Hà Nội: Chưa phát hiện việc "chạy" công chức, viên chức

Đã phát hiện 1 trường hợp lừa đảo liên quan đến việc “chạy” vào biên chế, chiếm đoạt khoảng 280 triệu đồng của 3 người. 


Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Công văn 4635 ngày 21/12/2012 của Bộ Nội vụ về kết quả kiểm tra, rà soát công tác tuyển dụng công chức, viên chức các quận, huyện, thị xã năm 2011-2012, UBND TP Hà Nội đã thông tin về vấn đề đang được dư luận hết sức quan tâm này.

Tại kỳ họp thứ 6 HĐND TP cuối năm 2012, đại biểu Trần Trọng Dực, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội nêu một thông tin về hiện tượng để trúng tuyển công chức phải "chạy" với số tiền không dưới 100 triệu đồng.

Ngay sau khi có thông tin này, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ Nội vụ và TP Hà Nội phải tiến hành kiểm tra.

Một điểm thi công chức ở Hà Nội (ảnh: internet)

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và của Bộ Nội vụ, UBND TP Hà Nội tiến hành tổ chức kiểm tra, rà soát việc thi tuyển công chức tại quận, huyện, thị xã trên địa bàn.

Sở Nội vụ Hà Nội đã hướng dẫn các quận, huyện, thị xã tự kiểm tra và báo cáo về Sở, đồng thời, thành lập 3 đoàn kiểm tra do Phó Giám đốc Sở Nội vụ làm trưởng đoàn, có sự tham gia của đại diện Bộ Nội vụ, tiến hành kiểm tra trực tiếp tại 3 đơn vị là huyện Thanh Trì, Ứng Hòa và quận Hà Đông.

Tại huyện Ứng Hoà, sau khi tiếp nhận thông tin, ngày 3/10/2012, UBND huyện chủ động thành lập đoàn kiểm tra, giao công an huyện tiến hành xác minh và phát hiện có tình trạng tác động nâng điểm phần thi thực hành giảng bài của 16 thí sinh dự tuyển chỉ tiêu giáo viên khối tiểu học. Huyện Ứng Hoà đã xử lý kỷ luật các cán bộ giáo viên liên quan. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa phát hiện trường hợp nào có hành vi đưa và nhận tiền trong quá trình tuyển dụng.

Ngoài huyện Ứng Hòa, đoàn kiểm tra chưa phát hiện có hồ sơ, tài liệu. chứng cứ thể hiện việc cán bộ, công chức tham gia công tác tuyển dụng vi phạm các quy định.

Kết quả tự kiểm tra đối với kết quả của 3 đoàn kiểm tra của Sở Nội vụ, các đơn vị được kiểm tra đã cơ bản thực hiện đúng nội dung, quy định, đúng hướng dẫn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Tuy nhiên, theo báo cáo của UBND TP Hà Nội, trong quá trình kiểm tra và tự kiểm tra đã phát hiện khâu dễ xảy ra sai sót là khi lên điểm, vào điểm nếu không có biện pháp kiểm tra chéo, kiểm tra nhiều lần.

UBND Thành phố Hà Nội cho rằng khâu dễ xảy ra tiêu cực là khi thực hành bài giảng nên cần phải lắp đặt camera, ghi âm để giám sát. Bên cạnh đó, vẫn còn một số ít cán bộ, công chức, viên chức thiếu ý thức chấp hành kỷ luật, kỷ cương và đạo đức nghề nghiệp, nể nang trong thực thi công vụ; vẫn còn nhiều trường hợp thí sinh dùng bằng THPT giả; nhiều trường hợp bị các đối tượng xấu mạo danh, lừa đảo, hứa hẹn giúp "chạy vào công chức, viên chức" để chiếm đoạt tài sản...

UBND TP cho biết đã phát hiện 1 trường hợp lừa đảo liên quan đến việc “chạy” vào biên chế của 1 phụ nữ trú tại xã Dương Hà, huyện Gia Lâm mạo danh cán bộ Sở Nội vụ để lừa đảo "chạy" công chức ngành giáo dục, chiếm đoạt khoảng 280 triệu đồng của 3 người. CATP Hà Nội đang điều tra, làm rõ.

UBND TP kiến nghị Bộ Nội vụ sớm cùng các địa phương đánh giá, tổng kết, tiếp tục hoàn thiện các quy định về tuyển dụng công chức, viên chức để phòng chống tiêu cực, đồng thời kiến nghị Bộ GDĐT quản lý các hình thức đào tạo và số lượng in phôi bằng của các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp; thống nhất các chuyên ngành đào tạo và cách tính điểm học tập trung bình toàn khóa để đảm bảo sự công bằng./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Sẽ truy tố nếu phát hiện “chạy công chức 100 triệu”
Sẽ truy tố nếu phát hiện “chạy công chức 100 triệu”

Ngày 25/12 là hạn chót để Hà Nội trả lời về vụ “chạy vào công chức mất 100 triệu” như phản ánh.

Sẽ truy tố nếu phát hiện “chạy công chức 100 triệu”

Sẽ truy tố nếu phát hiện “chạy công chức 100 triệu”

Ngày 25/12 là hạn chót để Hà Nội trả lời về vụ “chạy vào công chức mất 100 triệu” như phản ánh.