“Vũ điệu đường cong” vì sao cấm vẫn...cong?

(VOV) - “Vũ điệu đường cong” đã vi phạm và cố tình vi phạm quy định về hoạt động biểu diễn nhưng vẫn diễn ra suôn sẻ tại Hà Nội.

“Phạt cứ nộp, cong vẫn...cong”

Mặc dù tối 8/9 mới diễn ra ở Hà Nội và tối 9/9 ở Hải Phòng, nhưng ngay từ cuối tháng 8/2012, “Vũ điệu đường cong” đã gây xôn xao dư luận khi treo pano quảng cáo và tờ rơi với dòng chữ: “Lưu ý chương trình không dành cho bạn trẻ dưới 18 tuổi và phụ nữ đoan trang”, đồng thời, còn quảng cáo cả tiệc rượu trên đó. Ngay lập tức, ngày 1/9, Thanh tra Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hải Phòng đã xử phạt đơn vị tổ chức hơn 18 triệu đồng. Lãnh đạo Sở và Thanh tra Sở VHTT-DL Hải Phòng cùng lãnh đạo Cung Văn hóa Thể thao Thanh niên đã làm việc với đơn vị tổ chức chương trình “Vũ điệu đường cong” là công ty cổ phần truyền thông và sự kiện Hiệp hội ca sỹ Việt Nam.

Tại cuộc họp, BTC “Vũ điệu đường cong” đã thừa nhận sai sót và cam kết thực hiện đúng quy định trong giấy phép quảng cáo, trang phục biểu diễn của ca sĩ văn minh, lịch sự, không phản cảm và không quảng cáo rượu bia trên băng rôn, không bán rượu bia tại chương trình.

 

Tờ rơi "Vũ điệu đường cong" phát tại một số quán cà phê ở Hà Nội

Tuy nhiên, đây chỉ là cam kết với Sở VHTT-DL Hải Phòng. Còn tại Hà Nội, những nội dung này vẫn được BTC in trong tờ rơi phát trên đường phố và nhiều quán xá. Hơn thế, trên pano, băng rôn treo dọc trên phố Trần Hưng Đạo, xung quanh Cung văn hóa hữu nghị Hà Nội vẫn còn dòng quảng cáo liên hệ đặt tiệc rượu. Ca sỹ Trang Nhung, Ngân Khánh đã rút khỏi chương trình nhưng vẫn có tên trên một số băng rôn.

Sau khi được các phóng viên báo chí cung cấp thông tin này, ông Trần Quốc Chiêm, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Du lịch Hà Nội khẳng định: “Đây là việc làm sai quy định, chúng tôi sẽ triển khai lực lượng thanh tra vào cuộc tìm hiểu, xử lý ngay...”

Chẳng rõ việc tìm hiểu, xử lý đến đâu và trong bao lâu khi mà tối 8/9, chương trình vẫn diễn ra bình thường tại Cung văn hóa hữu nghị Hà Nội với những hotgirl ăn mặc “tiết kiệm” vải cùng những bản nhạc dance “bốc lửa” và tiếp tục một đêm nữa tại Hải Phòng (tối 9/9).

Angela Phương Trinh "bốc lửa" trong "Vũ điệu đường cong" tối 8/9 tại Hà Nội (ảnh Kênh14)

Dư luận đặt ra câu hỏi tại sao một chương trình vi phạm mà chỉ bị phạt hơn 18 triệu đồng và chỉ sửa sai... bằng miệng chứ không chấp hành trên thực tế như vậy mà không bị ngừng cấp phép biểu diễn? Phải chăng đó là chuyện “điếc không sợ súng”, biết sai vẫn cứ làm và chấp nhận nộp phạt? Giả sử, nếu không có dư luận, báo chí phát hiện thì liệu có bị xử phạt vậy không? Chức năng, trách nhiệm của đơn vị thanh tra, giám sát, quản lý văn hóa ở đâu khi mà biết sai phạm đều....nhờ báo chí?

“Bệnh nhờn thuốc”

“Vũ điệu đường cong” không phải là lần đầu tiên mắc sai phạm về quy định trong biểu diễn nghệ thuật kiểu này. Trung tuần tháng 11/2011, liveshow của ca sỹ hải ngoại Chế Linh tại Hà Nội từng gây xôn xao dư luận khi bị dừng cấp phép rồi lại được cấp phép. Sai phạm bị dừng cấp phép lúc đó là do Công ty Tổ chức biểu diễn Bích Ngọc tăng lượng băng rôn, phướn quảng cáo nhiều hơn rất nhiều mức cho phép (quy định chỉ có 15 băng rôn), treo băng rôn ở cả những nơi không được phép, nội dung chương trình trên băng rôn không phù hợp với giấy phép.

Liveshow Chế Linh gặp rắc rối khi bị cấm rồi lại được cấp phép biểu diễn (ảnh Ngọc Trần)

Tháng 10/2011, Sở VH-TT-DL TP HCM cũng đã yêu cầu Công ty Venus giải trình về việc các tiết mục biểu diễn không đúng nội dung giấy phép được cấp. Theo Thanh tra Sở VH-TT-DL TP HCM, chương trình “Đêm thời trang” diễn ra vào tối 26/10 tại White Palace (TP HCM) do Công ty Venus tổ chức đã biểu diễn thêm trang phục nội y, điều không hề được cho phép.

Trước đó, Sở VH-TT-DL TP HCM cũng từng phạt đơn vị tổ chức biểu diễn chương trình thời trang “Đêm phong cách” 9 triệu đồng vì biểu diễn trang phục không đúng nội dung được duyệt. Chương trình thời trang “Diamond Night” cũng bị phạt 11 triệu đồng vì lý do tương tự... Đây chỉ là một số vụ lớn trong nhiều vụ việc được báo chí phát hiện và đưa tin.

Lãnh đạo Sở VHTT-DL Hà Nội từng thu hồi giấy phép của một chương trình để nhằm mục đích nghiêm khắc chấn chỉnh hoạt động biểu diễn. Thế nhưng, hành động mạnh tay ấy cũng chỉ như... “muối bỏ bể”. Có vẻ như các đơn vị tổ chức biểu diễn đều biết sai nhưng vẫn cố tình vi phạm, bởi để quảng bá cho thương hiệu, thu hút khán giả mua vé, họ sẵn sàng quảng cáo sai sự thật, không đúng nội dung, thời gian biểu diễn, in pano, băng rôn, tờ rơi không theo giấy phép.... Dù bị phạt 10-20 triệu, với họ, chỉ đáng bằng cát-xê trả cho một ca sỹ, nhỏ hơn nhiều so với lợi nhuận thu về từ việc "lách luật" (!)

Sau mỗi vụ lộn xộn trong việc quản lý biểu diễn ca nhạc, dư luận và báo chí đã nhiều lần đưa ra cảnh báo để các cơ quan, đơn vị chức năng rà soát lại, rút kinh nghiệm, sửa quy chế... Tuy nhiên, do việc xử lý không nghiêm, như trường hợp “Vũ điệu đường cong”, khiến việc cấp phép biểu diễn nghệ thuật tiếp tục rối và như một căn bệnh nan y đã “nhờn thuốc”. Nếu lực lượng thanh tra, đơn vị quản lý văn hóa vẫn có kiểu chờ báo chí, dư luận phát hiện mà không mạnh tay xử lý, răn đe theo quy định của pháp luật thì đâu vẫn hoàn đó mà thôi./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên