Xôn xao dự đoán “đề tủ” môn Văn tốt nghiệp trước giờ G, giáo viên Ngữ văn nói gì?
VOV.VN - Thầy Phan Thế Hoài cho rằng, những dự đoán về đề thi Văn chỉ nên dừng lại ở mức độ giải trí, giải tỏa căng thẳng trước kỳ thi, thí sinh không nên "học tủ" tránh lợi bất cập hại.
Chỉ còn đúng 1 ngày nữa, thí sinh trên cả nước sẽ bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 1 năm 2021 với môn thi đầu tiên – Ngữ văn.
Ngay trước kỳ thi, bên cạnh tâm lý lo lắng, hồi hộp, không ít thí sinh cũng rất hào hứng “dự đoán” đề thi các môn, trong đó có môn Ngữ văn, hy vọng sẽ “trúng tủ”.
Chia sẻ tâm trạng trước ngày “vượt vũ môn”, Nguyễn Bảo Tuấn (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: “Em cảm thấy vừa mừng vừa lo. Mừng vì em may mắn hơn nhiều bạn đang ở vùng dịch, có thể thi tốt nghiệp ngay trong đợt 1, rút ngắn thời gian hồi hộp căng thẳng, nhưng cũng rất lo lắng không biết đề thi năm nay sẽ thế nào, liệu em có thể làm tốt như kỳ vọng hay không”.
Nam sinh chia sẻ, môn Văn là môn em khá yêu thích và tự tin. Bên cạnh việc ôn hết kiến thức cơ bản, Tuấn còn tập trung ôn một số bài được dự đoán là có tỷ lệ “trúng tủ” cao như “Vợ nhặt”, “Vợ chồng A Phủ”….
“Em hy vọng đề sẽ vào tác phẩm Vợ nhặt, sau khi phân tích, em cũng thấy rằng khả năng đề sẽ ra vào những tác phẩm này là rất cao. Em hy vọng mình có thể trúng tủ”, Tuấn nói.
Thí sinh Nguyễn Phương Nhi (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cũng cho biết, ngoài những kiến thức được ôn trên lớp học online theo hướng dẫn của thầy cô, em cũng hy vọng vào sự may mắn với những đề được dự đoán trên mạng. “Em thấy có rất nhiều các hội, nhóm trên mạng của học sinh đều đưa ra dự đoán một số tác phẩm có khả năng cao xuất hiện trong đề. Em cũng ôn kỹ hơn những bài này và hy vọng sẽ gặp may mắn”, Nhi cho biết.
Gần ngày thi, dự đoán đề thi Ngữ văn được bàn luận xôn xao trên các mạng xã hội như Facebook, Tiktok… Trao đổi với VOV.VN, thầy Phan Thế Hoài, giáo viên Ngữ văn tại TP.HCM cho rằng: “Cận ngày thi tốt nghiệp THPT, rất nhiều thí sinh, kể cả giáo viên lên mạng mạng xã hội facebook dự đoán đề thi Ngữ văn. Đây là môn tự luận duy nhất trong số các bài thi nên việc “đoán già đoán non” không có gì khó hiểu. Nếu việc dự đoán chỉ dừng lại ở giới hạn vui chơi, giải trí, tạo tâm lí thoải mái trước ngày thi thì không bàn.
Tuy nhiên, không ít thí sinh nghe theo những đồn đoán vô căn cứ này, để rồi học tủ thì lợi bất cập hại. Thực tế cho thấy, nhiều năm qua, một số tác phẩm văn học vẫn ra đi ra lại, ví dụ như “Đất Nước” (Nguyễn Khoa Điềm), “Chiếc thuyền ngoài xa” (Nguyễn Minh Châu), chứ không có chuyện bài nào đã thi thì bỏ”.
Thầy Phan Thế Hoài lưu ý thí sinh, khi thời gian không còn nhiều, thí sinh chú ý hệ thống nội dung bài học có điểm nhấn, nắm lấy những kiến thức cốt lõi. Để làm tốt bài thi Ngữ văn, thí sinh cần lưu ý những điều sau đây.
Phần đọc hiểu, câu 1 và câu 2 cần trả lời ngắn gọn, chính xác theo từ khóa. Câu 3, bám sát nội dung ngữ liệu để trả lời trúng trọng tâm câu hỏi. Riêng câu 4, thí sinh phải hiểu nội dung văn bản để biết được tác giả muốn nói điều gì. Câu hỏi cũng có thể yêu cầu thí sinh bày tỏ quan điểm về một vấn đề nào đó. Thí sinh sẽ có nhiều lựa chọn, miễn sao câu trả lời hợp tình, hợp lí là đạt yêu cầu.
Phần nghị luận xã hội, thí sinh không “tham” viết dài, chỉ cần viết khoảng 1 trang giấy thi. Sử dụng một số thao tác lập luận để làm rõ luận điểm chính. Đưa dẫn chứng thiết thực để làm rõ vấn đề cần nghị luận. Hình thức đoạn văn nên viết theo kiểu tổng-phân-hợp cho chặt chẽ, logic.
Phần làm văn, đề thi sẽ cho ngữ liệu thơ hoặc văn xuôi. Thí sinh nắm vững các phạm vi kiến thức liên quan như, tác giả, hoàn cảnh ra đời của tác phẩm, phong cách nghệ thuật tác giả… Khi phân tích đoạn văn xuôi, cần bám sát vị trí của đoạn trích để viết trúng trọng tâm, tránh viết thừa sang những nội dung khác không cần thiết.
Thầy Phan Thế Hoài lấy ví dụ phân tích nhân vật Mị qua đoạn văn sau: “Ở lâu trong cái khổ, Mị quen khổ rồi. Bây giờ thì Mị tưởng mình cũng là con trâu, mình cũng là con ngựa, là con ngựa phải đổi ở cái tàu ngựa nhà này đến ở cái tàu ngựa nhà khác, ngựa chỉ biết việc ăn cỏ, biết đi làm mà thôi.
Mị cúi mặt, không nghĩ ngợi nữa, mà lúc nào cũng chỉ nhớ đi nhớ lại những việc giống nhau, tiếp nhau vẽ ra trước mặt, mỗi năm mỗi mùa, mỗi tháng lại làm đi làm lại. Tết xong thì lên núi hái thuốc phiện, giữa năm thì giặt đay, xe đay, đến mùa thì đi nương bẻ bắp, và dù lúc đi hái củi, lúc bung ngô, lúc nào cũng gài một bó đay trong cánh tay để tước thành sợi.
Bao giờ cũng thế, suốt năm suốt đời như thế. Con ngựa, con trâu làm còn có lúc, đêm nó còn được đứng gãi chân, đứng nhai cỏ, đàn bà con gái nhà này thì vùi vào việc làm cả đêm cả ngày”.
Thí sinh cần phân tích nhân vật qua những chi tiết, sự việc như ý thức phản kháng mất đi, Mị chấp nhận số phận của mình, sống một cách dật dờ, tàn lụi: “Ở lâu trong cái khổ, Mị quen khổ rồi”.
“Mị được so sánh theo thủ pháp “vật hóa”, so sánh ngang bằng “Mị tưởng mình cũng là con trâu, mình cũng là con ngựa... Mỗi ngày Mị càng không nói, lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa. Cùng với đó là so sánh không ngang bằng: “Con ngựa, con trâu làm còn có lúc, đêm nó còn được đứng gãi chân, đứng nhai cỏ, đàn bà con gái nhà này thì vùi vào việc làm cả đêm cả ngày”, thầy Hoài nói.
Phân tích cụ thể hơn về ví dụ này, thầy Phan Thế Hoài cho rằng, mục đích của việc so sánh nhằm tập trung phản ánh hai nội dung nhận thức của Mị về nỗi khổ, sự đọa đày về thân xác “Mị tưởng mình cũng là con trâu, mình cũng là con ngựa... Con ngựa, con trâu làm còn có lúc, đêm nó còn được đứng gãi chân, đứng nhai cỏ, đàn bà con gái nhà này thì vùi vào việc làm cả đêm cả ngày” và sự tê liệt về ý thức, tinh thần “mỗi ngày Mị càng không nói, lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa”.
Từ đó, tác giả làm nổi bật dòng tâm tư, nhận thức của nhân vật về cuộc đời, số phận nô lệ buồn đau, cực nhục của Mị, sự đọa đày cả về thể xác lẫn tinh thần đối với Mị.
Từ ví dụ này, thầy Phan Thế Hoài nhấn mạnh thí sinh cần hiểu các chi tiết, sự việc và viết chân thành, cảm xúc để làm rõ thân phận nhân vật Mị khi làm nô lệ ở nhà thống lí Pá Tra.
Ngoài ra, thí sinh cần đọc kĩ đề thi để tránh viết sai, lạc đề, sắp xếp thời gian hợp lí khi làm bài, trình bày sạch sẽ…/.