Xét tuyển đại học trước giờ “đóng máy”: Trường lo ảo, trò lo trượt
VOV.VN - Dù không còn cảnh chen chúc nộp hồ sơ như năm ngoái, song cuộc đua xét tuyển năm nay vẫn rất căng thẳng nhiều trường thấp thỏm với các thí sinh
Ngày 12/8, kết thúc đợt 1 xét tuyển vào ĐH,CĐ năm 2016. Số hồ sơ đăng ký vào các trường đã bằng hoặc vượt chỉ tiêu. Dù không còn cảnh chen chúc nộp hồ sơ như năm ngoái, song cuộc đua xét tuyển năm nay vẫn rất căng thẳng với nhiều trường và thấp thỏm với các thí sinh.
Tư vấn chọn ngành xét tuyển cho thí sinh tại trường ĐH Kinh tế Quốc dân, Hà Nội ngày 10/8. ẢNh: N.H |
Đau đầu vì “ảo” khó lường
Cho đến thời điểm này, các trường đại học (ĐH) tốp trên nhận được khá nhiều hồ sơ đăng ký xét tuyển (ĐKXT) nhưng vẫn nơm nớp lo “ảo”. Với quy định ở đợt xét tuyển đầu tiên mỗi thí sinh được đăng ký vào hai trường, mỗi trường hai ngành, sẽ đẩy con số ảo lên đến 50%. Ông Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng đào tạo, ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội cho biết: “Mọi năm tỷ lệ ảo chỉ chiếm khoảng 5-10% nhưng năm nay khó lường, vì khá nhiều trường có phương thức tuyển sinh riêng là xét tuyển bằng học bạ THPT. Như vậy, ngoài việc có thể ĐKXT 2 trường ĐH bằng điểm thi THPT Quốc gia thì thí sinh có thể nộp hồ sơ vào trường xét tuyển học bạ. Và nếu các em đỗ cùng lúc cả 3 trường thì lượng ảo càng khó lường hơn”.
Để chống “ảo”, đến thời điểm này nhiều trường tốp trên đã nhận hồ sơ ĐKXT vượt xa chỉ tiêu. Ông Nguyễn Phong Điền, Trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, chỉ tiêu của cả nhóm GX (gồm 12 trường) là 40.000 nhưng đến ngày 10/8 nhóm đã nhận được khoảng 64.000 phiếu ĐKXT, trong đó khoảng 1/3 số thí sinh đăng ký trên hệ thống ĐKXT trực tuyến. ĐH Thương mại cũng đã nhận được 10.000 hồ sơ trong khi chỉ tiêu là 3.800. Vì lượng hồ sơ vượt xa chỉ tiêu nên trường dự kiến sẽ tổng hợp lại số lượng hồ sơ rồi phân nhóm thí sinh theo điểm để tránh “ảo”. Ông Vũ Văn Hóa, Phó hiệu trưởng trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ cũng cho biết, trường đã nhận được hơn 4.000 hồ sơ xét tuyển nhưng cũng dự trù tỷ lệ ảo 50%. Sau khi xét tuyển đợt 1 nếu không đủ chỉ tiêu trường sẽ xem xét quyết định nhận hồ sơ xét tuyển vào các đợt tiếp theo.
Việc các trường ĐH tốp trên cũng phải sử dụng “giải pháp” an toàn như trên đồng nghĩa với việc nhóm trường tốp dưới, trường địa phương và trường ngoài công lập sẽ càng khó tuyển đủ chỉ tiêu. Chính vì thế, ngoài việc xác định mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển bằng điểm sàn, hầu hết các trường đã phải dùng phương thức xét tuyển bằng học bạ THPT để có thêm nguồn tuyển. Tính đến nay đã có hơn 150 trường xét tuyển học bạ, trong đó, có không ít trường tuyển sinh 100% bằng hình thức này. Đây không chỉ được coi là lối thoát cho thí sinh mà còn là phao cứu sinh cho nhiều trường.
Băn khoăn vì khó xác định điểm chuẩn
Có mặt tại nhiều trường ĐH ở Hà Nội trong những ngày qua, có thể nhận thấy rõ là mùa tuyển sinh năm nay không còn tình trạng thí sinh phải chen chúc rút/nộp hồ sơ như năm ngoái hoặc “chầu chực” đến ngày cuối cùng vì lo mình bị loại dù điểm cao. Theo lãnh đạo nhiều trường ĐH, đó là một trong những ưu điểm của khâu xét tuyển năm nay, bởi: Thứ nhất do phương thức tuyển sinh mới quy định không cho thí sinh rút/nộp hồ sơ. Thứ hai là, năm nay có thêm hình thức ĐKXT trực tuyến (online) nên giảm tải khá nhiều số thí sinh đến nộp trực tiếp.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, việc các trường xác định điểm chuẩn cũng rất khó. Ông Trần Mạnh Dũng, Trưởng phòng Đào tạo, Học viện Ngân hàng cho biết: “Năm nay, chúng tôi khó đoán định điểm chuẩn. Vì Bộ GD&ĐT cho phép thí sinh được nộp hai trường nên khó có thể dự đoán điểm chuẩn chính xác. Những năm trước thi 3 chung, chỉ chấm điểm bài thi đến ngày thứ 3 là chúng tôi có thể dự báo được điểm chuẩn năm đó. Nhưng năm nay, đến giờ, chúng tôi vẫn chưa biết thế nào!”.
Điều này cũng khiến không ít thí sinh chần chừ chờ tới hạn chót mới nộp hồ sơ. Tại trường ĐH Kinh tế quốc dân Hà Nội, ngày 11/8, thí sinh Phương cho biết: “Mặc dù được 22 điểm và cũng đến hạn cuối cùng nộp hồ sơ nhưng em vẫn băn khoăn chưa chốt nộp vào ngành nào của trường vì khó xác định điểm chuẩn ngành mình muốn vào, do số lượng hồ sơ vào quá lớn so với chỉ tiêu. Nếu không lựa chọn đúng cũng dễ trượt như chơi”.
Phụ huynh Nguyễn Thị Oanh (Hải Dương) cũng băn khoăn: “Con tôi thi khối A được 20,5 điểm, mức điểm này không cao. Năm nay các con ĐKXT trong bối cảnh không biết tỷ lệ chọi, không biết thứ hạng mình ở đâu nên rất khó để lựa chọn ngành học vừa với mức điểm mà lại đúng với nguyện vọng của con. Hai mẹ con đang phải “cân não” để đưa ra quyết định!”.
Có thể nói, những quy định mới này của Bộ đã tạo nên những thay đổi trong mùa tuyển sinh năm 2016. Tuy nhiên, đây mới chỉ là những thay đổi về mặt kỹ thuật, còn tính chất của kỳ thi vẫn chưa có sự thay đổi. Ngành giáo dục cần có lộ trình đổi mới kỳ thi hơn nữa để đảm bảo công bằng, giảm căng thẳng và tăng quyền tự chủ trong tuyển sinh cho các trường ĐH./.
Từ ngày 13 - 14/8: Các trường phải công bố điểm chuẩn đại học 2016 và công khai danh sách trúng tuyển của thí sinh.
Từ ngày 14 - 19/8: Thí sinh nộp bản gốc Giấy chứng nhận kết quả thi cho trường để xác nhận nhập học khi trúng tuyển. Thời gian nộp hồ sơ sẽ tính theo dấu bưu điện.