Giao lưu trực tuyến với “người chuyên gắn đuôi cho tinh trùng”

TS- BS Quản Hoàng Lâm (Học viện Quân Y) đã tìm cho mình lối đi riêng trong việc nghiên cứu điều trị vô sinh ở nam giới

>> "Thắp" hy vọng cho những gia đình hiếm muộn

TS- BS Quản Hoàng Lâm, Giám đốc Trung tâm đào tạo nghiên cứu Công nghệ phôi (Học viện Quân Y) đồng thời là Chủ nhiệm đề tài nghiên cứu cấp bộ về nuôi cấy tinh tử và phôi túi. Nghiên cứu của ông mở ra thêm một phương pháp trong việc điều trị vô sinh, là cứu tinh cho nhiều gia đình hiếm muộn vì người chồng không có tinh trùng.

Để giải đáp thắc mắc của độc giả xung quanh bệnh vô sinh của nam giới cũng như về phương pháp nuôi cấy tinh tử chữa vô sinh cho những nam giới không có tinh trùng, Báo Điện tử VOVNEWS tổ chức giao lưu trực tuyến với TS-BS Quản Hoàng Lâm, Giám đốc Trung tâm Công nghệ phôi thuộc Học viện Quân Y..

* Xin cảm ơn TS- BS Quản Hoàng Lâm đã tới tham gia cuộc giao lưu với chúng tôi.

TS Quản Hoàng Lâm: Chào các bạn độc giả, khán thính giả của Đài Tiếng nói Việt Nam… 

* Xin bác sĩ cung cấp cho độc giả, khán thính giả của VOV một số thông tin chính liên quan đến bệnh vô sinh ở nam giới hiện nay và hướng điều trị bệnh này.

TS Quản Hoàng Lâm: Tình trạng vô sinh nam giới ở trên thế giới cũng như ở nước ta hiện nay đang có xu hướng tăng lên. Điều này đã được ghi nhận ở nhiều nghiên cứu trên thế giới và trong một số nghiên cứu ở Việt Nam.

Ở nước ta, thông thường vợ chồng hiếm muộn đi khám chữa vô sinh thì nam giới ít được quan tâm vì người ta thường cho rằng nguyên nhân là do người vợ!. Bởi vậy, chúng tôi mong muốn thông qua buổi giao lưu này, mọi người có thể hiểu thêm về vô sinh ở nam giới. Nguyên nhân gây vô sinh do nam giới chiếm 40%, do nữ giới chiếm 40%  và 20% số trường hợp là do cả hai giới.

Trong 40% vô sinh do nam giới thì tỷ lệ yếu (hay gọi là kém) về chất lượng và số lượng tinh trùng là chủ yếu, trong đó

TS BS Quản Hoàng Lâm
10% tổng số người vô sinh nam không có tinh trùng…

* Vậy thưa bác sĩ nguyên nhân chính dẫn đến sự gia tăng tỷ lệ vô sinh ở nam giới là gì? Những vấn đề này có thể phòng tránh được không, và muốn phòng tránh thì phải làm như thế nào?

TS Quản Hoàng Lâm: Theo nhiều tác giả trên thế giới, nguyên nhân vô sinh nam tăng lên là do cuộc sống công nghiệp hoá hiện nay, do ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng của các yếu tố như hoá chất, vật lý, bức xạ điện từ, tuổi kết hôn muộn hơn…

Mặt khác, còn do những sinh hoạt của thanh niên trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay, người ta quá chú trọng đến cuộc sống “ảo”, nên cuộc sống thực không được quan tâm đầy đủ. Theo ghi nhận của Hiệp Hội vô sinh ở Mỹ và châu Âu, thì trong vòng 50 năm vừa qua số lượng, chất lượng tinh trùng của nam giới ở khu vực ấy giảm. Ở Việt Nam cũng ghi nhận được như vậy.

* Được biết bác sĩ và các cộng sự đã thành công trong việc nuôi cấy tinh tử và phôi túi để chữa bệnh vô sinh cho nam giới, xin bác sĩ giới thiệu đôi chút về phương pháp này?

TS Quản Hoàng Lâm: Phương pháp này gọi một cách đơn giản hơn là nuôi cấy tế bào dòng tinh. Trong quá trình sinh ra tinh trùng, cần phải qua 5 giai đoạn: tinh nguyên bào, tinh bào 1, tinh bào 2, tinh tử và tinh trùng. Như vậy, tinh tử là giai đoạn thứ 4 và tinh trùng là giai đoạn thứ 5.

So với tinh trùng có dạng con nòng nọc, có đuôi và có thể chuyển động được, thụ tinh được thì tinh tử có hình dạng tròn, không chuyển động và không thụ tinh được. Những người không có tinh trùng mà có tinh tử, chúng tôi sẽ nuôi cấy được. Sau thời gian nuôi cấy tinh tử này nó hơi có đuôi dài một chút và có thể thụ tinh được.

* Vậy xin bác sĩ cho biết một số kết quả của công trình nghiên cứu này? Hiện đã có bao nhiêu trường hợp điều trị theo phương pháp này và đã có kết quả tốt?

TS Quản Hoàng Lâm: Công trình của chúng tôi bắt đầu tiến hành từ cuối năm 2006 đến đầu năm 2007 thì chúng tôi bắt đầu tiến hành trên người. Chúng tôi đã nghiên cứu khoảng 30 trường hợp và đã thành công khoảng 10 trường hợp. Họ đã có thai và có hai ca đã sinh ra hai cháu bé khỏe mạnh bình thường, trong đó có 1 cháu sinh khoảng tháng 12/2007 ở Bắc Giang.

Trong thời gian tới chúng tôi sẽ hoàn thiện quy trình tốt hơn để giúp cho nhiều cặp vợ chồng vô sinh. Đây cũng là nghiên cứu bước đầu nên chúng ta cũng cần hết sức thận trọng và hiểu đúng về phương pháp này. Phương pháp này không phải giúp cho được tất cả các trường hợp không có tinh trùng, mà chỉ ở những trường hợp đã có giai đoạn tinh tử. Còn những người không có tế bào dòng tinh, hiện nay chúng ta vẫn chưa giúp được và trên thế giới vẫn đang tiếp tục nghiên cứu.

* Phương pháp này nên được áp dụng trong những trường hợp nào, thưa bác sĩ?

TS Quản Hoàng Lâm: Phương pháp này được chỉ định, áp dụng cho những trường hợp là nam giới không có tinh trùng, rối loạn sinh tinh đến giai đoạn có tinh tử. Những trường hợp yếu tinh trùng, dị dạng tinh trùng thì không cần nuôi cấy tinh tử, bởi vì đã có tinh trùnh rồi. Những trường hợp này có thể dùng các biện pháp hỗ trợ khác.

Xin bác sĩ cho biết khó khăn lớn nhất khi tiến hành phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm, nuôi cấy tinh tử và tế bào phôi túi?.

TS Quản Hoàng Lâm: Ở Việt Nam phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm hiện nay đã trở nên khá phổ biến, có khoảng 11 trung tâm thực hiện việc này. Chúng ta bây giờ đã và đang làm được nhiều việc trên thế giới đã làm.

Trong điều trị vô sinh hiện nay vẫn còn một số khó khăn, vì cơ sở điều trị chưa nhiều. Mặt khác, trên thế giới cho rằng, nếu nam giới yếu, hay thiếu tinh trùng thì người ta có thể thay bằng ngân hàng tinh trùng. Không phải họ không làm được kỹ thuật này mà là do quan niệm của họ. Vì ở đây có người khoẻ mạnh có nguồn gien rất quý, cải tạo giống nòi. Nhưng ở Việt Nam thì những người nam giới rất muốn có con bằng chính nguồn gien của mình. Điều này đã thúc đẩy chúng tôi nghiên cứu, muốn dùng kỹ thuật này giúp cho những nam giới người có thể sinh con bằng chính nguồn gien của mình.

* Bác sĩ vừa nói đến ngân hàng tinh trùng, vậy ở Việt Nam có cơ sở nào thực hiện việc lưu giữ tinh trùng?

Hiện nay ở Việt Nam chưa có ngân hàng tinh trùng nào được thành lập một cách bài bản. Tuy nhiên ở tất cả các trung tâm điều trị vô sinh đều có phòng lưu trữ tinh trùng.

Nếu muốn thành lập một ngân hàng tinh trùng, chúng ta hình dung giống như một ngân hàng máu hoặc ngân hàng tạng ở các nước trên thế giới thì cần phải có cơ sở vật chất và kinh phí rất lớn và đòi hỏi nhiều tiêu chuẩn về mặt kỹ thuật và y đức. Ở Trung tâm Công nghệ phôi (Học viện Quân y) hiện nay cũng có phòng lưu trữ tinh trùng tương đối lớn và hoạt động một cách có hệ thống, theo tiêu chuẩn quốc tế. Khó khăn nhất của ngân hàng tinh trùng hiện nay là nguồn cho còn hạn chế vì người ra không thể đi cho tinh trùng một cách rộng rãi, công khai như hiến máu nhân đạo được, cũng không thể tuyên truyền rộng rãi như thế được. Chính vì thế thông qua chương trình này chúng tôi muốn thông tin đến tất cả các khán thính giả là không nên quá nặng nề về việc hiến tinh trùng mà đây là một hành động đẹp, cho tinh trùng là các bạn đã hiến nguồn gien tốt cho thế hệ tương lai của đất nước. Chúng tôi cũng đảm bảo tất cả các nguồn tinh trùng được cho đều được sử dụng thật ý nghĩa, vô danh và giữ bí mật theo đúng quy định của Bộ Y tế. 

* Nhưng thưa bác sĩ, cũng nảy sinh một vấn đề là nếu hiến tinh trùng rộng rãi, người ta lo ngại sau này những người cùng huyết thống có thể kết hôn với nhau mà không biết.

TS Quản Hoàng Lâm: Để loại trừ kết hôn cận huyết chúng tôi có 2 cách. Thứ nhất là lấy tinh trùng ở vùng này chuyển sang vùng khác xa hơn, cách thứ hai là xét nghiệm di truyền trước khi kết hôn nếu có nghi ngờ.

Nhưng theo tôi được biết, nhiều nghiên cứu cho thấy ở các nước đã có ngân hàng tinh trùng rất lâu rồi như Pháp, Mỹ… thì ngân hàng tinh trùng cũng không làm tăng nguy cơ kết hôn cận huyết so với có thai tự nhiên trong cộng đồng.

* Thưa bác sĩ, có những trường hợp đặc biệt: họ sắp làm một việc nguy hiểm đến tính mạng, bị bệnh phải đi chiếu xạ hoặc họ chưa kết hôn nhưng muốn lưu giữ nguồn tinh trùng khoẻ mạnh để sau này vẫn có thể có con bằng chính nguồn gien của mình thì họ phải làm gì?

TS Quản Hoàng Lâm: Câu hỏi này rất hay. Khác với trường hợp thứ nhất là ngân hàng tinh trùng cần phải vô danh để tránh những rắc rối gặp phải sau này, trường hợp thứ 2 này áp dụng cho những trường hợp họ phải đi vào những nơi nguy hiểm, độc hại, đi chiến đấu, trước điều trị chiếu xạ hay hoá chất (ảnh hưởng đến chất lượng tinh trùng)… thì nên lưu giữ tinh trùng trong phòng lưu giữ của chúng tôi. Thời gian lưu giữ an toàn được khuyến cáo là 5 năm.

Trong 2 năm đầu người lưu giữ đóng một khoản kinh phí nhất định, sau đó nếu vẫn muốn lưu giữ thì đóng tiếp kinh phí duy trì hàng năm. Nguồn tinh trùng đó được bảo vệ an toàn để người lưu giữ có con trở lại.

* Bạn Bùi Anh Quân ở Thái Nguyên hỏi: Tôi lấy vợ đã 2 năm mà chưa có con. Khi đi khám vô sinh, các bác sĩ yêu cầu tôi kiểm tra tinh dịch đồ, kết quả có ghi 11,7 triệu, di động 63%, sàng lọc 24%. Xin hỏi bác sĩ với trường hợp của tôi liệu có thể áp dụng phương pháp nuôi cấy tinh tử và phôi túi để có con được không? Nếu không thì phải sử dụng phương pháp nào. Cảm ơn bác sĩ!

TS Quản Hoàng Lâm: Trường hợp này vẫn có tinh trùng cho nên không cần nuôi cấy tinh tử và phôi túi, thực chất là tinh dịch của bạn hơi yếu (số lượng ít, chỉ có 11,7 triệu/ml) nhưng di động vẫn còn tốt (63%), chỉ cần đến cơ sở điều trị hiếm muộn vô sinh để xét nghiệm và cho thuốc kích thích sinh tinh. Sau đó tuỳ số lượng và chất lượng tinh trùng mà sẽ thực hiện thuj tinh nhân tạo (bơm tinh trùng vào buồng tử cung) hoặc thụ tinh trong ống nghiệm là có thể có con được.

* Bạn Đặng Thị Mai Uyên: Chào bác sĩ, vợ chồng cháu cưới nhau đã được 4 tháng. Cháu 25 tuổi và chồng cháu 27 tuổi. Gần đây chồng cháu đi xét nghiệm tinh dịch đồ với kết quả: tinh trùng tiến tới nhanh 4%, tiến tới chậm 25%, không tiến tới 44%, hình dạng bình thường 6%. Tinh trùng của chồng cháu như vậy là yếu phải không ạ? Khả năng có con của vợ chồng cháu thế nào? Hiện vợ chồng cháu rất hoang mang, cháu xin bác sĩ tư vấn cho chúng cháu phương pháp chữa trị.

TS Quản Hoàng Lâm: Thứ nhất là hai vợ chồng bạn không nên quá lo lắng vì mới lấy nhau 4 tháng, vì phải chung sống trên 1 năm mà không có con thì mới được coi là hiếm muộn vô sinh. Tuy nhiên, do chồng bạn có kết quả xét nghiệm như vậy thì nên đến các cơ sở điều trị hiếm muộn vô sinh để được điều trị kích thích sinh tinh sớm là có thể có con.

* Bạn Nguyễn Phương Lưu, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc: Chào bác sĩ hai vợ chồng tôi vừa đi khám bác sĩ kết luận tôi không có tinh trùng. Siêu âm 4 chiều kết luận tinh hoàn 2 bên teo nhỏ. Vậy xin hỏi bác sĩ có biện pháp điều trị nào được không? Xin cảm ơn bác sĩ.

 TS Quản Hoàng Lâm: Trường hợp của bạn tương đối khó do không có tinh trùng và hai bên tinh hoàn teo. Mời bạn đến Trung tâm công nghệ phôi để được khám, xét nghiệm và điều trị. Địa chỉ tại 106 Đường Phùng Hưng, Hà Đông, Hà Nội.

* Bạn Lê Văn Tính hỏi: Chào bác sĩ! Tôi năm nay 35t, đã lấy vợ được 3 năm, nhưng 1 năm sau ngày cưới cháu đã đi khám và phát hiện ra mình ko có tinh trùng, rồi đã mổ dính maò tinh cách đây 1 năm, giờ đi khám lại vẫn ko thấy gì? Vậy phải làm sao để có con?

TS Quản Hoàng Lâm: Trường hợp của bạn thì nên đi xét nghiệm lại và khám nam khoa để xác định có tinh trùng hay không (có thể chọc hoặc mổ từ tinh hoàn) và sau đó tiến hành làm thụ tinh ống nghiệm thì mới có thể có con được.

* Ngọc Lan (Thái Bình): Chào bác sĩ, vợ chồng tôi cưới nhau đã được 2 năm nhưng chưa có con. Đi khám bác sĩ kết luận chồng tôi có rất ít tinh trùng. Vậy nếu tôi muốn có con bằng phương pháp nuôi cấy tinh tử thì tôi phải làm những gì? Phương pháp đó có tốn kém nhiều không?

TS Quản Hoàng Lâm: Trường hợp chồng bạn vẫn có tinh trùng thì không cần phải nuôi cấy tinh tử mà chỉ cần đi khám xét nghiệm rồi cho thuốc kích thích sinh tinh, sau đó có thể thụ tinh nhân tạo hoặc thụh tinh trong ống nghiệm là có con được.

Mặt khác nhân dịp này chúng tôi cũng muốn thông tin về nuôi cấy tinh tử cần thời gian là từ 3-6 tháng và nguồn kinh phí khoảng 30-50 triệu đồng. Đầu tiên, người chồng đến khám xét nghiệm và cho thuốc kích thích sinh tinh trong 3-6 tháng, sau đó làm hồ sơ để mổ tinh hoàn, tiến hành sinh thiết tinh hoàn, phân lập hoặc tách tế bào tinh tử, nuôi cấy trong 24 giờ sau đó thụ tinh cho trứng của vợ trong ống nghiệm. 3 ngày sau thì tạo phôi được rồi chuyển vào tử cung vợ và có thể có thai bình thường.

* Bạn Thành Nam ở Hà Nội hỏi: Thưa bác sĩ, xin bác sĩ cho tôi biết triệu chứng của bệnh giãn tĩnh mạch thừng tinh?

TS Quản Hoàng Lâm: Triệu chứng chính là thấy tinh hoàn to mà khi nằm nghỉ ngơi thì không nhỏ lại.

Tinh hoàn to nhưng mềm, không đau, có thể ảnh hưởng đến quan hệ vợ chồng. Nên đi khám và siêu âm để phát hiện chính xác, điều trị kịp thời tại các khoa tiết niệu.

* Nguyễn Hoàng Thọ hỏi: Tôi lấy vợ cách đây 4 năm nhưng đến nay chưa có con, đi khám bác sĩ nói tinh trùng của tôi yếu, xin hỏi tôi có khả năng có con hay không? có phải do trước đây khi còn học phổ thông tôi có theo học nhiều môn võ taekwondo mà gây ra bệnh này?. Rất mong nhận được sự tư vấn của bác sĩ, xin chân thành cảm ơn bác sĩ!

TS Quản Hoàng Lâm: Chưa có ghi nhận nào tập võ Taekwondo mà gây yếu tinh trùng, nếu thực sự như vậy thì nên đi khám và xét nghiệm tại các khoa hiếm muộn vô sinh để được điều trị kích thích sinh tinh hoặc can thiệp. Bạn vẫn có thể có con bằng các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản được.

* Bạn Hoà Bình (Hải Phòng) Thưa bác sĩ, xin cho tôi hỏi bao lâu sau khi kết hôn mà không có con thì cần đi khám bác sỹ?

TS Quản Hoàng Lâm: Nếu hai vợ chồng ở với nhau thường xuyên không dùng biện pháp tránh thai trên 1 năm mà chưa có con thì nên đi khám, đặc biệt nếu như phát hiện có gì bất thường ở vợ hoặc chồng thì nên đi khám sớm càng tốt.

* Bạn đọc Trần Anh hỏi: bác sĩ ơi, có thuốc nào chữa được bệnh rối loạn cương dương không? Tôi bị bệnh này, nhưng không dám đi khám chỉ muốn có thuốc uống cho khỏi…

TS Quản Hoàng Lâm: Bệnh rối loạn cương dương do nhiều nguyên nhân khác nhau, do đó cũng có rất nhiều thuốc và các biện pháp điều trị. Ví dụ vật lý trị liệu, phẫu thuật. Nên bạn phải đi khám ở các trung tâm hiếm muộn, vô sinh (ngoài Trung tâm công nghệ phôi còn có Trung tâm nam học Bệnh viện Việt- Đức, Phòng khám Tâm Anh trên đường Lý Nam Đế, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội…)

* Bạn Sang hỏi: Tôi có tình trạng xuất tinh sớm do thường xuyên thủ dâm từ năm 17 tuổi. Tôi xin hỏi bệnh này có thể chữa được không? hiện tôi ở tỉnh Đăk Nông, xin hỏi bệnh viện hay địa chỉ nào tôi có thể đến điều trị gần nhất?.

TS Quản Hoàng Lâm: Bạn không nên lo lắng nhiều lắm, tuy nhiên để đảm bảo sức khoẻ và khả năng sinh con sau này, bạn nên đi khám ở các trung tâm hiếm muộn, vô sinh. Nếu bạn ở Đắc Nông thì nên đến Bệnh viện Bình Dân (Thành phố Hồ Chí Minh) để khám và có hướng điều trị.

* Bạn Trần Văn Tú: Cháu năm nay 25 tuổi, chưa lấy vợ. Khoảng 2 tháng trở lại đây tự dưng thấy tinh hoàn bên trái cứ đau âm ỉ. Cháu rất lo lắng. Vậy các bác sỹ khuyên cháu phải làm thế nào? Cảm ơn các bác sỹ

TS Quản Hoàng Lâm: Bạn nên đi khám tại các khoa tiết niệu ở Bệnh viện đa khoa hoặc đến Bệnh viện Việt Đức- Hà Nội để được xác định có bệnh hay không trong thời gian sớm nhất.

* Bạn Đình Tuấn: năm nay em 21 tuổi nhưng “cậu nhỏ” không lớn lắm, nó không tự lột bao quy đầu ra ngoài mà phải dùng tay, phần quy đầu bên trong cũng rất mỏng, chạm vào hơi đau,  có nên đi cắt bao quy đầu không?

TS Quản Hoàng Lâm: Trường hợp của bạn không đáng lo ngại lắm vì khả  năng có con không phụ thuộc vào kích thước của “cậu nhỏ”. Tuy nhiên em nên đi khám ở các khoa tiết niệu để phẫu thuật cắt bao quy đầu (ở các nước thì thủ thuật này được làm từ lúc 9- 12 tuổi để kỷ niệm tuổi trưởng thành).

* Bạn đọc không nêu tên: Chồng của tôi bị xuất tinh sớm. Bình thường khi ở ngoài có thể cương rất lâu, nhưng cứ đưa vào âm đạo đươc 1,2 phút là đã phóng tinh rồi, có khi vừa đưa vào đã bị phóng tinh. Chuyện này làm chồng tôi bị ảnh hưởng nhiều về tâm lý, mặc dù tôi đã động viên, chia sẻ với anh rất nhiều nhưng anh vẫn thiếu tự tin trong chuyên ấy. Tôi muốn hỏi làm thế nào để khắc phục tình trạng này, liệu có chữa được không?

TS Quản Hoàng Lâm: Chồng bạn nên đi khám để có lời khuyên và biện pháp điều trị thích đáng tại các Trung tâm Nam học Bệnh viện Việt Đức hoặc Phòng khám Tâm Anh, nếu ở Thành phố Hồ Chí Minh có thể đến Bệnh viện Bình Dân.

* Bạn Bích Hà (Nam Định): Xin bác sĩ cho tôi biết, giới hạn tuổi sinh con ở nam giới tốt nhất là bao nhiêu? Tôi nghe nói có những trường hợp 70- 80 tuổi vẫn có con, điều đó có đúng không? đứa con sinh ra có hoàn toàn khoẻ mạnh không?

TS Quản Hoàng Lâm: Tuổi sinh sản của nữ thường từ 13-49, trong khi còn kinh nguyệt. Còn đối với nam giới thì thời gian này dài hơn, cho đến lúc già yếu và chết, nhưng tốt nhất là ở độ tuổi từ 20-50. Ngoài 50 tuổi thì người nam giới sẽ giảm về số lượng và chất lượng tinh trùng cũng giảm ham muốn về tình dục. Vậy không nên để muộn quá mới có con.

* Xin cảm ơn Tiến sĩ, bác sĩ Quản Hoàng Lâm đã tham gia cuộc giao lưu./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên