Tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2016: Nắm bắt cơ hội để rộng cửa vào đại học
VOV.VN - Nhiều “cánh cửa” đại học đang được mở qua các phương thức thay đổi trong xét học bạ, mở rộng đối tượng tuyển thẳng…
Thay đổi trong xét học bạ để hút thí sinh
Để chọn được đúng ngành học, trường học phù hợp với mức điểm, thí sinh (TS) cần theo dõi sát sao những thông tin tuyển sinh mới của các trường. Năm 2016, có khoảng 250 trường, hầu hết là các trường ngoài công lập có đề án tuyển sinh riêng. Như thế cơ hội học ĐH ngày càng rộng mở đối với TS khi chỉ cần tốt nghiệp THPT, đạt những điều kiện theo yêu cầu trong đề án tuyển sinh của các trường.
Thạc sĩ Hoàng Đức Bình, Giám đốc Truyền thông và tuyển sinh Trường ĐH Hoa Sen (TP.HCM) cho biết: Đây là năm thứ 2 trường tổ chức 5 phương thức tuyển sinh, tạo cơ hội cho nhiều đối tượng TS khác nhau.
Trong đó, 80% (2.070 chỉ tiêu) dành cho kết quả kỳ thi THPT Quốc gia. 20% chỉ tiêu cho 4 phương thức còn lại gồm: Học sinh có kết quả học tập 3 năm đạt loại giỏi sẽ được ưu tiên xét tuyển; học sinh có chứng chỉ môn Anh văn quốc tế sẽ được ưu tiên xét tuyển; TS xét tuyển vào khối mỹ thuật ứng dụng: sử dụng môn văn và điểm năng khiếu, ngoài kết quả ở các trường có thể nộp tuyển tập nghệ thuật hoặc đạt các giải thưởng trong nước và quốc tế; xét tuyển học bạ vào các ngành CĐ.
Trường ĐH Lạc Hồng (TP. Biên Hòa, Đồng Nai) năm nay vẫn có 2 phương án xét tuyển là sử dụng kết quả thi THPT Quốc gia (1.140 chỉ tiêu) và kết quả học bạ (1.140 chỉ tiêu). Tuy nhiên, năm nay cách tính điểm theo học bạ có thay đổi, nhằm tạo cơ hội hơn cho TS.
Đó là, dùng điểm trung bình của cả năm học lớp 12 tính theo cách lấy điểm học kỳ 1 cộng với 2 lần điểm học kỳ 2 chia cho 3. Sở dĩ cách xét năm nay có lợi hơn cho TS vì thông thường điểm học kỳ 2 của TS luôn cao hơn học kỳ 1. Các trường như ĐH Duy Tân (TP. Đà Nẵng), Hồng Bàng (TP HCM)... năm nay cũng xét tuyển dựa trên kết quả học bạ lớp 12.
Trước lo ngại về việc xét tuyển bằng học bạ chất lượng đầu vào sẽ không đảm bảo, ông Vũ Quang Huy, Phó giám đốc Trung tâm tư vấn hướng nghiệp, Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng nêu thực tế ở trường: “Năm ngoái trường nhận được nhiều hồ sơ xét tuyển bằng học bạ THPT, trong đó nhiều TS học rất giỏi, có những TS đạt từ 27 - 29 điểm. Thậm chí tỷ lệ chọi với TS xét tuyển học bạ còn cao hơn TS xét tuyển trên kết quả kỳ thi THPT Quốc gia.
Như vậy, không có nghĩa chỉ học sinh trung bình mới xét tuyển bằng hình thức này. Năm nay trường dành tới 50% chỉ tiêu tuyển sinh cho việc xét tuyển học bạ”. Còn theo Tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân, dù đầu vào bằng 2 phương thức xét tuyển nhưng quá trình đào tạo cũng như đầu ra là như nhau nên không có sự phân biệt về chất lượng giữa 2 đối tượng…
“Dễ” và “khó” để được tuyển thẳng
Năm 2016, Bộ GD&ĐT mở rộng cánh cửa tự chủ trong tuyển sinh, nhiều trường ĐH tùy vào nhu cầu và đặc thù đào tạo của mình, đã đưa ra các phương thức tuyển thẳng linh hoạt để thu hút được TS giỏi, nâng cao chất lượng đầu vào. Không ít trường ĐH đã dành cho học sinh các trường chuyên sự ưu tiên đặc biệt trong tuyển thẳng với những quy định riêng.
ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết sẽ tuyển thẳng những TS là học sinh xuất sắc của các trường THPT chuyên và đoạt giải chính thức trong kỳ thi chọn học sinh giỏi bậc THPT cấp ĐH Quốc gia Hà Nội, TS đạt danh hiệu học sinh giỏi từng năm học trong cả 3 năm THPT, tốt nghiệp THPT loại giỏi trở lên, có hạnh kiểm 3 năm THPT đạt loại tốt.
Tương tự, ĐH Quốc gia TPHCM cũng mở rộng đối tượng tuyển thẳng là học sinh THPT của 82 trường chuyên, trường năng khiếu trong cả nước. Chỉ tiêu tuyển thẳng của trường chiếm tỷ lệ 10 - 15% tổng chỉ tiêu mỗi ngành, tức là có thể lên tới 2.000 TS…
Đáng lưu ý là trong quy định tuyển thẳng năm 2016, cho phép các trường xác định chỉ tiêu tuyển thẳng theo từng ngành chứ không phải chung cho cả trường. Điều này giúp cho các trường tốp đầu, đặc biệt là các trường ngành Y tránh được cảnh một số ngành “hot” buộc phải tuyển thẳng quá nhiều, còn lại rất ít chỉ tiêu cho TS thi, khiến cho điểm chuẩn bị đẩy lên quá cao dẫn đến tình trạng nhiều TS đạt 9 điểm/môn thi vẫn bị trượt ĐH.
Năm nay, trường ĐH Y Hà Nội tuyển thẳng không quá 10% chỉ tiêu cho mỗi ngành. Như vậy sẽ có không quá 55 TS được tuyển thẳng vào chuyên ngành bác sĩ đa khoa... Như vậy, với những quy định trên sẽ có đối tượng TS được thêm cơ hội chọn lựa, đồng thời cũng khép chặt hơn với không ít TS khác./.