Giúp dân thoát nghèo bằng điều kiện tại địa phương

Để giảm nghèo bền vững trong giai đoạn tới cần thực hiện 3 giải pháp: hỗ trợ vốn, cơ sở hạ tầng và đào tạo nghề- giải quyết việc làm tại chỗ

Phóng viên VOVNews phỏng vấn ông Lê Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Tuyên Quang.

PV: Thưa ông, kết thúc Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2006-2010, tỉnh Tuyên Quang đã đạt được những kết quả như thế nào?

Ông Lê Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Sở Lao động TBXH Tuyên Quang

Ông Lê Ngọc Sơn: Giai đoạn 2006-2010, chúng tôi tư vấn cho lãnh đạo tỉnh, cùng với các ngành xây dựng và phê duyệt chương trình giảm nghèo của tỉnh. Trên cơ sở đó, ngành lao động TBXH phối hợp với các ngành triển khai các dự án, chương trình giảm nghèo trên địa bàn toàn tỉnh. Được sự quan tâm của UBND thành phố, các huyện, ngành phối hợp với các đoàn thể triển khai xuống xã, thực hiện tốt chương trình.

Kết quả là giảm được tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh từ 35,6% năm 2006 xuống dưới 15% năm 2010. Để thực hiện được như vậy, chúng tôi triển khai đồng bộ các biện pháp như: cho vay vốn tới các hộ nghèo- trên 140.700 lượt người được vay vốn hỗ trợ sản xuất; 100% số hộ nghèo được tập huấn hàng năm hoặc tham gia các mô hình chuyển giao khoa học kỹ thuật; hỗ trợ mua bảo hiểm y tế cho 100% hộ nghèo; Hơn 12.000 hộ người nghèo được hỗ trợ làm nhà và sửa chữa nhà ở. Thực hiện chương trình trợ cấp xã hội, đặc biệt là hỗ trợ cho con em điều kiện được học nghề, tạo việc làm thông qua chương trình đi lao động tại các tỉnh, ở các khu công nghiệp.

Đặc biệt, trong thời gian vừa qua, được sự hỗ trợ của Chương trình Giảm nghèo TW, chúng tôi đã thực hiện cho trên 300 hộ nghèo được hỗ trợ từ chương trình dự án nuôi trâu sinh sản. Nhiều gia đình nuôi trâu, trâu đã sinh con và có điều kiện để luân chuyển sang các hộ khác.

PV: Thưa ông, Chính phủ đang phê duyệt Chương trình Mục tiêu Quốc gia xoá đói giảm nghèo giai đoạn 2010- 2015, với một chuẩn nghèo mới. Với chuẩn nghèo mới này, chương trình giảm nghèo của Tuyên Quang sẽ như thế nào?

Ông Lê Ngọc Sơn: Chúng tôi cũng rất đồng tình với chuẩn nghèo mới, nó đánh giá đúng năng lực điều kiện để địa phương thực hiện giai đoạn 5 năm 2011 – 2015. Trên cơ sở đó chúng tôi rà soát các hộ nghèo một cách công bằng, dân chủ; đặc biệt là từ cơ sở.

Ban Chỉ đạo của tỉnh đã họp, tập huấn từ trên xuống cơ sở, đặc biệt là triển khai rộng và có sự quan tâm của các cơ quan đoàn thể. Chúng tôi cũng khẳng định là được các ngành giám sát, công tác điều tra và kết quả tỷ lệ nghèo cũng đảm bảo đúng công bằng. Tính theo chuẩn nghèo mới cho giai đoạn 2011-2015, chúng tôi xác định được tỷ lệ nghèo của tỉnh Tuyên Quang là 34,83%.

Ngay sau đây chúng tôi phải cùng các ngành xây dựng quy trình giảm nghèo. Chúng tôi sẽ tích cực tham gia đề xuất ra các giải pháp và mục tiêu cụ thể, đặc biệt là quan tâm đến việc phát triển kinh tế để hộ nghèo vươn lên, giảm nghèo bền vững.

Tập huấn khuyến nông- một trong những biện pháp giúp dân giảm nghèo

PV: Nhằm tránh một sai lầm trước đây là đầu tư dàn trải, Chương trình Mục tiêu Quốc gia về Giảm nghèo giai đoạn 2011-2015 sẽ chú trọng nhắm tới đối tượng khó khăn nhất, và đưa ra các giải pháp xuất phát từ nhu cầu thực tế của cơ sở. Vậy, với những đặc trưng của một tỉnh miền núi, có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, Tuyên Quang sẽ đưa ra giải pháp như thế nào?

Ông Lê Ngọc Sơn: Với số hộ nghèo là trên 63.000 hộ, chúng tôi xác định là cần tìm hiểu rõ nguyên nhân nghèo của họ. Tôi nghĩ rằng, có 3 nội dung chính cần phải thực hiện. Thứ nhất là vốn. Vốn luôn là câu chuyện muôn thuở, các ngành các cấp phải có sự quan tâm tạo môi trường, điều kiện để người dân sử dụng đồng vốn có hiệu quả. Vì thế phải đầu tư tập huấn cho người nghèo, từ khâu lập kế hoạch, đề án để họ sử dụng vốn.

Thứ hai là phải đầu tư hạ tầng cơ sở ngay từ ban đầu, các xã nghèo vùng sâu vùng xa phải có đường giao thông, có giống cây con phù hợp. Ví dụ, huyện Chiêm Hóa, xã Phước Sơn trước đây rất nghèo, nhưng khi chuyển đổi cây trồng, nhờ trồng cây lạc mà họ đã thoát nghèo, bước đầu làm giàu.

Thứ ba là giải quyết việc làm tại chỗ. Chúng tôi xác định phải giúp dân thoát nghèo bằng điều kiện tại địa phương bằng các giải pháp về vốn, đào tạo nghề và tạo việc làm tại địa phương.

*Xin cảm ơn ông!/.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên