Xúc động cảnh giáo viên thức trắng đêm bắt cá nuôi học sinh
Từ nhiều năm nay thầy cô trường THCS Tân Dân (Mai Châu, Hòa Bình) bắt cá cải thiện bữa ăn cho học sinh.
Gần chục năm nay, đêm nào thầy cô trường Tân Dân cũng bắt cá cải thiện bữa ăn cho học sinh.
|
Con đường đi từ trung tâm huyện Mai Châu tới trường vô cùng khó khăn, vất vả, phải đi qua những dốc đá hiểm trở, những đoạn cua gấp khúc, những mỏm đá mấp mô. Nếu không đi quen, người ta có thể gặp tai nạn bất cứ lúc nào. Có lẽ vì thế mà bao nhiêu năm nay, người dân trong khu vực này vẫn sống cùng cái đói.
Được biết, trường THCS Tân Dân khi mới thành lập năm 2007 cũng chỉ là lớp học đơn sơ được người dân góp công, góp sức xây dựng. Vật liệu cũng chẳng có gì ngoài những tấm lá đan lại với nhau và vài ba cây tre, cây nứa.
Đơn sơ nhưng cũng đủ là chỗ chui ra, chui vào cho giáo viên và học sinh nơi đây.
“Những ngày nắng thì chẳng nói làm gì, những ngày mưa, trong lớp học bì bõm nước, học sinh đi học như lội dưới ruộng, quần áo, mặt mày đều lấm lem. Nhìn lũ trẻ mà thương lắm. Cũng may, được sự quan tâm của nhà nước, hiện nay lớp học của trường tôi cũng khang trang hơn. Trường hiện nay đã có dãy nhà khá kiến cố”, một giáo viên lâu năm của trường cho hay.
Phần lớn giáo viên của nhà trường đều ở trung tâm huyện Mai Châu. Để đến được trường, họ phải băng qua những con đường cheo leo, vất vả. “Những ngày sương mù giăng kín đường, tôi lái xe dựa vào cảm tính vì cũng không nhìn rõ đâu là đường đâu là vực.
Con đường từ nhà tới trường tôi đã đi lại hàng trăm lần. Thế nên, từng mỏm đá, từng khúc cua hay từng vách vực tôi đều thuộc cả. Có những lần bị ốm phải xin nghỉ dạy tới hàng tuần, bỗng dưng ở nhà thấy bồn chồn không yên vì nhớ con đường, nhớ học sinh, nhớ bảng đen, phấn trắng.
Hiện trường chúng tôi 116 học sinh với hơn chục lớp học và khu ở nội trú cho học sinh và giáo viên. Hầu hết các giáo viên trường tôi đều ở nội trú vì nhà xa”, một giáo viên chia sẻ.
Được biết học sinh của nhà trường chủ yếu là người dân tộc thiểu số, cuộc sống của gia đình các em vô cùng khó khăn. Trong khi đó, đường từ nhà tới trường cheo leo, hiểm trở, đói nghèo không buông tha họ. Vì thế, có nhiều học sinh đã chọn cách ở nhà giúp bố mẹ lao động và trông em thay vì đến trường.
Thương học sinh nếu cứ bỏ học tương lai sẽ lại chẳng có gì, thầy cô trường THCS Tân Dân đã băng rừng, vượt suối đến từng nhà học sinh để động viên các em đến lớp.
"Có những thời điểm, 1/3 học sinh trong lớp tôi bỏ học ở nhà. Tôi đã phải băng rừng, lội suối, đi bộ hàng chục ki lô mét đường núi để đến nhà các con nói chuyện với bố mẹ. Có những giáo viên của tôi còn bị phụ huynh học sinh mắng vì họ không muốn cho con đi học. Cho con đi học đồng nghĩa với việc nhà sẽ thiếu người lao động. Nhưng sau cùng khi hiểu ra vấn đề, họ lại tay bắt, mặt mừng và cho con đến lớp. Chính nhờ những giáo viên luôn tận tình với học sinh như vậy nên đến năm nay, trường tôi không còn học sinh bỏ học nữa. Tôi thấy vui và hạnh phúc vì các em luôn coi ngôi trường giống như mái nhà thứ hai của mình”, thầy Hà Mạnh Quyết - Hiệu trưởng trường THCS Tân Dân cho hay.
Khi giáo viên là ngư phủ
Được biết học sinh của trường chủ yếu là con em dân tộc thiểu số. Đường từ nhà tới trung tâm thị trấn quá xa nên hầu như lương thực, thực phẩm đều do người dân “tự cung, tự cấp”.
Vì thế, bữa ăn nội trú của học trò trường THCS Tân Dân cũng không có gì ngoài mấy cọng rau rừng, ít mắm muối và thỉnh thoảng mới có quả trứng hay con cá. Thương học trò, giáo viên nhà trường đã tìm mua lại của người dân chiếc vó cũ và đêm đêm làm “ngư phủ” để bắt cá nuôi học trò.
Các thầy dùng hết sức kéo vó qua dây tời để bắt cá. |
Ban đêm, gió trên sông Đà lồng lộng, nhất là mùa đông mưa phùn tới lạnh tê tái. Cứ mỗi khi hết tiết học, các giáo viên của nhà trường lại chuẩn bị vó, đèn pin xuống lòng sông bắt tôm, bắt cá.
Sông Đà mênh mông, thăm thẳm nhưng không phải cứ xuống sông là có thể bắt được cá mang về. Cũng có những ngày sóng lớn, giáo viên vật lộn vài giờ dưới lòng sông nhưng chỉ được vài con cá mang về.
Cá đánh bắt được, giáo viên dùng để cải thiện bữa ăn cho học trò, ăn không hết sẽ mang phơi để những ngày sóng lớn không ra sông được học trò còn có cái ăn. Nhìn các con vui vẻ cùng nhau trêu đùa trong những bữa ăn, giáo viên chúng tôi cũng ấm lòng”.
Bữa cơm có thêm cá của học sinh. |
Chúng tôi là người hiểu hơn ai hết sự thiệt thòi của các em so với học sinh miền xuôi. Vì thế, chúng tôi luôn nỗ lực để giúp đỡ các em. Ngoài dạy chữ, chúng tôi dạy các em nấu ăn, dạy bơi….
Nhiều khi tôi cảm nhận đây thực sự là ngôi nhà thứ hai của mình. Chính tình thầy trò nơi hoang vu, hẻo lánh đã níu chân tôi dù tôi từng có nhiều cơ hội để dạy ở những ngôi trường trung tâm thị trấn có điều kiện vật chất tốt hơn”./.
Xúc động về tình cảm của thấy giáo đợi chờ học sinh trở lại lớp học