Giáo sư Nguyễn Tài Thu: Vua châm cứu một đời khóc vì 'người dưng'
VOV.VN - Người đời kính cẩn gọi Giáo sư Nguyễn Tài Thu bằng danh xưng “thần kim” hay “Vua châm cứu” không chỉ bởi tài năng phi thường mà còn vì đức độ sáng ngời của ông.
Ngày 14/2, trái tim của người thầy thuốc luôn đau vì “người dưng”, Giáo sư Nguyễn Tài Thu đã ngừng đập. Ông ra đi để lại niềm thương tiếc vô hạn cho bệnh nhân, học trò và những người mến mộ đức độ, tài năng của ông. Tổng kết 90 năm cuộc đời, có lẽ đến khi mất GS Nguyễn Tài Thu vẫn mang theo nỗi đau của người bệnh đi vào cõi vĩnh hằng.
Vua châm cứu
Cho đến khi qua đời (14/2), người nhà của GS Thu vẫn chẳng thể khuyên ông có lấy một ngày nghỉ ngơi. Mỗi ngày, liên tục từ 8h sáng đến 13h chiều, người thầy thuốc ở cái tuổi "xưa nay hiếm" vẫn say mê chữa bệnh miễn phí cho hàng chục bệnh nhân và ăn trưa bằng…một cốc nước chè.
Nhắc đến GS Nguyễn Tài Thu, người đời và giới chuyên môn kính cẩn gọi ông bằng những danh xưng như là “thần kim” hay “Vua châm cứu” không chỉ bởi tài năng phi thường mà còn vì đức độ hơn người.
Sinh ra trong gia đình có truyền thống Nho học, từ nhỏ GS Thu đã được tiếp xúc nhiều với bộ môn châm cứu. Những năm 1945-1946, khi cả Hà Nội bom đạn mịt mù, và tận mắt chứng kiến nhiều người bị thương và chết do chiến tranh, trong ông cháy bỏng ước mơ trở thành bác sĩ chữa bệnh cho mọi người. Sau này theo bộ môn châm cứu chữa bệnh, ông từng lấy cơ thể mình thực nghiệm rồi mới đụng kim châm vào người khác.
Năm 1953, sau khi học năm thứ nhất trường Đại học Y Khoa (nay là trường Đại học Y Hà Nội), ông được cử đi học tại Trung Quốc trong 6 năm để học chuyên về Đông y.
Năm 1958, tốt nghiệp bác sĩ Đông y ở Trung Quốc, bác sĩ Tài Thu về nước công tác tại nhiều bệnh viện quân đội và địa phương. Năm 1967, ông đi sâu nghiên cứu ngành châm cứu tại phòng mạch của Hội Đông y (phố Tông Đản, Hà Nội). Ông bắt đầu nghiên cứu dùng các cây kim có độ dài khác nhau để chữa bệnh.
Tới năm 1968, từ đề xuất của ông, Hội Châm cứu đầu tiên của Việt Nam hình thành. Từ số không, Nguyễn Tài Thu cùng cộng sự đã phát triển Hội Châm cứu Việt Nam lên hàng chục ngàn hội viên, đào tạo hàng trăm cán bộ châm cứu trình độ sau đại học…
Đến nay, hầu hết các bệnh viện trong cả nước đều có bộ môn châm cứu. Viện Châm cứu Việt Nam do ông sáng lập từ năm 1982 trở thành địa chỉ quen thuộc của giới khoa học châm cứu trong và ngoài nước.
Sinh thời, GS Nguyễn Tài Thu tự nhận vốn tài sản lớn nhất đời mình là hàng chục cuốn sách về châm cứu và lý luận Đông y như Tân châm, Nghiên cứu châm tê trong phẫu thuật, Thủy châm, Nhĩ châm, Mai hoa châm, Điện châm…, làm "cẩm nang" cho hàng ngàn y, bác sĩ sau này.
Ông nổi tiếng với hai kỹ thuật Châm tê và Châm cứu cai nghiện Ma túy (được Bộ Y tế cho phép triển khai với tỷ lệ cắt cơn rất cao, chỉ có 5% đến 10% tái nghiện) đã được giới thiệu tới gần 50 quốc gia.
Một đời khóc vì ‘người dưng’
Sinh thời, GS Nguyễn Tài Thu không chút giấu diếm tự nhận mình là người hay khóc, dễ xúc động.
Ông từng kể, thầy thuốc ai cũng thương bệnh nhân nhưng hình như ông có một tình cảm đặc biệt nào đó không thể không thương người ốm. GS Thu đau nỗi đau của bệnh nhân, buồn nỗi buồn của bệnh nhân và coi họ như người thân của mình.
Trong một lần chia sẻ với báo chí, ông kể về một trường hợp bị liệt 2 chi dưới, đau khổ đến muốn chết. Ít ai ngờ, bệnh nhân đặc biệt đó là con của Tổng thống Iraq. Khi đó ông cảm nhận được nhân sinh thế thái của cuộc đời, rằng người giàu hay người nghèo, quyền quý hay bần hàn khi bị bệnh tật giày vò đều đau khổ, đều yếu đuối.
Chiều xuống, sau khi tan làm, GS Thu thường dành thời gian hỏi thăm động viên những bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện châm cứu TW. Tại đó, có những em bé thậm chí người lớn bò lê lết vì bị liệt chi hoặc giày vò trong đau đớn vì thoát vị đĩa đệm.
“Chả lẽ người ta nhờ cậy, hi vọng mình lại bảo không chữa được. Người thầy thuốc không chối ngay được đâu. Bao giờ cũng phải nghĩ, có thể được không, nếu được thì ngày đêm phải như thế nào”, GS Nguyễn Tài Thu từng tâm sự như vậy.
Nổi tiếng về tài năng và y đức nhưng sinh thời GS Nguyễn Tài Thu khẳng định mình là người rất nghèo về vật chất. Ông nói đùa, nếu nhờ ông châm cứu thì được chứ còn xin tiền ủng hộ thì ông không có tiền. Ngoài mức lương hàm Giáo sư 12 triệu đồng (năm 2016), GS Thu không có thu nhập nào khác. Khi về hưu, ông chữa bệnh từ thiện.
Ông khiêm nhường nhận mình chỉ chữa bệnh vì tình yêu với bệnh nhân mà thôi. Bí quyết của ông không chỉ nằm ở những cây kim châm và bàn tay vàng mà còn bởi tình yêu xuất phát từ tâm với bệnh nhân.
Lời khuyên này ông thường đem ra để răn học trò của mình: “Làm thầy thuốc, trước hết phải có một trái tim dễ rung động trước nỗi đau của người khác, nhưng để làm thầy thuốc giỏi, cần một cái đầu trí tuệ.
Là người trải nghiệm qua gần hết phong ba bão táp cuộc đời, thậm chí có lúc phải đối mặt với đớn đau tưởng như chết đi sống lại, chính nó đã bồi tụ cho tôi thêm mạnh mẽ. Nhưng tôi là người rất dễ xúc động, dễ khóc”.
Xin nghiêng mình tiễn biệt ông!