Vài suy nghĩ về đổi mới căn bản và toàn diện GD-ĐT
(VOV) -Một trong những vấn đề quan trọng thảo luận tại Hội nghị TW lần 6 là đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT
Vì sao lúc này chúng ta đặt vấn đề đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo? Phải chăng nền giáo dục của nước ta cần phải đổi mới? Và liệu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo là làm lại, là phủ định hiện tại? Và đổi mới căn bản, toàn diện là đổi mới như thế nào? Đó là những câu hỏi cần được trao đổi và giải đáp.
Hội nghị lần thứ 6, Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (khóa XI) vừa bế mạc tại Hà Nội. Một trong những vấn đề quan trọng được thảo luận lần này là đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Công cuộc đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo đã giành được những thành tựu vô cùng quan trọng, làm thay đổi diện mạo của đất nước, nâng tầm vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Điều này không những được nhân dân mà còn bạn bè quốc tế ghi nhận.
Cùng với sự phát triển chung của đất nước, nền giáo dục nước nhà cũng đạt được nhiều thành tựu đáng tự hào. Tuy nhiên, giáo dục và đào tạo nước ta vẫn còn những bất cập, yếu kém. Chất lượng giáo dục chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa thực sự gắn với nhu cầu của xã hội, chưa phát huy được khả năng tự học, tính chủ động, sáng tạo của người học.
Trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 6, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng chỉ rõ: Đến nay, giáo dục và đào tạo nước ta vẫn chưa thực sự trở thành quốc sách hàng đầu, động lực quan trọng nhất cho phát triển, thậm chí còn không ít hạn chế, yếu kém, nhất là về chất lượng giáo dục, công tác quản lý và cơ chế tạo nguồn lực và động lực cho phát triển.
Để có thể cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020, nước ta đang đứng trước yêu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh dựa nhiều hơn vào yếu tố năng suất tổng hợp và kinh tế tri thức.
Sự nghiệp đẩy mạnh CNH-HĐH trong thời đại toàn cầu hóa, phát triển nhanh chóng của khoa học-công nghệ đòi hỏi và cũng tạo điều kiện để nước ta đẩy mạnh toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực có chất lượng, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.
Những kết quả, thành tựu đã đạt được về quy mô, nguồn nhân lực và cơ sở vật chất kỹ thuật hiện có cũng cho phép chúng ta chuyển sang giai đoạn phát triển mới, cao hơn về chất.
Đây không phải lần đầu tiên, Đảng, Nhà nước ta chủ trương đổi mới giáo dục, đào tạo.
Kể từ ngày thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945), chúng ta đã tiến hành nhiều cuộc cải cách giáo dục, như vào các năm: 1950, 1956, 1979 và đặc biệt năm 1986 nhằm đưa nền giáo dục vào công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện.
Tuy nhiên, trước khi tiến hành đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo lần này, chúng ta cần đánh giá thực trạng giáo dục Việt Nam, những kết quả đạt được, hạn chế và những nguyên nhân cả khách quan lẫn chủ quan, để đưa ra quan điểm, nguyên tắc cần được thực hiện, xác định mục tiêu tổng quát, lộ trình thực hiện và các vấn đề cần đề cập trong cuộc đổi mới căn bản giáo dục.
Để đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, chúng ta có thiếu các chủ trương, chính sách về giáo dục, đào tạo không? Câu trả lời là không.
Ngoài Thông báo Hội nghị Trung ương 6, khóa XI, Nghị quyết Trung ương 2, khóa VIII và Thông báo kết luận của Bộ chính trị tháng 11/2009 về giáo dục vẫn còn nguyên giá trị.
Đó là: Đảng, Nhà nước coi giáo dục là quốc sách hàng đầu. Giáo dục phải đi trước một bước. Đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển và giáo dục là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và toàn dân.
Vậy đổi mới căn bản giáo dục lần này cần phải làm gì? Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trước tiên phải mang tính hệ thống, đồng bộ, có cơ sở khoa học, có lộ trình thích hợp, mang tính kế thừa và phát triển.
Cần phải đổi mới chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, dạy nghề, cao đẳng và đại học.
Có chuyên gia cho rằng chương trình phổ thông 12 năm hiện nay là quá nặng nề, tốn tiền, tốn của của xã hội, của người dân.
Có chuyên gia đề xuất chương trình trình giáo dục phổ thông chỉ nên kéo dài 10 năm như trước đây, thậm chí 9 năm, sau đó phân luồng, liên thông.
Rồi nội dung giáo dục cũng cần phải nhẹ bớt, tập trung vào những vấn đề cần thiết theo nhu cầu của xã hội, đặc biệt phải chú trọng giáo dục nhân cách.
Liệu học sinh lớp 1 có cần thiết đến trường với cặp sách trĩu nặng gần 20 cuốn sách, vở chưa kể hộp bút hay không?
Nhớ lại trong suốt gần 30 năm qua, giáo dục đào tạo cũng có nhiều cải tiến. Nói cải tiến chứ không phải cải cách vì những người chủ trương cải tiến chỉ đụng chạm đến một số lĩnh vực trong giáo dục. Và một số cải tiến đó, nghĩ lại thấy hài hước, tốn tiền và chẳng ra đâu vào đâu.
Cải tiến đầu tiên là chữ viết. Với suy nghĩ đơn giản chữ viết chỉ cốt sao ghi lại được điều cần nói, viết phải nhanh, nên những người chủ trương cải tiến chữ viết đề xuất bỏ hết các nét phụ, chỉ giữ những nét chính.
Học sinh đâu phải ai ra trường cũng đi làm thư ký mà cần phải viết nhanh, mà có viết nhanh thì phải đi học tốc ký chứ đâu lại cải tiến chữ viết như vậy.
Hậu quả là cho ra lò cả một thế hệ học sinh có chữ xấu vô cùng. Thế rồi, chương trình tiếng Việt của học sinh lớp 1 đang yên đang lành thì có người cho rằng đứa trẻ sinh ra, người gắn bó đầu tiên là người Mẹ, nên chữ đầu tiên đứa trẻ học không thể là chữ O mà phải là chữ E.
Tác giả ý tưởng ngộ nghĩ này chắc là sống ở ngoài Bắc, vì nếu sống ở miền Nam, sẽ đề xuất chữ đầu tiên đứa trẻ cần học phải là chữ A, vì ở miền Nam người ta gọi Mẹ là Má. Những kiểu cải tiến như vậy cho chúng ta thấy hình như giáo dục đang cố tìm cách đổi mới và đổi mới một cách bị động, tùy hứng và không bài bản.
Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo phải lấy mục tiêu coi trọng dạy chữ và dạy người, hình thành nhân cách, phát triển năng lực, hoạt động thực tiễn, chuyển từ giáo dục thụ động, thi cử vì bằng cấp mà có khi chỉ nhằm đáp ứng “tiêu chuẩn cán bộ’’ sang giáo dục chủ động, tương tác, xử lý tình huống.
Giáo dục phải đáp ứng nhu cầu xã hội, một nền giáo dục mở, linh hoạt, phân luồng và liên thông, tiến tới xây dựng một xã hội học tập.
Về đổi mới căn bản giáo dục, chúng ta cũng cần phải đổi mới cơ chế, chính sách đối với đội ngũ giáo viên, những nhà quản lý giáo dục. Trước kia, chỉ có học sinh kém học sinh trung bình mới phải học phụ đạo.
Việc học phụ đạo là để giúp các em có học lực kém hoặc trung bình củng cố thêm kiến thức, đuổi kịp các bạn cùng lớp.
Nay thì ở các thành phố, vì ở nông thôn các em cũng ít có điều kiện để đi học thêm, hầu như việc học thêm là đương nhiên, không đi học thêm mới là bất bình thường, cho dù học sinh đó là giỏi hay khá.
Những hình thức biến thái của học thêm cho thấy một thực trạng là do đời sống giáo viên chưa được đảm bảo, nhà giáo phải tìm cách bươn chải để nâng cao thu nhập. Điều này làm tổn hại đến hình ảnh người thầy trong mắt học trò.
Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo cũng cần phải đổi mới cơ chế quản lý giáo dục và đào tạo, chất lượng nghiên cứu khoa học trong giáo dục, cơ chế chính sách đầu tư và tài chính nhằm huy động nguồn lực cho giáo dục, đào tạo, xây dựng cơ sở hạ tầng.
Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo cũng cần phải gắn kết chặt chẽ với chiến lược phát triển kinh tế xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, nhu cầu cung cấp nguồn nhân lực. Có như vậy, chúng ta mới đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, tạo điều kiện cho người học sáng tạo, phát triển phù hợp với khả năng và nguyện vọng của mình, tạo động lực thúc đẩy phát triển xã hội.
Và xin nhắc lại câu nói nổi tiếng của nhà cải cách chính trị xã hội, nhà giáo dục tiên phong người Nhật Bản thời đầu Minh Trị, ông Fukuzawa Yukishi (1835-1901). Trong tác phẩm Khuyến học, ông viết: “Thượng đế không sinh ra người này hơn hoặc kém hơn người kia. Mọi sự bất bình đẳng giữa người khôn ngoan và người ngu ngốc, giữa người giàu và người nghèo đều xuất phát từ giáo dục”.
Giáo dục quan trọng là vậy cho nên việc đổi mới giáo dục cần được tiến hành thận trọng và có tầm nhìn xa, rộng./.