Giáo viên dạy trẻ học thế nào khi chờ sách Tiếng Việt 1 sửa "sạn"?
VOV.VN - Trong thời gian chờ nhà xuất bản, tác giả điều chỉnh, hiệu đính sách Tiếng Việt 1 (bộ Cánh diều), thầy cô sẽ dạy học sinh thế nào đang là thắc mắc của nhiều người.
Trong thời gian chờ chỉnh sửa sách Tiếng Việt 1, bộ Cánh diều theo yêu cầu của Bộ GD&ĐT, giáo viên các trường cho biết vẫn tổ chức hoạt động dạy và học bình thường.
Giáo viên chủ động điều chỉnh
Theo cô Nguyễn Thị Hải Quyên, giáo viên chủ nhiệm lớp 1A3, trường Tiểu học Kim Ngọc (Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc), với những từ khó hiểu, giáo viên tự nghiên cứu thêm các tài liệu trên mạng, tài liệu ở 4 bộ sách còn lại để tự điều chỉnh, tìm từ thay thế hoặc hình ảnh chiếu màn hình để học sinh dễ tiếp cận.
Sau 6 tuần học, cô Quyên đánh giá, sách Tiếng Việt 1 mới dễ học hơn và yêu cầu không nặng bằng sách trước đây. Nếu sách giáo khoa Tiếng Việt 1 trước đây yêu cầu học sinh vừa học âm vần, vừa tập viết thì sách mới chú trọng tập đọc và ghi nhớ chữ trước sau này mới cho các em tập viết. Hướng tiếp cận của sách cũ và sách mới khác nhay, nên có một số phụ huynh chưa hiểu đã thắc mắc vì sao đi học được 6 tuần mà các em chưa viết thạo như các anh chị trước đây.
Về ý kiến một số bài học dạy học sinh thói khôn lỏi, thiếu bài học mang tính nhân ái, cô Quyên cho rằng, chúng ta nên nhìn vào mục tiêu bài học là rèn học sinh kỹ năng nhận biết mặt chữ và đánh vần. Giáo viên sẽ chỉ dạy đánh vần, thay vì quan tâm nặng nề tới ngữ nghĩa.
Tương tự, cô Nguyễn Thị Thu Trinh, chủ nhiệm lớp 1A1, trường Tiểu học Lưu Quý An, (Phúc Yên, Vĩnh Phúc) bày tỏ, đây là năm đầu tiên áp dụng bộ sách, không tránh khỏi thiếu sót, chưa thật sự sát với thực tế. Nếu từ ngữ chưa phù hợp thì chúng ta có thể thay thế, chỉnh sửa để sách giáo khoa tốt hơn.
Ở chương trình mới, sách giáo khoa không còn là pháp lệnh, nên giáo viên hoàn toàn chủ động, có thể linh hoạt thay đổi bài học, không quá lệ thuộc.
Trước khi chờ đợi chỉnh sửa sách từ tác giả và nhà xuất bản, các giáo viên khối 1 tự tìm tòi từ ngữ, lựa chọn các văn bản khác để thay thế cho học sinh dễ hiểu hơn như từ “dưa đỏ” thay bằng “dưa hấu”, “ba, mẹ” thì đổi sang “bố, mẹ”…
Ông Đào Chí Mạnh, Hiệu trưởng trường Tiểu học Kim Ngọc cho biết, trong thời gian chờ nhà xuất bản, tác giả chỉnh sửa, giáo viên có thể thay thế một số đoạn/bài đọc cho phù hợp hơn với học sinh lớp 1. Những “sạn” trong sách giáo khoa Tiếng Việt 1 - bộ Cánh diều không phức tạp và hoàn toàn có thể khắc phục bằng nhiều cách. Ví dụ bài A có ngữ liệu không hợp thì nhà trường, tổ chuyên môn, giáo viên có thể ngồi lại bàn bạc lấy ngữ liệu khác thay thế.
“Chúng ta nên có hướng điều chỉnh, không nên vì vài “sạn” mà đòi thay thế cả bộ sách. Bởi điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến tiến trình năm học và trực tiếp việc học của các em sẽ bị đảo lộn”, vị hiệu trưởng cho hay.
Ông Nguyễn Lê Huy, Trưởng Phòng Giáo dục phổ thông, Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc cho biết, năm nay toàn tỉnh có hơn 20 trường học sử dụng sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 Cánh diều.
Khi xuất hiện những "lùm xùm" về bộ sách này, Sở GD&ĐT có văn bản chỉ đạo các trường cho giáo viên linh động chỉnh sửa ngữ liệu bài học sao cho học sinh dễ hiểu.
Đây là năm đầu tiên triển khai chương trình giáo dục phổ thông theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh, có nhiều bộ sách giáo khoa khác nhau theo cùng một chương trình thống nhất. Trong đó, sách giáo khoa có vài trò là tài liệu để các nhà trường, giáo viên chủ động nghiên cứu, xây dựng kế hoạch giảng dạy cho phù hợp.
"Kể cả khi chưa có phản ứng của cộng đồng mạng, trong quá trình dạy, phần nào chưa ổn, giáo viên và nhà trường có thể thiết kế lại. Việc này chúng tôi đã tập huấn rất kỹ. Thậm chí cùng một bài học nhưng giáo viên lớp này dạy thời lượng một tiết, giáo viên kia dạy 1,5 tiết đều được”, ông Huy khẳng định.
Rà soát lại cả 5 bộ sách
Tại cuộc họp giao ban báo chí Ban Tuyên giáo Trung ương ngày 20/10, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ thông tin, một số nội dung trong Tiếng Việt 1, bộ Cánh diều đã được Hội đồng thẩm định yêu cầu nhóm tác giả điều chỉnh và thay thế các từ ngữ như "nhá", "nom" "quà", "chén", "cuỗm", "tợp", "lồ ô", "be be", "lỡ xô", "ti vi", "khổ mỡ"...
Với một số bài tập đọc như "Hai con ngựa", "Cua cò và đàn cá", "Lừa, thỏ và cọp", "Ve và gà", "Ước mơ của tảng đá", "Quạ và chó"... Hội đồng thẩm định cũng đề nghị nhóm tác giả thay thế văn bản khác.
Cùng với đó, Hội đồng thẩm định đề nghị nhóm tác giả khi chọn văn bản thay thế không sử dụng truyện ngụ ngôn và các đoạn/bài đa nghĩa (đã xuất hiện khá nhiều trong bộ sách). Các tác giả nên chọn các đoạn/bài trong kho tàng văn học Việt Nam.
Bộ GD&ĐT cũng yêu cầu nhà xuất bản và nhóm tác giả xây dựng phương án chỉnh sửa, hiệu đính và gửi Hội đồng thẩm định để thẩm định, báo cáo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT xem xét trước ngày 15/11/2020. Không riêng gì bộ Cánh diều, Bộ GD&ĐT cũng yêu cầu rà soát lại cả 4 bộ sách còn lại.
Thứ trưởng Độ cho rằng, bộ sách Cánh diều có lỗi lớn thì sửa, lỗi nhỏ thì trong quá trình dạy học có thể điều chỉnh. Vì theo quy định hiện nay, giáo viên và các trường có quyền chủ động hơn. Đặc biệt, vai trò của giáo viên rất quan trọng.
Thứ trưởng cho biết thêm, Bộ sẽ in thêm một tài liệu chỉnh sửa. Những gì cần sửa sẽ được in bổ sung thêm và phát miễn phí cho tất cả các học sinh, giáo viên. Tác giả cũng thống nhất với cách làm như vậy. Nhà xuất bản Sư phạm TP.HCM đang thực hiện việc đó./.