Giúp trẻ yêu đọc sách, phụ huynh cũng phải từ bỏ thói quen xấu
VOV.VN - Để phát triển văn hóa đọc sách, cần tập thói quen đọc sách cho trẻ từ nhỏ. Phụ huynh cũng phải bỏ thói quen xấu sẵn sàng đưa điện thoại cho con.
Hôm nay (28/11), tỉnh Cà Mau tổ chức hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Ngày sách Việt Nam trên địa bàn. Qua 5 năm thực hiện Ngày sách Việt Nam, địa phương đã có hơn 350.000 lượt sách được luân chuyển xuống cơ sở.
Từ đó, không chỉ duy trì, phát triển văn hóa đọc mà còn nâng cao sự hiểu biết chính trị, pháp luật, tri thức… góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.
Tập thói quen đọc sách cho trẻ từ nhỏ thay vì cầm điện thoại chơi game.
Ông Nguyễn Văn Đen, Phó Giám đốc Sở Thông tin-Truyền thông tỉnh Cà Mau cho biết, kể từ khi Thủ tướng Chính phủ chọn ngày 21/4 hàng năm là Ngày sách Việt Nam, các huyện và TP Cà Mau đã có nhiều sáng kiến trong tổ chức triển khai, duy trì và phát triển văn hóa đọc truyền thống.
Từ đó, ngày càng nhiều những “Ngày hội đọc sách” được triển khai rộng khắp. So với trước kia, thư viện cấp huyện, các phòng đọc cơ sở có sự gia tăng đáng kể. Toàn tỉnh hiện có 10 thư viện công cộng, 80 bưu điện văn hóa xã và hàng trăm thư viện, phòng đọc, tủ sách cơ quan đơn vị, công sở, trường học.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Minh, cán bộ Sở Giáo dục-Đào tạo Cà Mau có bài tham luận chỉ rõ, hiện nay nhiều người thay vì đọc sách để lấy kiến thức thì tập trung thời gian lướt mạng xã hội facebook, zalo,... Các bạn trẻ thay vì đọc sách thì tìm đến những trò chơi điện tử để tiêu khiển. Nguy hiểm hơn, nhiều phụ huynh còn sẵn sàng đưa điện thoại cho con nhỏ chơi game mỗi lúc rảnh rỗi thay vì đọc sách.
Theo bà Minh, để phát triển văn hóa đọc sách, cần tập thói quen đọc sách cho trẻ từ nhỏ thay vì cầm điện thoại chơi game. Trên ghế nhà trường, thầy cô phải truyền lửa để học sinh ngay khi nhận biết được chữ thì phải làm quen với việc đọc sách.
“Người thầy phải dạy cho học sinh cách đọc sách, tự nghiên cứu sách. Bởi đọc sách là một cách trau dồi tri thức tốt nhất, cơ sở tiếp cận kiến thức vững vàng. Thầy cô giáo phải là người chọn lọc và định hướng cho học sinh đến với sách hay. Người thầy phải là tấm gương, người truyền cảm hứng để học sinh đọc, khai thác thông tin trên sách”, bà Minh nhấn mạnh./.
Trải nghiệm đọc sách với công nghệ số tại Hội sách Hà Nội 2018
Xây dựng mô hình thư viện thân thiện, khuyến khích sinh viên đọc sách