GS Vũ Khiêu nặng lòng với Thủ đô

VOV.VN - Dù đã 99 tuổi, nhưng GS Vũ Khiêu vẫn miệt mài viết sách, sáng tác nghệ thuật… tiếp tục đóng góp cho Thủ đô và đất nước.

"Người công dân tiêu biểu của Thủ đô"

“Triết gia trong cách mạng, Nghệ sỹ giữa anh hùng” - đó là câu đối mà Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã tặng Giáo sư Vũ Khiêu để ghi nhận những cống hiến của ông đối với sự nghiệp văn học nghệ thuật nước nhà. Với thủ đô Hà Nội, năm 2010, nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội,  Giáo sư Vũ Khiêu được vinh danh là "Người công dân tiêu biểu của Thủ đô”. 

Hơn 70 đầu sách đã xuất bản, trong đó đều là những công trình đồ sộ hiếm thấy trong lịch sử văn học nghệ thuật nước nhà. Chỉ tính riêng Tủ sách Thăng Long 1.000 năm, Giáo sư Vũ Khiêu đã viết 8 cuốn, trong đó riêng cuốn Văn hiến Thăng Long gồm 4 tập, mỗi tập đã nặng trên dưới 2 kg. Bên cạnh đó, ông còn tham gia chủ biên, biên soạn, biên tập nhiều cuốn sách khác.

Khi nói về những đóng góp của Giáo sư với Hà Nội, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị nhấn mạnh: “Nếu xếp các trang sách của Giáo sư Vũ Khiêu đã viết về Hà Nội thì có thể dài tới hơn 6 mét”. Tuổi đã cao nhưng hằng ngày, Giáo sư vẫn miệt mài làm việc để hoàn thành những công trình nghiên cứu đang ấp ủ.

Giáo sư - Anh hùng lao động Vũ Khiêu 

Giáo sư – Anh hùng lao động Đặng Vũ Khiêu chia sẻ: “Tôi nghĩ rằng người ta có thể tập thể dục bằng thể xác, nhưng giữ đầu óc mình thanh thản đó cũng là tập thể dục về tinh thần. Khi đầu óc thanh thản thì nó cũng giúp điều khiển cả cơ thể của mình một cách lành mạnh.  Khi tôi được 103 tuổi, tôi tiếp tục hoàn thành cho Hà Nội một công trình nữa. Còn sống đến đâu là tùy trời, nhưng chắc chắn còn sống được ngày nào tôi tiếp tục cống hiến cho Hà Nội ngày ấy”.

Sinh ra tại làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định, tốt nghiệp tú tài trường Bonnal (Ngô Quyền - Hải Phòng), nhưng phần lớn cuộc đời cách mạng và công tác của Giáo sư Vũ Khiêu lại gắn bó với Hà Nội. Có lẽ vì thế nên chẳng biết tự khi nào, tình yêu Hà Nội đã trở thành máu thịt trong ông.

Ông đã từng tham gia kháng chiến chống Pháp, chiến dịch Điện Biên Phủ, rồi về giải phóng Thủ đô, sau đó đảm nhận nhiều cương vị, trọng trách như Phó Tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, giảng dạy Triết học và Lý luận khoa học xã hội cho các trường Đảng và nhiều trường Đại học, Phó chủ nhiệm Ủy ban khoa học xã hội Việt Nam, Viện trưởng đầu tiên của Viện Xã hội học. Những biến cố thăng trầm của đất nước, những cảnh ngộ và số phận con người đã thẩm thấu tự nhiên trong những áng thơ văn và tạo nên một Giáo sư mỹ học, Giáo sư triết học, một nhà báo kỳ cựu, nhà văn uyên thâm, nhà thơ có cốt cách tâm hồn sống động, hay  dịch giả nổi tiếng – tất cả đều có trong Giáo sư Vũ Khiêu.

Chia sẻ tình yêu với Thủ đô Hà Nội, Giáo sư Vũ Khiêu nói: “Hà Nội gắn bó với tôi rất thân thiết, từ một khu phố, từ một căn nhà trước kia tôi đều thông thạo cả. Vì ngày đó chưa có nghề nghiệp gì nên tôi nhận là người đưa tin, đưa thơ cho Trung tâm về khoa học. Cho nên tôi có trách nhiệm đi từng nhà, vào từng gia đình giao từng bức thư cho các học sinh này. Mỗi con ngõ, mỗi ngôi nhà tôi đều đã đi qua và tình yêu đối với Hà Nội ngấm vào tôi lúc nào không rõ”.

Năm 2010, kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, được vinh danh là "Người công dân tiêu biểu của Thủ đô", Giáo sư Vũ Khiêu tâm sự: "Với danh hiệu cao quý này, tôi lại không thể nghỉ ngơi được nữa. Tôi dồn hết tâm huyết để tiếp tục phục vụ Tổ quốc, phục vụ Thủ đô".  

Nhà khoa học toàn tài

Hiện nay, dù đã 99 tuổi, nhưng ngày ngày ông vẫn miệt mài làm việc, viết sách, viết câu đối, sáng tác nghệ thuật và dành thời gian theo dõi tình hình đất nước, khu vực và trên thế giới để tiếp tục đóng góp cho sự nghiệp phát triển Thủ đô và đất nước. Cảm phục trước tinh thần lao động say mê, sáng tạo, trọn cuộc đời cống hiến cho khoa học, cho cách mạng, nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, nhà văn, nhà báo đã hết lời ca ngợi sự đóng góp của Giáo sư Vũ Khiêu trong các lĩnh vực.

Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười đã đề tặng Giáo sư Vũ Khiêu: "Hai bàn tay trắng không vương bụi. Một tấm lòng son ở với đời".

Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu viết: "Bác Vũ Khiêu là nhà hoạt động xuất sắc trên nhiều lĩnh vực khoa học nhân văn với những đề tài đã ghi đậm dấu ấn không những đối với các nhà khoa học trong nước mà cả với những nhà khoa học nước ngoài và đông đảo các tầng lớp nhân dân…". Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu nhận xét: “Giáo sư anh hùng lao động Vũ Khiêu là một trí thức lớn, cây đại thụ của nền khoa học, xã hội Việt Nam, một nhà khoa học toàn tài. Tôi thực sự vui mừng vì thấy ở tuổi trường thọ, cây đại thụ của nền văn hóa Việt Nam vẫn tinh anh, không ngừng tiếp tục lao động sáng tạo phục vụ đất nước, nhân dân. Ở ông là cả một nguồn trí tuệ dồi dào, một kho báu quý giá cho nền khoa học, xã hội nước nhà.

Ngôi nhà của Giáo sư Vũ Khiêu trên đường Cao Xuân Huy, huyện Từ Liêm ngày nào cũng có khách đến thăm, khi thì các chính trị gia, lúc thì các nhà văn, nhà báo, nhà thơ, nhà nhiếp ảnh, bạn bè gần xa, rồi cả rất nhiều độc giả trong, ngoài nước. Luôn lấy chữ Tâm, chữ Đức làm đầu, cùng phương châm sống giản dị, thanh bạch,  GS Vũ Khiêu sẽ mãi là niềm tự hào, tấm gương sáng về sự học tập cần cù, lao động quên mình, nghiên cứu sâu rộng và cống hiến suốt đời./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

GS Vũ Khiêu - người nặng lòng với văn hiến Thăng Long
GS Vũ Khiêu - người nặng lòng với văn hiến Thăng Long

Ông là người đã được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tặng câu đối “Triết gia trong Cách mạng - Nghệ sĩ giữa Anh hùng”.

GS Vũ Khiêu - người nặng lòng với văn hiến Thăng Long

GS Vũ Khiêu - người nặng lòng với văn hiến Thăng Long

Ông là người đã được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tặng câu đối “Triết gia trong Cách mạng - Nghệ sĩ giữa Anh hùng”.

Mừng thọ Giáo sư Vũ Khiêu
Mừng thọ Giáo sư Vũ Khiêu

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết chúc Giáo sư Vũ Khiêu trường thọ, tiếp tục có những công trình nghiên cứu góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc.

Mừng thọ Giáo sư Vũ Khiêu

Mừng thọ Giáo sư Vũ Khiêu

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết chúc Giáo sư Vũ Khiêu trường thọ, tiếp tục có những công trình nghiên cứu góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc.