GS Nguyễn Chấn Hùng: Nhiều tấm gương thầy thuốc tôi rất kính trọng
VOV.VN - GS Nguyễn Chấn Hùng: Có rất nhiều tấm gương tốt và hình ảnh đẹp của người thầy thuốc mà tôi rất kính trọng.
Ông được người bệnh vô cùng yêu mến bởi luôn vui, buồn cùng số phận người bệnh, cùng bệnh viện của mình từng giây phút. Có thời gian, máy xạ trị hư hỏng toàn bộ, 6 tháng không đụng đến, ông khóc. Sau đó ông qua Pháp xin được hai cái, cũng chỉ là loại “cũ người mới ta”, nhưng sung sướng quá, cũng khóc.
Nhân dịp kỷ niệm 61 năm Ngày thầy thuốc Việt Nam (27/2), phóng viên VOV.VN đã có cuộc trò chuyện với giáo sư về nghề y và những trăn trở của ngành y.
GS Nguyễn Chấn Hùng |
Phóng viên (PV): Thưa GS, từ trước đến giờ khi nói về y đức ở nước ta thì câu nói được trích dẫn nhiều nhất vẫn là “Lương y như từ mẫu”. Theo Giáo sư, trong cơ chế thị trường như hiện nay, câu nói này được hiểu như thế nào?
GS Nguyễn Chấn Hùng: Tôi thấy câu nói “Lương y như từ mẫu”, vô cùng đẹp, giống như đứa nhỏ có mẹ hiền. Tuy nhiên, trong thời buổi hiện nay, chúng ta phải hiểu câu nói này đúng và rộng hơn nữa. Đó là chúng ta phải làm thế nào để lo cho người mẹ có sữa tức là chúng ta phải đầu tư, xây dựng cho các bệnh viện khang trang, rộng rãi, có đủ giường nằm cho bệnh nhân, ít nhất là 2 người/giường. Ngoài ra, chúng ta phải chú trọng đầu tư cho bác sĩ, ngành y nhiều hơn nữa.
Bây giờ khoa học tiến bộ, kỹ thuật hiện đại, nếu chúng ta không có kế hoạch dài hạn, gửi bác sĩ đi đào tạo nước ngoài sẽ bị lạc hậu, người bệnh sẽ tin tưởng các cơ sở khám chữa bệnh ở nước ngoài còn bác sĩ thì mất niềm tin.
Nói tóm lại: chúng ta phải có một chiến lược sức khỏe, trang bị đầy đủ giường cho người bệnh, trang thiết bị hiện đại và đào tạo bác sĩ Việt Nam thật chuyên khoa theo kịp bác sĩ nước ngoài. Như vậy, bà mẹ mới có đủ sữa cho con bú, như thế mới là “Lương y như từ mẫu”.
PV: Ngành y tế hiện đang chú trọng xây dựng đội ngũ y bác sĩ đủ về số lượng, đảm bảo phẩm chất đạo đức của người thầy thuốc. Nhưng thời gian qua vẫn còn một số vụ việc vi phạm quy chế chuyên môn, quy tắc ứng xử, có thái độ không đúng mực và gây phiền hà cho bệnh nhân và bức xúc trong xã hội. Giáo sư có suy nghĩ như thế nào về vấn đề này?
GS Nguyễn Chấn Hùng: Rất nhiều người cũng hỏi tôi là: bây giờ y đức tệ quá. Rồi những thầy thuốc trẻ, bác sĩ trẻ mới ra trường cũng băn khoăn vì nhiều người nghĩ rằng bây giờ không còn đâu hình ảnh đẹp. Nhưng tôi phải khẳng định rằng, thật ra có rất nhiều tấm gương tốt, và hình ảnh đẹp của người thày thuốc.
Chỉ tính riêng ở trong TP HCM, người thầy thuốc mà tôi vô cùng kính trọng là GS Trương Công Trung, Hiệu trường Trường Đại học Y dược TP HCM. GS Trương Công Trung không chỉ là thầy thuốc uy tín mà còn là người rất chăm lo đến sức khỏe cho người dân ở vùng sâu, vùng xa và Đồng bằng Sông Cửu Long. Khi tôi còn là một giảng viên trẻ, ông dẫn đầu một đoàn bác sĩ đi khắp ĐBSCL để tiếp xúc với người dân, khám chữa bệnh cho họ. Ông được bà con thương mến. Tôi đã học được nhiều điều ở ông và gọi ông là bậc thầy về thầy thuốc. Ông là một tấm gương trong sáng, người lãnh đạo mẫu mực, tiếp sức mạnh cho chúng tôi tiếp nối.
Với cương vị là Hiệu trưởng, ông luôn đồng viên các thày ở trường xuống ĐBSCL để xây dựng cho trường Đại học Y Cần Thơ (Tôi có cũng may mắn dạy ở đó 10 năm). Nếu không có ông chắc giờ không có cơ sở vật chất đầy đủ như ở ĐBSCL và TP HCM.
Còn một người khác nữa là bác sỹ Dương Quang Trung, Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh – người mà chúng tôi thường gọi thân thương là anh Tư Trung. Đó là người anh mà tôi thực sự bái phục về đức sáng và có những đóng góp cho ngành y tế.
PV: Là người có nhiều năm gắn bó với ngành y. Vậy theo GS, chúng ta nên có giải pháp gì để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cũng như vấn đề y đức tại các bệnh viện, cơ sở y tế để thực sự “Lương y như từ mẫu”?
GS Nguyễn Chấn Hùng: Một người thầy của tôi ở Trường Đại học Y khoa Sài Gòn, người trực tiếp dẫn tôi vào ngành Ung bướu là GS Đào Đức Hoành đã dạy tôi rằng: “Thầy thuốc phải học cái gương của cái giếng”. Hồi đó, tôi chưa hiểu ý của thấy nói nhưng bây giờ thì tôi đã hiểu. Cái giếng, ai muốn múc nước thì múc. Múc bao nhiêu nước, giếng vẫn đầy và trong. Ý nói rằng: chúng ta càng lo cho người bệnh càng có kinh nghiệm phong phú. Làm người, mình cũng nên đòi hỏi ít thôi, cái chính là vẫn làm được việc. Làm người, nếu có chút tài, và cả tài sản, thì nên chia sẻ, nên đóng góp, vậy là còn hoài, thậm chí được thêm. Chúng ta luôn nghĩ, người bệnh cần chúng ta giống như cái giếng càng múc càng đầy. Học theo cái giếng để người thầy thuốc thực hiện nghề của mình một cách tốt đẹp. Đây cũng là lời mà tôi muốn chia sẻ với các đồng nghiệp trẻ và sinh viên của tôi.
PV: Là người nhiều năm nghiên cứu cũng như gắn bó trong lĩnh vực ung bướu điều gì khiến ông trăn trở nhất?
GS Nguyễn Chấn Hùng: Điều khiến tôi trăn trở nhất đó là hiện nay trang thiết bị kỹ thuật và thầy thuốc không được trang bị, đào tạo đồng bộ, nơi này có nơi khác thiếu. Cơ sở y tế chệch choạc, ảnh hưởng nhiều tới người bệnh. Tôi mong muốn nhà nước nên có chiến lược dài hạn, đầu tư trang thiết bị và đào tạo bác sĩ đồng bộ, theo kịp với kỹ thuật mới.
PV: Xin trân trọng cảm ơn GS!
GS - BS Nguyễn Chấn Hùng là một chuyên gia về ung bướu, sống và làm việc tại TP HCM. Ông sinh năm 1944 tại Long An, nhưng quê gốc của ông ở Tiền Giang. Năm 1970, ông tốt nghiệp Đại học Y khoa Sài Gòn, chuyên khoa Ung thư. Sở dĩ ông chọn khoa Ung thư vì nhận thấy đó là “căn bệnh trên mọi căn bệnh”. Năm 1972 (mới 28 tuổi) ông trình luận án tiến sĩ. Năm 30 tuổi, ông đồng thời làm bác sĩ ở Bệnh viện Ung bướu (Gia Định) vừa dạy học ở Đại học Y khoa Sài Gòn, là giảng viên duy nhất về ung thư học trong nhà trường.
Sau ngày miền Nam giải phóng, ông giảng dạy ở trường ĐH Y Dược TP HCM, làm việc ở Trung tâm Ung bướu. Năm 1985, ông được đề bạt làm Phó giám đốc Trung tâm. Năm 1990, ông được bổ nhiệm làm Giám đốc Bệnh viện Ung bướu cho đến nghỉ hưu vào năm 2009.