Hạ đê Nghi Tàm như thế nào để thi công cầu vượt, tránh ùn tắc
VOV.VN - Cọc khoan nhồi đầu tiên được khoan cùng với đào thử nghiệm một phần đê đất. Nút giao cầu vượt An Dương – Thanh Niên chính thức được khởi công
Là một trong 8 dự án trọng điểm của thành phố Hà Nội, Dự án xây dựng cầu vượt tại nút An Dương – Thanh Niên, quận Tây Hồ nhằm giải quyết ùn tắc giao thông cho 2 quận Ba Đình, Tây Hồ.
Khoan cọc nhồi dự án cầu vượt nút giao An Dương - Thanh Niên.
Ngoài xây dựng cầu vượt theo hướng đường Yên Phụ - Nghi Tàm, tong dự án này cũng thực hiện thay thế một phần kết cấu đê đất bằng kết cấu tường chắn bê tông cốt thép chữ L (từ khách sạn Thắng Lợi đến cửa khẩu An Dương) dài 1,1 km, mở rộng cửa khẩu An Dương thành 3 khoang và xây dựng mới 3 cửa khẩu để thay thế các dốc lên đê đã có. Tổng mức vốn đầu tư hơn 311 tỷ đồng.
Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội làm chủ đầu tư dự án trọng điểm này.
Với quy mô đầu tư xây dựng như trên, điều kiện thi công ngay trên trục giao thông đông đúc đòi hỏi công việc thi công rất cần khẩn trương chính xác, đảm bảo tuyệt đối an toàn cho người và phương tiện qua lại.
Trao đổi với PV, lãnh đạo Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội cho biết, yêu cầu đơn vị thi công khẩn trương thực hiện tiến độ. Đồng thời đảm bảo an toàn cho các phương tiện giao thông bên ngoài. Tuyệt đối không để bất cứ vật liệu, đất đá, nước… rơi rớt, chảy ra ngoài đường giao thông. “Nếu có, lập tức đình chỉ thi công dự án”, đại diện Ban quản lý dự án nhấn mạnh.
Trong giai đoạn 1 của dự án, nhà thầu thi công trước việc di chuyển hệ thống cấp nước (2 đường ống nước D600 và D300) tại khu vực nút giao đường Yên Phụ. Mới đây ngày 8/11, bắt đầu giai đoạn thi công cọc khoan nhồi, bệ móng, thân trụ của 1 mố và 2 trụ phía đường Yên Phụ. Đồng thời thi công hạ một phần đê đất 500m để mở rộng đường 5 m phía trong đê và thi công đồng bộ các hạng mục thoát nước, lắp đặt hệ thống ống luồn cáp ngầm điện 110kV (thuộc dự án khác do EVN Hà Nội làm chủ đầu tư).
Thi công hạng cọc xi măng đất dưới đường chắn đê bê tông cốt thép trong phạm vi có đê phía ngoài sông trên đoạn 500 m.
Theo tính toán thời gian thi công hoàn thành giai đoạn 1 là 2 tháng.
Trong thời gian này, bố trí tổ chức giao thông 1 chiều trên đường đê Yên Phụ (hướng từ Yên Phụ đi cầu Thăng Long).
Tại giai đoạn 2 dự án, bố trí tổ chức giao thông đi xuống phần đường và mở rộng trong đoạn 500 m để tiếp tục triển khai thi công các công việc giống như giai đoạn 1 đối với 500 m tiếp theo.
Hạ dỡ thử nghiệm một góc đên ở đường An Dương. |
Theo chủ đầu tư, thời gian thi công giai đoạn 2, các hạng mục tường bê tông cốt thép và hạ đê đất xây dựng kết cấu mặt đường tên đoạn 500 m đầu tuyến dự kiến khoảng 2 tháng. Trong thời gian này, mũi thi công mở rộng đường 5 m phía trong đê và cọc xi măng đất của 500 m tiếp theo vẫn triển khai và thời gian hoàn thành khoảng 2 tháng.
Giai đoạn cuối cùng, phân luồng tổ chức giao thông đi hoàn toàn dưới phần mở rộng phía trong đê đã hoàn thành, đóng toàn bộ phần trên đê để thi công nốt các hạng mục còn lại của cầu vượt và hoàn chỉnh toàn bộ phần tường chắn bê tông, nền mặt đường của tuyến, thời gian hoàn thành khoảng 2 tháng.
Trong giai đoạn này, thi công phần lao lắp dầm và phần mặt cầu vượt, đảm bảo sau khi kết thúc giai đoạn 3 cơ bản hoàn thành hạng mục chính để chuẩn bị thông xe.
Trong 7 tháng thi công các đơn vị làm 3 ca liên tục kể cả các ngày nghỉ lễ.
Trong thời gian này sẽ tổ chức phương án phân luồng giao thông từ xa để hạn chế phương tiện tập trung vào khu vực thi công, đặc biệt là các phương tiện giao thông quá cảnh, xe khách tuyến cố định, xe tải không đi vào khu vực dự án và vùng lân cận./. Hà Nội: Dỡ đê đất xây cầu vượt nút giao An Dương- đường Thanh Niên