Giữ nguyên hàm tướng đã phong cho Giám đốc Công an tỉnh
Đối với những Giám đốc Công an tỉnh đang mang hàm Thiếu tướng sẽ có thể điều động, luân chuyển đến vị trí phù hợp hơn.
Trả lời báo chí một số Giám đốc Công an tỉnh được phong hàm tướng có gì mâu thuẫn với Luật Công an nhân dân quy định trần chức vụ này là đại tá, Thứ trưởng Bộ Công an - Thượng tướng Đặng Văn Hiếu cho biết: Bên cạnh việc điều động, luân chuyển cán bộ cho phù hợp, sẽ giữ nguyên hàm tướng với những người đương nhiệm.
Sáng 11/12, tại cuộc họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố luật Công an nhân dân (CAND), Thứ trưởng Đặng Văn Hiếu cho biết, Điều 24 của Luật quy định về cấp bậc hàm cao nhất đối với chức vụ của sĩ quan CAND theo đúng chỉ đạo, bảo đảm tuân thủ Hiến pháp, bảo đảm tương quan giữa CAND và quân đội nhân dân.
Luật sửa đổi quy định chặt chẽ, cụ thể các vị trí, chức vụ của sĩ quan CAND có cấp bậc hàm cao nhất là cấp tướng (kể cả chức vụ cơ bản và chức vụ, chức danh tương đương).
Ở địa phương, luật quy định chức vụ Giám đốc Công an Hà Nội, TP HCM có cấp bậc hàm cao nhất là Trung tướng, có không quá 3 Phó giám đốc có trần cao nhất là thiếu tướng/mỗi địa phương. Giám đốc Công an các tỉnh, thành phố khác có cấp bậc hàm cao nhất là Đại tá.
Về trần quân hàm Giám đốc Công an các tỉnh, thành phố (trừ Hà Nội, TP HCM) cao nhất đến đại tá nhưng thực tế nhiều giám đốc Công an tỉnh, thành phố đang là cấp tướng sẽ xử lý thế nào, Thứ trưởng Đặng Văn Hiếu cho hay: Quốc hội đã thông qua luật thì phải chấp hành.
Quốc hội không đồng tình với đề xuất quy định Giám đốc công an một số tỉnh, thành phố khác là Thiếu tướng. Ý kiến khác biệt như vậy là bình thường. Đối với những Giám đốc Công an tỉnh đang mang hàm Thiếu tướng sẽ có thể điều động, luân chuyển đến vị trí phù hợp hơn.
“Về nguyên tắc, người đã được phong tướng rồi được giữ nguyên cấp quân hàm đã nhận vì việc phong, thăng là đúng quy định, quy trình. Nếu xác định cán bộ đó xứng đáng làm giám đốc thì vẫn bố trí để các đồng chí đảm nhiệm chức danh đó”, ông Hiếu khẳng định.
Trình bày những điểm mới của Luật sửa đổi bổ sung một số điều Luật Sỹ quan quân đội nhân dân Việt Nam công bố cùng ngày, Trung tướng Mai Quang Phấn - Phó Chủ nhiệm Tổng Cục Chính trị, Bộ Quốc phòng cho biết: Điều 15 quy định xoay quanh vấn đề cấp bậc quân hàm cao nhất đối với chức vụ sỹ quan.
Nguyên tắc là quy định chặt chẽ, cụ thể việc phong, thăng hàm cấp tướng; đảm bảo số lượng cấp tướng của quân đội không vượt quá 415 người.
Theo quy định quân đội có thể có 3 Đại tướng đối với chức danh Bộ trưởng Quốc phòng, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội và Chủ nhiệm Tổng Cục Chính trị.
Về Luật Căn cước công dân, Thiếu tướng Trần Văn Vệ, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục VII - Bộ Công an, khẳng định: Sẽ tiếp tục cấp CMND 9 số và 12 số song hành cho tới khi có thẻ căn cước công dân.
Luật Căn cước công dân có hiệu lực từ ngày 1/1/2016 và chứng minh nhân dân (CMND) đã được cấp trước ngày luật có hiệu lực vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn theo quy định; khi công dân có yêu cầu thì được đổi sang thẻ căn cước công dân.
Các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ CMND vẫn nguyên hiệu lực pháp luật. Các loại biểu mẫu đã phát hành quy định sử dụng thông tin từ CMND được tiếp tục sử dụng đến hết ngày 31/12/2019.
Luật Căn cước công dân quy định công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi được cấp thẻ căn cước công dân. Từ 1/1/2020, công dân sẽ được cấp toàn bộ căn cước công dân theo công nghệ mới./.