Giáo sư Ngô Bảo Châu: Cần có tinh thần quả cảm

(VOV) - Theo ông, sự quả cảm không để chỗ cho sự lười biếng, hèn nhát dụ dỗ quay lưng lại với sự thật.

Chiều 13/3, Giáo sư Ngô Bảo Châu đã có buổi thuyết trình và giao lưu với sinh viên Trường Đại học Bách khoa về chủ đề: “Học như thế nào”. Đây là sự kiện nằm trong Chuỗi sự kiện “Cầu nối - Cuộc đối thoại hướng đến văn hóa hòa bình” lần thứ tư tại Đông Nam Á của Quỹ Hòa bình Quốc tế. Chương trình đã đem lại cho các sinh viên những suy nghĩ mới về phương pháp học tập.

Học tập là hoạt động tập thể, có tổ chức

“Sự học như con thuyền ngược nước, nếu không tiến ắt sẽ lùi”. Đúng vậy! Nếu chúng ta không cố gắng học thì sẽ bị tụt hậu so với thời đại. Cách để tiến lên, để học tốt phần lớn phụ thuộc vào phương pháp học tập. Tuy nhiên, bấy lâu nay, “Học như thế nào?” luôn là một câu hỏi khó, thể hiện những băn khoăn, trăn trở của biết bao thế hệ học sinh, sinh viên đang loay hoay tìm cho riêng một phương pháp học tập đạt hiệu quả cao nhất.

Nếu như ngày xưa, học chữ thánh hiền quan trọng nhất là phải có chí - cái chí để đi bắt đom đóm bỏ vào lọ làm đèn đọc sách thâu đêm, thì trong thời buổi hiện nay, khi kiến thức khoa học của nhân loại tưởng chừng như vô hạn, thì theo giáo sư Ngô Bảo Châu, có chí thôi chưa đủ để học tốt, mà quan trọng là phải học có tập thể, có tổ chức.

Giáo sư Ngô Bảo Châu trong buổi thuyết trình

Không phải cứ mất 50.000 USD để được vào học những trường đại học danh tiếng như MIT, Stanford… mà nhờ vào internet, học sinh, sinh viên ngày nay dễ dàng tìm được rất nhiều tài liệu học tập khi mà các trường này hầu hết cho phép truy cập miễn phí tự liệu học tập, theo dõi bài giảng trên video. Như vậy bất kỳ một sinh viên nào cũng có thể được tiếp cận với những giáo trình tiên tiến nhất.

Tuy nhiên, theo giáo sư Ngô Bảo Châu, dù có được cung cấp mọi tài liệu thì việc học một mình không hề hiệu quả: “Ngồi theo dõi bài giảng một mình trên mạng không phải cuộc chơi thú vị khi không có địch thủ, không có đồng đội, lộ trình, giải thưởng, mục tiêu…”. Tất cả những thứ này tưởng chừng như không hề liên quan đến nội dung bài giảng nhưng lại quyết định rất nhiều đến việc tiếp thu kiến thức của người học.

Giáo sư cho rằng học tập là hoạt động tập thể, có tổ chức: “Thiếu tranh biện, con người nhanh chóng lạc vào con đường chủ quan - con đường luôn luôn dẫn vào cái đích là sự bế tắc. Bản tính con người là hiếu thắng, là cái cần thiết cho tranh luận nhưng cũng chính là cái làm hỏng cuộc tranh luận, thậm chí có thể biến nó thành chiến trường để người này đè bẹp người kia. Vì vậy, trong mỗi cuộc chơi phải có luật chơi lành mạnh để cho sự cạnh tranh chỉ tăng nỗ lực để mỗi người vượt lên chính mình chứ không phải là cái cớ để thỏa mãn bản năng hiếu thắng”.

Giáo sư Ngô Bảo Châu đã đưa ra gợi ý cho các sinh viên về phương pháp học tập nhóm là hãy cùng nhau học những tài liệu có trên mạng hay dùng những tài liệu đó để học tập trên lớp. Nếu làm được điều đó, giáo viên sẽ không phải mất nhiều thời gian trong việc giảng bài nữa mà tập trung tháo gỡ những câu hỏi của sinh viên, hướng dẫn sinh viên làm bài tập…

Học bằng niềm say mê và tinh thần quả cảm

Bên cạnh việc học tập thể, có tổ chức, giáo sư Ngô Bảo Châu đặc biệt nhấn mạnh vào niềm say mê và tinh thần quả cảm trong học tập.

Để học tốt, trước hết phải có niềm say mê với môn học mà mình yêu thích, bởi khi không có hứng thú thì việc gắn bó lâu dài với nó chẳng khác gì cực hình. Niềm say mê với môn Toán của Giáo sư Ngô Bảo Châu là một trong những yếu tố vô cùng quan trọng dẫn đến thành công ngày hôm nay.

Tuy nhiên, Giáo sư Ngô Bảo Châu chia sẻ không phải lúc nào niềm say mê ấy cũng thường trực trong ông. Niềm say mê không bao giờ ổn định, không ai có thể say mê mãi với một điều nào đó, việc học cũng thế. Ông một lần nữa khẳng định hoạt động học tập tập thể sẽ mang niềm đam mê này trở lại ở những thời điểm nhất định. Bởi theo giáo sư thì việc hoạt động có kỷ luật của tập thể, sẽ mang tới trách nhiệm, nghĩa vụ cho cá nhân. Đồng thời, hoạt động học tập tập thể cũng lan tỏa niềm đam mê từ người này tới người khác.

Việc học, nghiên cứu khoa học không phải là ôn lại những kiến thức đã có mà là một cuộc hành trình đi tìm cái mới, vượt qua biên giới của những gì đã biết để thực sự đuổi theo cái chưa biết. Nhưng đây lại là cuộc hành trình cô đơn, đòi hỏi mỗi người muốn bước đi vững chắc trên đó cần phải có một tinh thần quả cảm, dám nghĩ, dám làm. Sự quả cảm không để chỗ cho sự lười biếng, hèn nhát dụ dỗ quay lưng lại với sự thật.

Giáo sư Ngô Bảo Châu chia sẻ, bản thân ông đã từng cô đơn trên hành trình nghiên cứu bổ đề cơ bản: “Sau khi làm luận án tiến sĩ xong tôi thi tuyển vào một Viện nghiên cứu ở Pháp nhưng tôi trượt. Buổi phỏng vấn đầu tiên, người ta hỏi tôi nghiên cứu gì, tôi nói "Bổ đề cơ bản", họ cười và tôi bị đánh trượt. Người ta không tin tôi”. Đến năm 2002, khi quay lại làm bổ đề cơ bản, ông làm việc say sưa. Nhưng đến năm 2006, khi mở rộng công trình, ông hiểu đó là con đường cụt và khi đó bản thân còn không tin vào mình nữa. Tuy nhiên, nhờ có tinh thần quả cảm cùng với sự giúp đỡ của gia đình, bạn bè, đồng nghiệp và các thầy cô giáo mà ông đã gặt hái được thành công trên hành trình này./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên