Giúp dân nghèo thoát nghèo

Theo Đề án Hỗ trợ 61 huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động theo Quyết định số 71/2009/QĐ-TTg, Nhà nước sẽ đầu tư kinh phí gần 5.000 tỷ đồng với mục tiêu từ nay đến năm 2020 đưa được hơn 1,3 triệu người ở các huyện này

Bà Hoàng Minh Ngọc, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH): Sẽ thẩm định kỹ các hợp đồng

** Bà đánh giá thế nào về những bước đi đầu tiên triển khai thực hiện thí điểm Quyết định 71 tại 3 tỉnh: Yên Bái, Thanh Hóa và Quảng Ngãi?
- Hiện nay, chính quyền địa phương ở 3 tỉnh này đã có những kế hoạch để triển khai đề án, còn người dân cũng rất hưởng ứng đối với chương trình. Theo tôi, chính quyền địa phương giữ vai trò quyết định để đưa chính sách đến với người dân.

** Với Quyết định 71, để bảo vệ quyền lợi cho người lao động, Cục Quản lý lao động ngoài nước quản lý những DN  tham gia  đề án như thế nào, thưa bà?
- Để có cơ chế ràng buộc DN, chúng tôi đã ra Công văn số 799 quy định việc DN tham gia đưa lao động các huyện nghèo đi xuất khẩu lao động (XKLĐ). Ví dụ, các hợp đồng phải có tính ổn định, phù hợp với trình độ văn hoá, tay nghề của người có mức thu nhập khá trở lên. Thông thường, DN làm XKLĐ có thể có mức thu cao nhất theo quy định của Nhà nước nhưng khi tham gia đề án này, DN phải giảm mức thu, có chính sách hỗ trợ thêm cho người lao động như: giúp lao động làm hộ chiếu, visa...

Về phía cơ quan quản lý, chúng tôi có những biện pháp để rà soát thẩm định DN và các hợp đồng sát sao, từ điều kiện làm việc, nơi ăn ở, thu nhập. Người lao động đi xuất khẩu phải được học giáo dục định hướng, tay nghề ở trình độ nhất định, đưa ra những giải pháp cụ thể để khắc phục những phát sinh và có cơ chế ràng buộc để DN phải có trách nhiệm đến cùng với người lao động.

** Đề án mới thực hiện thí điểm ở 3 địa phương, vậy đến  khi nào đề án được triển khai rộng ra 61 huyện nghèo, thưa bà?
-
Chúng tôi vừa làm vừa rút kinh nghiệm và nhân rộng mô hình. Làm theo phương pháp cuốn chiếu, không chờ có kết thúc, có kết quả mới nhân rộng. Ngay khi tổng hợp những thông tin ở 3 tỉnh xong, chúng tôi sẽ tiến hành triển khai ra các địa phương khác.

** 10.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài trong năm 2009 - 2010 là một chỉ tiêu lớn, liệu có quá sức với một chương trình mà chúng ta vừa làm vừa thăm dò?
-
Trong năm nay, chúng tôi xác định mục tiêu làm thí điểm nên chỉ tiêu cũng khiêm tốn để dành phần lớn chỉ tiêu cho năm tiếp theo. Qua thực tế ở 3 tỉnh thí điểm cho thấy có nhiều dấu hiệu khả quan vì người lao động và các địa phương rất hưởng ứng, hứa hẹn sẽ thành công.

Ông Đàm Hữu Đắc, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH: Lãnh đạo địa phương cần coi công tác XKLĐ là nhiệm vụ trọng tâm
Để triển khai đề án đạt kết quả, cần có sự phối hợp tốt giữa Trung ương và địa phương trong quá trình thực hiện, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh. Lãnh đạo các địa phương cần chỉ đạo quyết liệt và coi công tác XKLĐ là nhiệm vụ trọng tâm, phân công trách nhiệm rõ ràng cho từng thành viên. Ban chỉ đạo các cấp của tỉnh tập trung thực hiện công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức ở cấp xã về lợi ích của việc XKLĐ; thực hiện đồng bộ và đầy đủ các chính sách của Nhà nước và phối hợp tốt với các DN đưa lao động đi xuất khẩu. Địa phương phải chọn những lao động có tư cách, giáo dục con em mình chấp hành kỷ luật lao động khi đi làm việc ở nước ngoài.

Ông Vũ Minh Xuyên, Phó Giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH): Triển khai những thị trường lao động cho thu nhập cao
Hiệp hội Phát triển nhân lực quốc tế các DN vừa và nhỏ Nhật Bản (IMMJAPAN) hứa sẽ dành 50 chỉ tiêu đối với lao động phổ thông ở các huyện nghèo, chúng tôi đang đàm phán để chương trình được triển khai sớm nhất. Còn với thị trường Hàn Quốc, kế hoạch trong năm 2009 sẽ đào tạo 300 - 400 lao động để tham dự kỳ kiểm tra tiếng Hàn. Trước mắt, tại 3 tỉnh làm thí điểm, 160 lao động đã được tham dự lớp đào tạo tiếng Hàn tại Hà Nội, dự kiến đến giữa tháng 9 khoá học kết thúc, các em sẽ có nhiều cơ hội để được làm việc tại thị trường này.

Ông Nguyễn Xuân Huế, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi: Cần sớm ra thông tư hướng dẫn việc thực hiện
Năm 2009, chúng tôi đưa ra chỉ tiêu đưa 3.000 lao động đi xuất khẩu lao động, riêng 6 huyện nghèo đưa đi ít nhất 1.000 lao động. Bên cạnh việc hỗ trợ theo nội dung QĐ 71/2009/QĐ-TTg, tỉnh Quảng Ngãi có chủ trương trích một phần ngân sách của địa phương nhằm hỗ trợ cho công tác đào tạo, xây dựng, củng cố các trung tâm dạy nghề, các trường nghề trong tỉnh nhằm nâng cao chất lượng lao động. Người lao động được hỗ trợ kinh phí khám sức khoẻ; được hỗ trợ thêm tiền ăn, học, đi lại ... Tỉnh cũng đề nghị Bộ LĐ-TB&XH lựa chọn giới thiệu các DN có năng lực và kinh nghiệm thực hiện công tác XKLĐ đến tuyển LĐ tại địa phương; cần sớm ra thông tư hướng dẫn để thực hiện Quyết định 71.

Ông Tống Thanh Tùng, Phó tổng Giám đốc Cty Cổ phần Thương mại Châu Hưng: Đảm bảo quyền lợi cho người lao động
Chúng tôi đang tập trung nhân sự để tìm kiếm thị trường phù hợp với lao động ở các huyện nghèo. Bên cạnh đó, cắt cử những cán bộ dày dặn kinh nghiệm xuống địa bàn, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của bà con để đưa ra những giải pháp phù hợp. Với chi phí tương đương 18 triệu đồng, chúng tôi cam kết đảm bảo thu nhập thấp nhất là 4-5 triệu đồng/lao động/tháng và bảo đảm mọi quyền lợi của người lao động khi có rủi ro xảy ra./.

Gian nan chất lượng lao động

Những ngày gần đây, nghe phong thanh về chính sách hỗ trợ XKLĐ cho những lao động ở các huyện nghèo, Hoàng Văn Thắng, bản Nà Ngâm, xã Đa Thông, huyện Thông Nông, tỉnh Cao Bằng phấn khởi lắm. Vậy là những lo lắng về vốn vay để trang trải cho mọi chi phí của chuyến đi đã được giải quyết. Rồi mai này, khi ước nguyện đi XKLĐ trở thành hiện thực thì việc có được những bữa ăn đầy đủ, thoát cảnh đói nghèo, hơn nữa là có ngôi nhà khang trang, có điều kiện sống sung túc... không còn quá khó! Thế nhưng, khi “ngó” vào các tiêu chí, nhất là những thị trường có thu nhập cao như Hàn Quốc, Nhật Bản... Thắng mới nhận ra rằng, mọi việc không dễ dàng khi mà trình độ văn hóa của Thắng mới chỉ hết... lớp 4.

Theo thống kê, hiện nay dân số tại 61 huyện nghèo của cả nước có khoảng 2,4 triệu hộ, trên 90% là đồng bào dân tộc thiểu số; trong đó, số người trong độ tuổi lao động khoảng 1,3 triệu người nhưng lại chỉ có khoảng 9% tổng dân số có trình độ THPT, 60% lao động chưa học hết tiểu học và chỉ có gần 10% lao động đã qua đào tạo... Điều này khiến việc đi XKLĐ ở các thị trường dễ tính, thu nhập thấp đã khó chứ chưa nói gì đến thị trường thu nhập cao.

Đơn cử tại tỉnh Quảng Ngãi, Ban chỉ đạo XKLĐ của tỉnh đã rất hào hứng trước 60 chỉ tiêu đi Hàn Quốc. Tuy nhiên, với thị trường “ngon” như vậy nhưng khi đi vào thực tế đâu đơn giản! Ông Cao Đình Hòa, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Quảng Ngãi, phân tích: “Bộ giao mỗi huyện 10 chỉ tiêu nhưng khó quá vì tiêu chí lao động phải tốt nghiệp THPT, trong khi đó, trình độ lao động địa phương rất thấp, số lượng tốt nghiệp THPT chỉ đếm trên đầu ngón tay. Mà nếu có, phần lớn trong số họ đã được đào tạo để làm cán bộ nguồn cho địa phương rồi”.

“Người lao động có trình độ văn hoá từ bậc tiểu học trở lên được lựa chọn để tham gia XKLĐ nhưng trình độ văn hoá chưa đáp ứng yêu cầu sẽ được học bổ túc để nâng cao trình độ văn hoá, thời gian học tối đa không quá 12 tháng” - đó là giải pháp quan trọng đã được đề ra trong Quyết định 71 nhằm đối phó với thực trạng chất lượng lao động thấp hiện nay. Tuy nhiên, theo lãnh đạo nhiều địa phương, đây chưa phải là giải pháp căn bản mà chỉ mang tính “chữa cháy”, tình thế./.

L.H

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên