Gieo hạt ngọc, gặt ấm no trên đỉnh Giăng Màn
VOV.VN - Từ những nhóm người du canh, du cư, sống trong hang đá trên núi cao, người Chứt ở tỉnh Quảng Bình đã định cư thành các bản làng nhộn nhịp đông vui dưới chân dãy Giăng Màn, biết thâm canh lúa nước, làm vườn, chăn nuôi phát triển kinh tế. Các chương trình mục tiêu quốc gia đã tạo cơ hội, động lực để cộng đồng Chứt vươn lên thoát khỏi đói nghèo.
Trước đây, người Chứt ở bản K Ai, xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình thiếu đói quanh năm vì chủ yếu dựa vào phát đốt, cốt trỉa, sản xuất lạc hậu. 10 năm trở lại đây, Bộ đội Biên phòng đóng quân trên biên giới đã đưa lúa nước về bản, giải quyết đúng gốc rễ cái đói mà đồng bào phải đối mặt.
Năm 2011, Bộ đội biên phòng làm thí điểm mô hình trồng lúa nước. Ngay vụ đầu tiên, lúa đã cho năng suất cao. Căn cứ vào kết quả đó, Bộ đội Biên phòng đã tham mưu cho UBND tỉnh Quảng Bình xây dựng mô hình phát triển kinh tế - xã hội, giúp dân bản K Ai vươn lên. Những mùa vàng ở K Ai đã góp phần giúp dân tộc Chứt đảm bảo được lương thực, từng bước vươn lên giảm nghèo, ổn định cuộc sống.
Ông Hồ Thiên, ở bản K Ai, xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa nói rằng, bộ đội cầm tay chỉ việc, hướng dẫn dân bản từ cách cày đất, ngâm ủ hạt giống, cách chăm bón để cây lúa tốt tươi. Vụ mùa vừa qua cũng rất hiệu quả, đánh dấu mốc sự kiện 10 năm hình thành ruộng lúa nước bản K Ai với mỗi năm 2 vụ.
Trải qua 20 vụ mùa, người dân tộc Chứt ở bản K. Ai đã thành thạo việc canh tác lúa nước. Những chiếc ống nhựa đen, nằm vắt dài qua con suối đến thẳng cánh đồng là hệ thống dẫn nước do Bộ đội biên phòng kéo từ chân dãy Giăng Màn, đem nước về tưới cho lúa thêm tốt tươi.
Theo ông Hồ Thiên, chuyện đói ăn, đứt bữa đã lùi xa theo quá khứ. Từ Dự án, những mùa vàng ở K Ai đã góp phần giúp đồng bào vươn lên thoát nghèo ngay chính trên mảnh đất mà họ sinh sống.
“Người dân tộc Chứt tại bản K Ai trước đây sống du canh du cư, hiện nay đã được Đảng, Nhà nước, đồn biên phòng rất quan tâm, đầu tư điện, đường, trường trạm và cả ruộng lúa nước. Đồn biên phòng trên tuyến luôn qua tâm giúp đồng bào làm lúa nước, đầu tư, tu sửa nguồn nước tưới đảm bảo, nâng đỡ để cuộc sống đồng bào ngày 1 nâng lên”, ông Hồ Thiên tâm sự.
Xã Dân Hóa có 11 bản với hơn 4.500 người dân, 90% dân số là dân tộc Chứt. Cùng các chính sách của Đảng, Nhà nước hỗ trợ cho bà con, Bộ đội Biên phòng đứng chân trên địa bàn đã cùng chung sức với người dân trong xây dựng bản làng.
Đến nay 100% số bản ở xã Dân Hóa được đầu tư xây dựng công trình “ánh sáng vùng biên” với chiều dài hơn 16 km; 20 ngôi nhà tình nghĩa, nhà “Đại đoàn kết”, nhà đồng đội được triển khai xây dựng và tặng cho hộ nghèo với trị giá hơn 1 tỷ đồng.
Cùng với đó mô hình “con nuôi đồn biên phòng”; mô hình giúp đồng bào Chứt trồng lúa nước, đã tạo niềm tin để bà con đồng hành trong phát triển kinh tế, giữ gìn an ninh chính trị vùng biên.
Ông Hồ Xy, Bí thư Đảng ủy xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa cho biết, người Chứt đã tự vươn lên phát triển kinh tế và ý thức trách nhiệm trong việc góp phần bảo đảm an ninh trật tự của người dân đã từng bước xây dựng được bản làng ấm no, hạnh phúc.
“Từ các chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã hỗ trợ các mô hình, nước sinh hoạt tập trung, cơ sở hạ tầng điện đường trường trạm, ruộng lúa nước ở bản K Ai, các mô hình phát triển kinh tế chăn nuôi, giúp bà con có những thụ hưởng, tạo sự ổn định trong đời sống, phát triển kinh tế và xóa đói giảm nghèo trên địa bàn”.
Những ruộng lúa nước hình bậc thang của đồng bào Chứt ở xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa phủ mây sớm trên đỉnh Giăng Màn. Người Chứt ở bản Lòm sống cách trung tâm xã Trọng Hóa gần 20 km, đường sá gập ghềnh khó đi. Khác với một thời du canh du cư khắp những cánh rừng dưới chân dãy Giăng Màn đói nghèo bủa vây, ngày nay dân tộc Chứt về sống định cư thành bản thành làng, cùng xây dựng cuộc sống ấm no.
Đời ông cha chỉ trỉa ngô, trồng sắn và làm lúa ở trên rẫy, đến đời con cháu cũng chỉ trồng lúa và trỉa ngô ở lưng chừng đồi. Do vậy mùa giáp hạt năm nào, dân tộc Chứt ở đây cũng thiếu đói, phải trông chờ vào gạo Nhà nước hỗ trợ. Giờ có dự án lúa nước, dân bản vui lắm. Nhà nước cũng đầu tư công trình thủy lợi làm lúa nước cho đồng bào Chứt ở bản Lòm.
Đây được coi là bước khởi đầu trong hành trình đưa ấm no về với dân bản. Hiện nay, dân tộc Chứt ở bản Lòm không chỉ no đủ nhờ trồng lúa nước mà đời sống cũng khấm khá hơn nhờ chăn nuôi trâu, bò và trồng rừng.
Ông Hồ Phin, Chủ tịch UBND xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa cho biết, dự án làm ruộng lúa nước cho dân tộc Chứt ở bản Lòm có quy mô hơn 6 ha, tổng mức đầu tư 5 tỷ đồng từ nguồn Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Dự án được thi công theo hình thức cắt lớp, phân tầng ruộng theo dạng bậc thang.
Cùng với đó là công trình thủy lợi đã bắt đầu ngăn đập tích nước phục vụ sản xuất lúa nước ở bản Lòm. Khi Dự án hoàn thành, mỗi hộ dân ở bản Lòm được chia 1,5 sào ruộng lúa nước. Đây là sinh kế quan trọng, có ý nghĩa lớn trong việc giải quyết vấn đề thiếu lương thực của đồng bào ở bản Lòm bấy lâu nay.
Ông Hồ Phin cho biết thêm: “Trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đã hỗ trợ nhiều cho đời sống, kinh tế vùng đồng bào dân tộc ngày càng phát triển hơn. Về hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số rất ít người như dân tộc Chứt, dân tộc đặc thù thì chúng tôi tập trung hỗ trợ phát triển sản xuất, thực hiện theo các Thông tư, văn bản hướng dẫn của Trương ương và của tỉnh, triển khai đến từng thôn bản”.
Các Chương trình, chính sách dân tộc như chương trình 134, 135, 30a, gần đây nhất là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 đã giúp đời sống dân tộc Chứt được nâng lên.
Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình đóng quân trên tuyến biên giới đã có nhiều giải pháp giúp đỡ để đồng bào phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Nhiều mô hình tiêu biểu như giúp dân tộc Chứt ở bản Ka Ai, xã Dân Hóa; bản Lòm, xã Trọng Hóa trồng lúa nước, mô hình ánh sáng vùng biên giúp thắp sáng bản làng, hỗ trợ các mô hình sinh kế, chăn nuôi.
Thượng tá Ngô Anh Tuấn, Chính trị viên Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Cha Lo, Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình cho biết, Bộ đội Biên phòng giúp đồng bào tạo ra bước chuyển đổi từ “cắt đốt, cốt trỉa” sang trồng lúa nước góp phần định canh, định cư, ổn định bền vững. Đây cũng chính là tiền đề tạo động lực cho dân tộc Chứt ở các bản làng biên giới vươn lên, từng bước thoát nghèo.
“Trong việc tham gia mô hình giúp dân làm lúa nước thì nhân dân trên tuyến biên giới đã tự chủ được một phần lương thực, từ đó có cuộc sống ổn định hơn dù không giàu sang nhưng đầy đủ lương thực. Thông qua hoạt động giúp đồng bào xóa đói giảm nghèo, bà con rất tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự giúp đỡ của Quân đội và chính quyền các cấp, tăng thêm mối quan hệ đoàn kết gắn bó giữa bộ đội biên phòng với nhân dân trên tuyến biên giới”, Thượng tá Ngô Anh Tuấn nói.