Giao Hà Nội quản lý: "Các bệnh viện T.Ư mất vai trò chủ đạo trong ngành y"
VOV.VN - Các chuyên gia trong ngành cho rằng, các bệnh viện trung ương khi giao Hà Nội quản lý sẽ khiến các đơn vị này bị bó hẹp, mất đi vai trò chủ đạo trong ngành y.
Đề xuất chuyển giao các bệnh viện thuộc Bộ Y tế trên địa bàn Thủ đô về cho thành phố Hà Nội quản lý được đề cập trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) tiếp tục nhận được nhiều ý kiến từ giới chuyên gia trong ngành y tế. Theo dự kiến, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ được lấy ý kiến và hoàn thiện Tờ trình để báo cáo Chính phủ ký trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước ngày 1/9 tới.
“Hà Nội có đủ sức tiếp nhận và quản lý?”
Đề xuất này dựa trên Nghị quyết số 19 của Trung ương về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Theo đó, chuyển dần các bệnh viện thuộc Bộ Y tế và bộ, cơ quan nhà nước ở Trung ương về địa phương quản lý, trừ bệnh viện thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an; một số ít bệnh viện chuyên khoa đầu ngành, bệnh viện của các trường đại học.
Theo Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Tri Thức, Giám đốc bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), Nghị quyết 19 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII năm 2017 có quy định việc điều chỉnh, sắp xếp lại các bệnh viện bảo đảm mỗi người dân đều có thể tiếp cận thuận lợi về mặt địa lý. Chuyển dần các bệnh viện thuộc Bộ Y tế và các bộ, cơ quan nhà nước ở trung ương về địa phương quản lý (trừ các bệnh viện thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an; một số ít bệnh viện chuyên khoa đầu ngành, bệnh viện của các trường đại học.
Do vậy, Giám đốc BV Chợ Rẫy cho rằng, ban soạn thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cần đặc biệt lưu ý, Nghị quyết 19 nhấn mạnh cụm từ “trừ một số ít BV chuyên khoa đầu ngành”.
“Cả nước hiện có 6 BV đặc biệt là BV Việt Đức, BV Bạch Mai, BV Chợ Rẫy, BV Trung ương Huế, BV Đa khoa Thái Nguyên và BV Trung ương Quân đội 108. Các BV này chắc chắn phải do Bộ Y tế quản lý. Ngoài ra, 28 BV chuyên khoa đầu ngành đang được Bộ Y tế quản lý, trong đó chủ yếu đặt trụ sở chính ở Hà Nội. Các bệnh viện này nằm trong diện xem xét chuyển theo tinh thần Nghị quyết 19. Thế nhưng việc chuyển giao thế nào, chuyển hay không thì cần lộ trình, kế hoạch cụ thể, đánh giá của nhiều bên Bộ Y tế, địa phương, lãnh đạo các bệnh viện”, ĐBQH Nguyễn Tri Thức (đoàn TP.HCM) nêu ý kiến.
Đại biểu Nguyễn Tri Thức cũng cho rằng, đưa tất cả bệnh viện trung ương cho Hà Nội quản lý sẽ khiến các đơn vị này bị bó hẹp, mất đi vai trò chủ đạo trong ngành y: “Các bệnh viện chuyên khoa đầu ngành lớn như K Trung ương, Nội tiết Trung ương, Huyết học truyền máu Trung ương tuyệt đối không nên chuyển. Còn lại các viện trung ương khác thì cần xem xét kỹ lưỡng phạm vi ảnh hưởng, lắng nghe nguyện vọng của các bệnh viện. Quan trọng nhất cần đánh giá xem Hà Nội có đủ sức tiếp nhận và quản lý các bệnh viện này hay không?”.
Các bệnh viện đặc biệt, chuyên khoa đầu ngành có chức năng, nhiệm vụ là đơn vị tuyến cuối của bậc thang điều trị, tiếp nhận người bệnh trong phạm vi khu vực và toàn quốc. Qua đó cho thấy, mức độ ảnh hưởng về chuyên môn của các bệnh viện này ảnh hưởng tới vùng và toàn quốc.
Vì vậy, cần thiết giữ lại các bệnh viện chuyên khoa đầu ngành trực thuộc Bộ Y tế quản lý.
“Nếu để Hà Nội quản lý thì chức năng, nhiệm vụ các bệnh viện tuyến trung ương bị bó hẹp, dần dần mất đi vai trò chủ đạo về chuyên môn, dẫn tới lãng phí chất xám. Về lâu dài sẽ để lại nhiều hậu quả, lớn nhất là ảnh hưởng tới chất lượng điều trị cũng như sự phát triển”, Giám đốc bệnh viện Chợ Rẫy nói.
“Bó hẹp vai trò của các bệnh viện trung ương?”
Cũng theo ĐBQH Nguyễn Tri Thức, những bệnh viện chuyên khoa tuyến đầu đóng vai trò lớn trong việc định hướng chuyên môn trong ngành y toàn quốc, ảnh hưởng trực tiếp đến chiến lược điều trị, phát triển nguồn nhân lực của ngành.
Ngoài chuyên môn, các bệnh viện này còn đảm nhận nhiều vai trò quan trọng khác như chỉ đạo tuyến, chuyển giao kỹ thuật cho các địa phương trên cả nước. Các bệnh viện cũng đóng vai trò là nơi thực hành đào tạo cán bộ sau đại học trong và ngoài nước.
Có cùng ý kiến trong vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Phó trưởng Đoàn ĐBQH Hải Dương) phân tích cụ thể, bệnh viện Trung ương do Bộ Y tế quản lý sẽ mang tầm quốc gia, nếu đưa về Hà Nội quản lý thì các cơ sở y tế này sẽ trở thành bệnh viện cấp địa phương, đồng thời, sẽ rất khó hợp tác quốc tế trong trao đổi kinh nghiệm, chuyển giao kinh nghiệm, mua bán đấu thầu thuốc…
Bên cạnh đó, quá trình bệnh viện T.Ư đào tạo nhân lực, chỉ đạo tuyến và hỗ trợ các địa phương khác cũng bị đứt gãy.
“Về cơ bản, các bệnh viện đồng hạng giữa các địa phương sẽ không hỗ trợ được nhiều cho nhau. Thông thường bệnh nhân nặng, tình trạng bệnh phức tạp sẽ được điều chuyển từ địa phương về trung ương để điều trị. Nếu xáo trộn đơn vị quản lý sẽ gây ra xáo trộn dây truyền về nhân sự, cơ chế, mô hình. Cuối cùng đối tượng chịu ảnh hưởng lớn nhất là tính mạng của hàng triệu người dân. Không ai có thể dám chắc được việc quy hoạch này không ảnh hưởng đến bệnh nhân”, đại biểu Việt Nga nêu ý kiến.
Theo các ĐBQH, trong hợp tác quốc tế, vai trò của các bệnh viện chuyên khoa đầu ngành cực kỳ quan trọng. Kinh nghiệm cho thấy, khi các tổ chức y khoa lớn trên thế giới đến Việt Nam làm việc, họ đều mong muốn trực tiếp trao đổi với Bộ Y tế và các bệnh viện Trung ương. Qua đó để thấy tầm quan trọng của các bệnh viện chuyên khoa dầu ngành trong hợp tác quốc tế, nâng cao tay nghề của các bác sĩ Việt Nam ngang tầm thế giới.