Ý kiến tranh cãi về Đề án hoàn thiện cơ cấu hệ thống giáo dục

VOV.VN -Nhiều ý kiến cho rằng, ở cấp THPT, Bộ Giáo dục và Đào tạo phân thành 3 luồng là chưa hợp lý, có thể thay vào đó bằng việc phân hóa ban học.

Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo có Tờ trình gửi Thủ tướng về Đề án hoàn thiện cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân, đã nhận được nhiều ý kiến góp ý của các giáo viên và chuyên gia giáo dục.

Theo Tờ trình mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất, khung hệ thống giáo dục quốc dân mới về cơ bản không có thay đổi gì so với hiện nay, vẫn gồm: giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp, giáo dục bậc cao; giáo dục thường xuyên - học tập suốt đời.

(Ảnh minh họa)

Đối với giáo dục phổ thông, về cơ bản vẫn giữ nguyên 12 năm học, trong đó bậc tiểu học 5 năm, THCS 4 năm, THPT 3 năm. Tuy nhiên trong giáo dục THPT, cơ cấu mới có sự thay đổi là được phân thành 3 luồng: Một là định hướng chung; hai là định hướng kỹ thuật/công nghệ và ba là định hướng năng khiếu. Những học sinh muốn tham gia thị trường lao động sớm, có thể theo học các chương trình đào tạo trình độ sơ cấp và trung cấp của giáo dục nghề nghiệp.

Nhiều ý kiến của giáo viên đồng tình với phương án hoàn thiện cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân được Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất. Các cấp học được thiết kế theo hướng đơn giản hóa, các luồng di chuyển trong hệ thống tạo điều kiện cho người học có thể dễ dàng chuyển đổi giữa chương trình, trình độ đào tạo, có cơ hội tích luỹ kiến thức và học tập suốt đời.

Hệ thống giáo dục từ mầm non đến đại học đảm bảo tính tương thích với các hệ phân loại giáo dục chung của quốc tế, giúp học sinh định hướng rõ năng lực trong quá trình học và cân nhắc kỹ trước khi chọn nghề, tránh học dàn trải như hiện nay.

Cô Hoàng Thị Kiều Phương, giáo viên dạy môn Hóa học, Trường THPT Lê Quý Đôn, quận Hà Đông (Hà Nội) nêu ý kiến: “Tôi thấy việc phân theo ba luồng là hướng đổi mới tích cực. Bởi cứ học dàn trải như bây giờ thì các em cũng không hứng khởi và lên lớp gần như là bắt buộc. Tôi nghĩ phải đổi mới từ cấp 1, cấp 2 để cho các em hình thành rõ không đủ điều kiện để học lên cao thì sẽ chuyển sang hướng khác. Tuy nhiên phải có bộ sách như thế nào cho phù hợp với cả giáo viên dạy, cũng như hướng tiếp thu của các em đỡ bị áp lực vì lượng kiến thức nhiều quá”.

Cũng có nhiều ý kiến cho rằng, ở cấp THPT, Bộ Giáo dục và Đào tạo phân thành 3 luồng là chưa hợp lý. Có thể thay vào đó bằng việc phân hóa ban học. Lâu nay việc định hướng năng khiếu chỉ có ở thành phố lớn, ở các vùng khác sẽ khó thực hiện trong khi định hướng kỹ thuật/công nghệ theo 3 luồng mới chưa chỉ rõ học sinh sẽ học những lĩnh vực nào.

Đặc biệt với tâm lý ăn sâu trong ý nghĩ của người dân xem trọng bằng cấp, nên rất dễ xảy ra trường hợp đa số học sinh lựa chọn vào luồng định hướng chung như hiện nay để học tiếp lên đại học mà không muốn theo học nghề. Như vậy, việc định hướng phân luồng sẽ khó đạt được hiệu quả như mong muốn.

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến, Trưởng ban hỗ trợ chất lượng giáo dục - Hiệp hội các trường Đại học Cao đẳng Việt Nam cho rằng: “Thực tế đây là phân hóa THPT chứ không phải là phân luồng. Phân hóa mang tính chất tự chọn cho người học, nhưng phân luồng là phải nghiên cứu bắt buộc luồng là 30 hoặc 40% học sinh vào luồng này, còn không lấy vào THPT nữa, lấy vào nghề thì mới tạo ra luồng nghề. Còn phân hóa như thế này thì 100%, 90 % theo hướng THPT”. 

Theo ông Đào Tuấn Đạt, quản lý trường THPT Anhxtanh Hà Nội, việc lựa chọn nghề nghiệp cho học sinh không phải đơn giản. Vì học sinh mới ở cấp THCS nên chưa nhận biết được năng lực, sở trường, xu hướng nghề nghiệp của mình nên khó tránh khỏi việc chọn lựa không đúng.

Bên cạnh đó, việc phân luồng theo định hướng kỹ thuật-công nghệ ở cấp THPT sẽ đặt ra vấn đề các trường có đủ điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên cho việc dạy học theo định hướng này hay không?

Ông Đào Tuấn Đạt phân tích: “Các em học phổ thông lớp 9, chỉ biết phù hợp với môn học nào, thích môn xã hội hay thích môn tự nhiên thế thôi. Cho nên chuyện phân ban ở cấp THPT làm sao đưa thành ban học tập. Nếu định hướng kỹ thuật về công nghệ thì học xong ra có làm nghề được không, hay làm gì? Ở đây, ta chỉ đào tạo về văn hóa, còn nếu không chuyển thẳng ra hướng học trung cấp hay sơ cấp, vì ban B ngày xưa đã không có học sinh học rồi. Bởi học xong không hình dung ra như thế nào thi vào đại học cũng không được, đi học nghề cũng không xong. Tôi thấy Bộ cần nói rõ về việc này”.

Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần cân nhắc kỹ cấp học THPT phân luồng theo định hướng kỹ thuật-công nghệ; định hướng năng khiếu, để khi triển khai Đề án có tính khả thi và các trường có đủ điều kiện cơ sở vật chất đáp ứng được yêu cầu dạy và học./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Đổi mới giáo dục: Giáo viên không còn là “diễn viên” nói một chiều
Đổi mới giáo dục: Giáo viên không còn là “diễn viên” nói một chiều

VOV.VN -Với chương trình GDPT mới, người thầy không còn là một “diễn viên” truyền giảng kiến thức, mà là người tổ chức các hoạt động.

Đổi mới giáo dục: Giáo viên không còn là “diễn viên” nói một chiều

Đổi mới giáo dục: Giáo viên không còn là “diễn viên” nói một chiều

VOV.VN -Với chương trình GDPT mới, người thầy không còn là một “diễn viên” truyền giảng kiến thức, mà là người tổ chức các hoạt động.

Đổi mới Giáo dục: Không nên coi phản biện xã hội là một khó khăn
Đổi mới Giáo dục: Không nên coi phản biện xã hội là một khó khăn

VOV.VN- Bà Nguyễn Thị Bình: Xã hội quan tâm đến giáo dục, góp ý cho các cơ quan giáo dục là điều đáng mừng. Đấy là một nội dung quan trọng của xã hội hóa.

Đổi mới Giáo dục: Không nên coi phản biện xã hội là một khó khăn

Đổi mới Giáo dục: Không nên coi phản biện xã hội là một khó khăn

VOV.VN- Bà Nguyễn Thị Bình: Xã hội quan tâm đến giáo dục, góp ý cho các cơ quan giáo dục là điều đáng mừng. Đấy là một nội dung quan trọng của xã hội hóa.

Đổi mới giáo dục cần theo triết lí thực học và dân chủ
Đổi mới giáo dục cần theo triết lí thực học và dân chủ

VOV.VN - Đổi mới giáo dục cần theo triết lí thực học và dân chủ. Thực học là đào tạo học sinh theo phương pháp riêng biệt để họ có năng lực thực tiễn.

Đổi mới giáo dục cần theo triết lí thực học và dân chủ

Đổi mới giáo dục cần theo triết lí thực học và dân chủ

VOV.VN - Đổi mới giáo dục cần theo triết lí thực học và dân chủ. Thực học là đào tạo học sinh theo phương pháp riêng biệt để họ có năng lực thực tiễn.

Đổi mới giáo dục không thể vội vàng, lắp ghép
Đổi mới giáo dục không thể vội vàng, lắp ghép

VOV.VN- Đổi mới giáo dục là sự nghiệp quan trọng, đầy khó khăn. Khó khăn nhất làm sao để nhận được sự đồng thuận từ xã hội. Nếu vội vã, hậu quả sẽ khôn lường.

Đổi mới giáo dục không thể vội vàng, lắp ghép

Đổi mới giáo dục không thể vội vàng, lắp ghép

VOV.VN- Đổi mới giáo dục là sự nghiệp quan trọng, đầy khó khăn. Khó khăn nhất làm sao để nhận được sự đồng thuận từ xã hội. Nếu vội vã, hậu quả sẽ khôn lường.