Gom "khu nhạy cảm" có khác gì bật đèn xanh cho phố “đèn đỏ“?
VOV.VN -Nếu mại dâm được chọn là một nghề thì số lượng các bạn trẻ chọn con đường này để lập nghiệp sẽ gia tăng.
Trước đề xuất của Thành phố Hồ Chí Minh mới đây về việc gom các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm thành “khu nhạy cảm” đã tạo làn sóng phản ứng đa chiều trong dư luận cả nước. Mặc dù theo người đưa ra đề xuất thì việc thành lập khu này không cho phép mại dâm, nhưng nhiều người đều cho rằng, việc “gom” cơ sở hoạt động nhạy cảm đồng nghĩa với việc các phố "đèn đỏ" sẽ được hình thành trước đề xuất này.
Theo Luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó Chủ tịch Hội Luật gia Thành phố Hồ Chí Minh thì việc lập ra “khu nhạy cảm” đi ngược lại với Pháp lệnh Phòng chống mại dâm và phong tục tập quán lâu đời của Việt Nam. Có “khu nhạy cảm” thì hoạt động mại dâm sẽ phát triển mạnh mẽ và gây ra nhiều vấn đề phức tạp cho xã hội, rất khó kiểm soát: “Tôi nghĩ chắc chắn mại dâm sẽ biến tướng và nguy hại khôn lường, còn các quy định về quản lý chỉ còn là hình thức thôi. Thứ hai là đạp đổ giá trị đạo đức của gia đình và văn hóa truyền thống của dân tộc ta. Và về lâu dài sẽ làm băng hoại giá trị của đạo đức và khủng hoảng các giá trị truyền thống ở những thế hệ tương lai. Nếu mại dâm được chọn là một nghề thì số lượng các bạn trẻ chọn con đường này để lập nghiệp sẽ gia tăng”.
Trái với quan điểm nêu trên, anh Lê Văn Ba, ngụ quận Bình Thạnh lại cho rằng, mặc dù thuần phong mỹ tục hiện nay chưa chấp nhận việc hành nghề mại dâm và các hoạt động nhạy cảm khác có khả năng dẫn đến hành vi mua - bán dâm. Tuy nhiên, theo anh Ba, lâu nay, mặc dù cấm, mại dâm và các dịch vụ nhạy cảm vẫn len lỏi tồn tại trong cuộc sống bằng nhiều hình thức khác nhau. Vì vậy, việc thành lập một khu riêng biệt là một sáng kiến đúng đắn: “Nếu mà thành lập được khu đó thì tốt cho những người dân và những người hoạt động những nghề đó. Mình có thể quản lý được họ, chăm sóc cho họ nếu họ có bệnh hoạn gì, kể cả cho những người đi chơi. Ở nước ngoài, nghề này họ vẫn làm vậy thôi”.
Còn chị Nguyễn Thị Thanh Vân, ở Quận 9 lại cho rằng, việc lập “khu nhạy cảm” nhằm mục đích kéo giảm tệ nạn mại dâm là không mấy khả thi vì theo chị Vân, đã gọi là khu nhạy cảm thì không thể có chuyện kinh doanh lành mạnh, không thể cấm hành nghề mại dâm trong khu này như đề xuất của Chi cục phó Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội Thành phố Hồ Chí Minh: Trước mắt thì người ta nghe vậy chứ sau lưng người ta nghe đâu. Gom người ta lại vậy nhưng mà không phải theo ý mình được. Làm vậy thêm phí công. Người ta sẽ hoạt động lén lút mà thôi.
Trong 6 tháng đầu năm 2015, Thành phố Hồ Chí Minh có khoảng 58 tụ điểm, tuyến đường phát sinh tệ nạn mại dâm thuộc 60 phường, xã. Số nữ tiếp viên có nghi vấn bán dâm nơi công cộng, các cơ sở kinh doanh dịch vụ “nhạy cảm” là khoảng 5.700 người. Thành phố cũng đã tập trung đấu tranh, chuyển hóa được 15 tuyến đường, tụ điểm thuộc 10 phường, xã, thị trấn. Theo ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, việc quy hoạch các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm sẽ giúp quy hoạch và quản lý tốt hơn. Đồng thời, cũng giúp cho người hoạt động mại dâm có cơ hội để thường xuyên thăm khám và chăm sóc sức khỏe, giảm áp lực tiêu cực cho xã hội.
Đã gọi là khu nhạy cảm thì không thể có chuyện kinh doanh lành mạnh? |
Ông Huỳnh Thanh Khiết nói: “Phải có một sự kiên quyết từ các cấp ủy Đảng, rồi chính quyền đến sở ngành quận huyện, nhất là xây dựng nhiều mô hình thí điểm để hỗ trợ người hoạt động này để họ được tư vấn tâm lý, tư vấn pháp lý rồi cung cấp các dịch vụ xã hội cần thiết. Nếu giải quyết đồng bộ thì chắc chúng ta sẽ làm được”.
Việc nên hay không nên hợp thức hóa mại dâm vẫn là câu chuyện còn gây nhiều tranh cãi. Nhưng từ thực tế công tác phòng chống mại dâm thời gian qua cho thấy, đây là hoạt động rất khó kiểm soát, trong khi những người hàng ngày đang phải mưu sinh bằng nghề này vẫn đang bị kỳ thị và không được pháp luật bảo vệ. Vì vậy, việc thực hiện thí điểm mô hình này cần phải được nghiên cứu kỹ để vừa có thể quản lý tốt, vừa kéo giảm tệ nạn mại dâm./.