Vì sao các trường THPT dân lập ở Hà Nội khó tuyển sinh?
VOV.VN -Nguyên nhân sâu xa là mức học phí của các trường ngoài công lập cao, trong khi chất lượng đào tạo chưa tương xứng.
Chỉ còn hơn 2 tuần nữa là học sinh cấp trung học phổ thông ở Hà Nội bắt đầu bước vào năm học 2013-2014. Thế nhưng hiện nay, nhiều trường trung học phổ thông ngoài công lập vẫn chưa tuyển đủ học sinh khối 10. Lãnh đạo các trường cho biết, thực tế này đã diễn ra nhiều năm gần đây, nhưng chưa có biện pháp khắc phục do nhiều nguyên nhân xuất phát từ chính nội tại của các trường này.
Nguyên nhân từ học phí
Dù thời gian tuyển sinh sắp hết, thế nhưng trừ các trường ngoài công lập có thương hiệu như Lương Thế Vinh, Marie Curie, Anhxtanh… đã tuyển đủ học sinh thì nhiều trường ngoài công lập của Hà Nội chỉ tuyển được gần một nửa chỉ tiêu. Cá biệt, một số trường không đủ học sinh để mở lớp phải gửi sang các trường khác.
Ông Đỗ Sang, Hiệu trưởng trường trung học phổ thông dân lập Bắc Hà than thở, chưa năm nào việc tuyển sinh lớp 10 lại khó khăn như năm nay. Hiện trường mới nhận được gần 100 hồ sơ trong khi chỉ tiêu tuyển sinh là 200 học sinh.
Lý do khiến nhiều trường ngoài công lập không tuyển được học sinh là vì năm nay Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho phép các trường hạ điểm chuẩn xét tuyển nên học sinh tiếp tục chờ kết quả của trường công lập, nếu không đỗ mới đăng ký học trường ngoài công lập. Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa lại bắt nguồn từ mức học phí và các khoản đóng góp của các trường ngoài công lập lúc nào cũng cao hơn, trong khi chất lượng đào tạo lại chưa tương xứng.
Bà Nguyễn Thị Hòe, ở quận Hoàng Mai chia sẻ: “Vào đầu năm học, tiền đóng học ở trường dân lập bao giờ cũng thu nhiều hơn trường công lập. Đầu năm học các cháu phải đóng 1,5 triệu đồng; vào năm học, các cháu sẽ phải đóng một khoản là gần 4 triệu, sau đó từng tháng là 400.000 đồng”.
Các trường không đủ kinh phí trang bị vật chất
Bên cạnh đó, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của nhiều trường ngoài công lập còn thiếu thốn, không đáp ứng được việc nâng cao chất lượng dạy và học nên trường khó thu hút được học sinh.
Bà Trần Thị Thanh Hà, Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Hoàng Cầu thừa nhận: “Nhà trường tăng cường học tập và có giờ ngoại khóa cho các em vui chơi ngoài giờ lên lớp, để khi các em vào trường không cảm thấy có sự khác biệt so với các trường công lập. Nhưng khó khăn của nhà trường là cơ sở vật chất chưa được đầu tư đồng bộ như: sân chơi, bãi tập, các phòng học… vì không có đủ kinh phí”.
Đầu tư ít, cơ sở vật chất nghèo nàn, kéo theo chất lượng giáo dục không cao, không thu hút được thí sinh, vì thế không có tiền đầu tư, nâng cao chất lượng dạy học. Muốn phá vỡ được vòng luẩn quẩn này, không ai khác mà chính các trường ngoài công lập phải tự khắc phục những bất cập về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên để nâng cao chất lượng giáo dục, từ đó mà thu hút học sinh ngày càng nhiều hơn.
Chấp nhận "lựa chọn tự nhiên"
Ông Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng trường trung học phổ thông dân lập Đinh Tiên Hoàng cho rằng, về phía cơ quan quản lý Nhà nước nên hỗ trợ các trường trong việc kiểm định chất lượng để tạo niềm tin cho học sinh và phụ huynh.
Thành phố Hà Nội có gần 200 trường trung học phổ thông, trong đó trên 90 trường ngoài công lập. Trong số hơn 71.000 thí sinh thi tuyển vào lớp 10 vừa qua thì gần 50.000 thí sinh (chiếm 67%) theo học tại các trường công lập, 20.000 học sinh còn lại sẽ đăng ký vào trường ngoài công lập, trung tâm giáo dục thường xuyên, hệ bổ túc của các trung tâm này hoặc đi học nghề.
Muốn tồn tại và phát triển các trường ngoài công lập không cách nào khác là phải chấp nhận sự lựa chọn tự nhiên, lấy việc nâng cao chất lượng giáo dục làm giải pháp chính để thu hút học sinh./.