GS Đặng Hùng Võ: "Đất đai đang bị lạm dụng để chuyển từ công thành tư"

VOV.VN - “Cần quy định rõ thế nào là đất công, thế nào là đất thuộc sở hữu tư nhân. Cần tránh tình trạng đất công rơi vào tay tư nhân. Đất đai sở hữu toàn dân, đang bị lạm dụng để chuyển đất công thành đất tư”, GS.TS Đặng Hùng Võ nhấn mạnh.

Cần quản lý chặt, tránh tình trạng đất công sản rơi vào tay tư nhân

Đóng góp ý kiến tại Hội nghị phản biện xã hội đối với dự án Luật đất đai (sửa đổi) được tổ chức tại Hà Nội trong ngày 15/9,  GS.TS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, cần bổ sung vào dự thảo Luật Đất đai sửa đổi quy định về đất đai thuộc khu vực quyền tài sản công và đất đai thuộc khu vực quyền tài sản tư và gắn với nó là các quy tắc quản lý phù hợp.

Theo GS.TS Đặng Hùng Võ, Việt Nam đang áp dụng kinh tế thị trường để thực hiện công nghiệp hoá, kinh tế tư nhân đang đóng vai trò động lực phát triển, chuyển dịch đất đai đang diễn ra rộng khắp và phức tạp. Trong hoàn cảnh này, một khái niệm tương tự “đất công” và “đất tư” như ở các nước khác cần được đặt ra. Về nội dung cụ thể, có thể thấy “đất có quyền tài sản tư” là đất do khu vực tư nhân sử dụng bao gồm đất đã giao, cho thuê đối với tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân. Nhà nước quản lý khu vực đất đai này chỉ bằng giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo và thu thuế. Đối với đất đai thuộc khu vực quyền tài sản công, gồm đất do Nhà nước giao không thu tiền cho các cơ quan, đơn vị, tổ chức được Nhà nước cho phép, đất sử dụng vào mục tiêu công cộng, đất chưa giao, chưa cho thuê và đất chưa sử dụng. Công việc quản lý đất đai ở các nước phát triển chủ yếu tập trung cào khu vực đất công.

“Cần quy định rõ thế nào là đất công, thế nào là đất thuộc sở hữu tư nhân. Cần tránh tình trạng đất công rơi vào tay tư nhân. Đất đai sở hữu toàn dân, đang bị lạm dụng để chuyển đất công thành đất tư”, GS.TS Đặng Hùng Võ nhấn mạnh.

Theo nguyên Thứ trưởng bộ Tài nguyên và Môi trường, ở Việt Nam, đất đai thuộc khu vực quyền tài sản công thường không được các cơ quan quản lý đất đai đặt thành trọng tâm. Chính vì vậy mà nguồn lực công sản bị rơi vào hoàn cảnh dễ dàng bị tham nhũng, lãng phí. Để khắc phục tình trạng quản lý lỏng lẻo này, cần bổ sung vào Luật Đất đai sửa đổi quy định về đất đai thuộc khu vực quyền tài sản công và đất đai thuộc khu vực quyền tài sản tư và gắn với nó là các quy tắc quản lý phù hợp.

Việc sửa đổi Luật đất đai cần có quan tâm đặc biệt tới quá trình giải quyết chuyển dịch từ quyền tài sản công đối với quyền sử dụng đất về thỏa mãn nhu cầu các nhà đầu tư tư nhân, nhưng Nhà nước phải thu đầy đủ quyền tài sản đó. Luật Đất đai sửa đổi cần quan tâm tới việc luật hóa Nghị định 67/2021/NĐ-CP có bổ sung cho hợp lý. 

Phó Chủ tịch UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Ngô Sách Thực cũng đề nghị dự luật bổ sung quy định về quyền và trách nhiệm của chủ thể là cơ quan, tổ chức nhà nước, tổ chức chính trị, chính trị xã hội, tổ chức xã hội được giao quyền sử dụng đất, với trách nhiệm là người sử dụng tài sản công.

Ông Thực phân tích Luật Đất đai 2013 quy định giá đất cụ thể do UBND cấp tỉnh quyết định, dùng làm căn cứ tính tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, nhưng không nhận được đồng thuận của nhiều người bị thu hồi. Tranh chấp, khiếu kiện liên quan đến giá bồi thường, hỗ trợ, tái định cư vẫn chiếm tỷ lệ cao (60-80% khiếu nại của người dân). Nguyên nhân chính là giá đất cụ thể được xác định thấp hơn giá chuyển nhượng đất thực tế trên thị trường.

UBND cấp tỉnh được trao nhiều quyền như giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất; thu hồi đất, quyết định giá đất cụ thể làm căn cứ tính bồi thường. Việc này khó tránh khỏi tình trạng "vừa đá bóng, vừa thổi còi" trong thu hồi đất và xác định giá đất cụ thể để bồi thường cho người bị thu hồi.

Hội đồng thẩm định giá đất theo dự thảo cũng chưa đảm bảo độc lập như tinh thần Nghị quyết 18 của Trung ương, bởi chủ tịch hội đồng là Chủ tịch UBND cấp tỉnh. Thành viên hội đồng đa số là đại diện cơ quan, tổ chức công; chỉ có một cơ quan hiểu biết chuyên sâu là tổ chức tư vấn xác định giá đất. "Với cơ cấu và thành phần nêu trên thì có đảm bảo tính độc lập của hội đồng thẩm định giá hay không?", ông Thực phản biện.

Vì vậy, ông đề xuất dự thảo quy định có cơ quan quản lý giá đất cấp tỉnh độc lập với UBND tỉnh để quyết định giá đất cụ thể. Việc xác định giá đất cụ thể phải dựa trên cơ sở điều tra, thu thập thông tin về thửa đất, giá thị trường; thông tin về giá đất trong cơ sở dữ liệu đất đai; áp dụng phương pháp định giá đất phù hợp.

Dự án Luật Đất đai sửa đổi sẽ được trình Quốc hội vào kỳ họp thứ 4 khai mạc tháng 10/2022, tiếp tục được cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 tháng 5/2023 và được xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 6 tháng 10/2023.

Phản biện của MTTQ Việt Nam đối với Dự án Luật Đất đai (sửa đổi)

Nhiều ý kiến góp ý tại hội nghị đánh giá Dự thảo luật đã được Chính phủ chỉ đạo cơ quan chủ trì soạn thảo là Bộ Tài nguyên và Môi trường dày công chuẩn bị, tinh thần luôn cầu thị, tiếp thu, lắng nghe. Tuy nhiên, có một ý kiến cho rằng, nhiều qui định trong dự thảo vẫn còn chung chung, chưa cụ thể, chưa thể chế đầy đủ các chính sách mới trong Nghị quyết số 18-NQ/TW.

Nhiều vấn đề phức tạp, nhạy cảm, cần tiếp tục đánh giá tác động kỹ lưỡng, cụ thể hóa chính sách bảo đảm đồng bộ, khả thi, hiệu quả. Vẫn còn nhiều nút thắt, mâu thuẫn, chồng chéo giữa các qui định của pháp luật trong quản lý, sử dụng đất, chưa tạo không gian mới, động lực cho phát triển, bảo đảm an ninh quốc phòng; giảm tối đa thủ tục hành chính. Phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương thiết lập công cụ kiểm soát quyền lực, giám sát thực hiện, khắc phục ách tắc, tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong quản lý, sử dụng đất, giảm khiếu kiện về đất đai cần qui định rõ hơn…

Các ý kiến cũng đề nghị làm rõ trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước các cấp và quyền chủ thể của nhân dân, quyền của tổ chức, cá nhân sử dụng đất. Trong đó, cần bổ sung các quy định về quyền và trách nhiệm của chủ thể là cơ quan, tổ chức nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội được giao quyền sử dụng đất với trách nhiệm là người sử dụng tài sản công. Phân định với quyền đại diện của chủ sở hữu toàn dân đối với đất đai trong Luật Đất đai đảm bảo sự tương thích với Điều 53 Hiến pháp.

Đối với việc thể chế hóa các quy định liên quan đến MTTQ Việt Nam trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), các ý kiến đề nghị cần thể chế đầy đủ phương châm dân biết, dân kiểm tra, dân giám sát vào những nội dung cụ thể liên quan đến quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi, bồi thường, hỗ trợ tái định cư; Quy định rõ vai trò của MTTQ Việt Nam tham gia vào việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trước khi UBND cùng cấp phê duyệt. Quy định cụ thể hơn nhiệm vụ của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội trong giám sát việc thực hiện và phản biện xã hội.

Về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; phạm vi lấy ý kiến nhân dân trong quá trình thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, ý kiến đại biểu kiến nghị Điều 46 quy định cụ thể hơn về phương thức, cách thức tham vấn ý kiến người dân, trách nhiệm giải trình, tiếp thu ý kiến của nhân dân, trường hợp phải lấy phiếu đến từng hộ dân, phương án giải quyết khi đa số hộ dân không đồng tình. Đề nghị quy định về việc người dân giám sát thông qua việc bày tỏ ý kiến trực tiếp (hoặc lấy phiếu) đến từng hộ gia đình, hoặc thông qua các cơ quan đại diện như Quốc hội, HĐND, MTTQ Việt Nam các cấp và các đoàn thể nhân dân.

Đối với nội dung hoàn thiện quy định về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư nhằm bảo đảm tính công khai, minh bạch, giảm khiếu kiện, các ý kiến đề nghị cần cụ thể hóa trong Luật các tiêu chí, điều kiện đối với trường hợp Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì mục đích quốc gia, công cộng; bồi thường theo giá thị trường và xác định rõ nguồn gốc đất; về đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất: rà soát, hoàn thiện quy định các điều kiện áp dụng đấu giá, đấu thầu, phân định rõ các trường hợp áp dụng hai hình thức này, bảo đảm tính minh bạch, khả thi, thuận lợi trong quá trình thực hiện. Trong một dự án chỉ áp dụng một hình thức thu hồi đất.

Ý kiến đại biểu cũng góp ý quy định về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho tổ chức, cá nhân; quy định về tài chính đất đai, giá đất trong dự thảo; các ý kiến về bảo đảm hài hòa lợi ích, khắc phục lợi dụng, thâu tóm đất đai, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực…/.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên