ các trường nhận qua dịch vụ chuyển phát nhanh hồ sơ ĐKXT đã dần nhiều lên, chứng tỏ sau thời gian thăm dò và thu thập thông tin, các thí sinh ở xa đã có quyết định của mình./.