Gửi ô tô để vào đền Ngọc Sơn ngày rằm bị “chém” 50.000 đồng/lượt
VOV.VN -Đầu năm các đền, chùa, di tích lịch sử nổi tiếng ở Hà Nội thu hút đông đảo người dân và du khách, dẫn tới tình trạng trông giữ xe “chặt chém”
Theo quan niệm dân gian đi lễ rằm tháng Giêng có ý nghĩa tâm linh vô cùng đặc biệt. Vì thế lượng người đến lễ đền, đình chùa tăng tăng đột biến vào ngày này, nhu cầu trông giữ xe cũng tăng cao. Bởi vậy, tại các điểm trông giữ xe ở khu vực này xuất hiện tiêu cực như: “chặt chém” thu phí cao người gửi, diện tích bãi xe vượt quá giấy phép, thậm chí ngang nhiên tổ chức trông giữ xe không phép diễn ra công khai.
Bất chấp biển cấm trông giữ xe, điểm đỗ xe tại vườn hoa tượng đài "Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh" vẫn ngang nhiên tồn tại từ mùng 1 Tết đến nay. |
Ghi nhận của phóng viên, khoảng 11h ngày 3/2 (rằm tháng Giêng, năm Mậu Tuất), tại đền Ngọc Sơn, hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội khách đi lễ đền ngày rằm khá đông.
Trước cửa đền Ngọc Sơn là vườn hoa tượng đài “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, thuộc phường Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội cũng là điểm trông giữ xe khách đến đền lễ rằm.
Tại khu vực này có ít nhất 2 điểm trông giữ xe, phía bên phải tượng đài giáp đường Đinh Tiên Hoàng là điểm trông giữ xe của Công ty Cổ phần Đồng Xuân, mức phí thu 5.000 đồng/xe máy.
Tuy nhiên, phía bên trái tượng đài giáp phố Hàng Dầu là một điểm trông giữ xe khác.
Tại điểm trông giữ này, mức phí trông giữ là 10.000 đồng/xe máy, thu không xuất vé 50.000 đồng/ô tô.
Khi khách gửi xe phàn nàn mức phí như vậy là cao, nhân viên trông xe tại đây cho biết: “Nói thật bọn anh chỉ thực thu được 20.000 đồng”.
Ô tô mức phí trông giữ 50.000 đồng/lượt, xe máy 10.000 đồng/lượt. |
Trao đổi với phóng viên qua điện thoại, ông Nguyễn Quỳnh Tiến, Phó Chủ tịch phường Lý Thái Tổ cho biết, điểm đỗ xe trên không thuộc đơn vị nào mà do một số người dân tự ý đứng ra trông vài xe.
“Từ hôm qua phía phường đã yêu cầu công an tập trung xử lý điểm trông giữ xe này”, vị Phó chủ tịch phường nói.
Tuy nhiên, trên thực tế điểm đỗ xe này do một nhóm người đứng ra trông giữ. Họ dựng ô ngồi ngay lối đi vườn hoa để tổ chức trông giữ xe trái phép.
Ngay tại thời điểm phóng viên có mặt ghi nhận, cho thấy một xe cảnh sát trật tự đỗ ngay cạnh vườn hoa nhưng hoạt động trông xe không phép, mức phí cao so với Quy định UBND thành phố ban hành vẫn diễn ra bình thường.
Điều đáng nói, điểm trông xe này hoạt động suốt từ ngày 1 Tết đến nay nhưng không hề bị xử lý.
Nhóm trông giữ xe dựng xe giữa đường vườn hoa tượng đài. |
Tại đình Kim Liên- một trong tứ trấn Thăng Long xưa, vào khoảng 9h30 sáng nay, lượng khách đến thăm viếng không đông đúc như dịp Tết.
Mặc dù đơn vị trông giữ xe máy của người vào lễ đình Kim Liên thu phí đúng quy định nhưng lại bố trí xe ngay khu vực hồ bán nguyệt trước cửa đình gây phản cảm bức xúc cho người dân làng Kim Liên.
Ông Nguyễn Thắng, một người dân phố Kim Hoa, phường Phương Liên, quận Đống Đa cho hay: "Theo tôi được biết việc tổ chức trông giữ xe tại đây là cần thiết để phục vụ nhu cầu của bà con. Tuy nhiên, việc bố trí để xe ngay sát cửa đình Kim Liên là rất phản cảm. Khách lấy xe ra, theo thói quen ngồi trên xe nổ máy đi ra phả khói xăng dầu về phía trong đình và gây ồn ào phá vỡ sự yên tĩnh vốn có của nơi linh thiêng”.
Điểm đỗ xe phản cảm ngay trước cửa đình Kim Liên, phường Phương Liên, quận Đống Đa. |
Khảo sát một số điểm khác như khu vực phủ Tây Hồ, chùa Trấn Quốc xuất hiện nhiều bãi giữ xe trái phép.
Một số điểm trông giữ phương tiện có giấy phép hoạt động như Công ty TNHH dịch vụ vận tải và xây dựng Huy Khánh tại phủ Tây Hồ dùng vé ô tô trên 10 chỗ để thu tiền xe ô tô 9 chỗ với giá 30.000 đồng/lượt (giá quy định là 25.000 đồng/lượt).
Trước đó, Đoàn công tác Ban Đô thị HĐND Thành phố Hà Nội đã tổ chức khảo sát tình hình, kết quả công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông; Việc thực hiện quy định về trông giữ phương tiện giao thông trên địa bàn Thành phố trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất và Lễ hội xuân năm 2018.
Qua khảo sát cho thấy: vẫn còn xuất hiện các bãi xe trông giữ phương tiện hoạt động tự phát, không phép dưới lòng đường, ở nhiều tuyến phố chính mặc dù đã có các biển báo cấm dừng, cấm đỗ tuy nhiên nhiều chủ phương tiện vẫn cố tình vi phạm nhưng lực lượng chức năng chưa kịp thời xử lý, gây ùn tắc giao thông.
Tại các điểm vui chơi, lễ hội đầu năm vẫn còn diễn ra tình trạng tăng giá vé trông giữ phương tiện sai quy định, mặc dù các ban HĐND Thành phố đã giám sát, kiến nghị từ những năm trước song đến nay vi phạm vẫn diễn ra chưa có biện pháp xử lý triệt để.
Một đại diện Ban đô thị HĐND thành phố cho biết, qua giám sát 40 đơn vị trông giữ phương tiện thì có 38 đơn vị sai phạm. Mặc dù ban đô thị của HĐND TP có kiến nghị xử lý nhưng đến nay chưa có đơn vị nào bị rút giấy phép.
"Chúng tôi đã có báo cáo yêu cầu chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh ngay các vi phạm trong hoạt động trông giữ phương tiện tại các điểm chúng tôi khảo sát; tăng cường công tác thanh tra công vụ, xem xét xử lý trách nhiệm người đứng đầu địa phương, đơn vị để xảy ra nhiều vi phạm hoặc vi phạm nghiêm trọng trên địa bàn; kiên quyết thu hồi giấy phép kinh doanh đối với các điểm trông giữ xe vi phạm thu quá giá quy định", người đại diện cho hay.
Theo quy định mới có hiệu lực từ 1/1/2018 của thành phố Hà Nội, giá dịch vụ trông giữ xe máy tại địa bàn các quận; tại các điểm danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, công trình văn hóa (không phân biệt theo địa bàn) từ 5000 đồng (ban ngày), 8.000 đồng (ban đêm). Mức phí gửi xe ô-tô mức tối đa là 35.000 đồng/xe/lượt./.