Hà Nội chuẩn bị trình đề án quản lý phương tiện cá nhân
VOV.VN - Để giảm ùn tắc giao thông, theo lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội, TP tiếp tục hoàn thiện đề án quản lý phương tiện giao thông cá nhân.
Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2016 và triển khai nhiệm vụ kế hoạch năm 2017 ngành giao thông vận tải vào sáng 10/1, ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, ùn tắc giao thông đang ngày càng phức tạp và trầm trọng hơn. Trong khi đó, các giải pháp kéo giảm ùn tắc còn hạn chế.
Theo ông Viện, năm 2016, Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp giảm ùn tắc giao thông, trong đó tập trung phát triển xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, đưa vào khai thác nhiều công trình.
Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh cần giảm dân số dịch chuyển vào trung tâm, phát triển các khu đô thị vệ tinh xung quanh. |
Bên cạnh đó, thành phố cũng tập trung điều hành vận tải theo hướng công khai minh bạch, sắp xếp điều chỉnh luồng tuyến, được nhân dân đồng thuận đánh giá cao, đồng thời mở thêm 6 tuyến xe buýt mới và hình thành tuyến xe buýt nhanh (BRT), qua đó góp phần giảm ùn tắc.
Tuy nhiên, vị Giám đốc Sở Giao thông Vận tải cũng thừa nhận, việc đầu tư kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng nhu cầu, trong khi phương tiện giao thông cá nhân tăng nhanh, ý thức tham gia giao thông của người dân còn thấp; công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý chưa kiên quyết; tình trạng xe khách dừng đón trả khách sai quy định trên các tuyến đường,... dẫn đến ùn tắc giao thông trên địa bàn trầm trọng hơn.
Để giảm ùn tắc giao thông, theo ông Viện, hiện Hà Nội vẫn đang tiến hành thực hiện đề án quản lý phương tiện giao thông cá nhân.
“Hiện đề án đang được lấy ý kiến các chuyên gia để hoàn thiện. Theo chỉ đạo của Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, đề án sẽ được trình và xem xét thông qua tại kỳ họp Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội vào tháng Bảy tới đây,” ông Viện cho biết.
Giảm dân số dịch chuyển vào trung tâm
Lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho biết, năm 2016 tại Hà Nội nhiều công trình giao thông đã hoàn thành và đưa vào khai thác, vận hành các tuyến xe buýt, xe buýt nhanh, xe kết nối trung tâm Hà Nội với sân bay Nội Bài, điều chỉnh một số tuyến vận tải hành khách, không để xe chạy xuyên qua trung tâm thành phố...
Đối với Thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện giải pháp tổ chức giao thông kết nối vào Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất để hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông, giải quyết thoát nước chống úng ngập sân bay…
Áp lực giao thông đang đè nặng lên các đô thị lớn. Đặc biệt à Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. |
Theo đánh giá của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, ùn tắc giao thông không chỉ ở các đô thị lớn mà còn diễn ra ở cả cảng hàng không đe dọa an toàn, an ninh hàng không và làm giảm chất lược cuộc sống, dịch vụ của người dân.
“Ùn tắc giao thông diễn ra ngày càng trầm trọng tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Nếu càng đầu tư hạ tầng tập trung vào một khu vực thì càng ách tắc nhiều, phương tiện cá nhân tăng hạ tầng không theo kịp. Muốn giải quyết triệt để ùn tắc giao thông thì cần giảm dân số dịch chuyển vào trung tâm, phát triển các khu đô thị vệ tinh xung quanh trung tâm nhưng có dịch vụ đầy đủ để thu hút người dân đến ở, tìm kiếm việc làm và ổn định cuộc sống. Đây là bài toán nan giải trước mắt và lâu dài cần phải tháo gỡ”, Phó Thủ tướng nhìn nhận.
Thừa nhận đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông được quan tâm nhưng còn rất thiếu so với yêu cầu, Phó Thủ tướng khẳng định hạ tầng ngày càng trở thành nhân tố cạnh tranh của kinh tế quốc gia nhưng còn thiếu chất lượng. Dẫn chứng, cả nước mới có 800km cao tốc, trong khi một tỉnh của Trung Quốc cách đây 10 năm đã có 4.000 km đường cao tốc. Hay như tỉnh Quảng tây tới năm 2020 có 8.000 km đường cao tốc, đó là chưa kể đến đường sắt cao tốc, đường sắt đô thị.
“Ùn tắc giao thông đang diễn ra ngày càng trầm trọng đặc biệt là tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh với việc gia tăng xe cá nhân trong khi kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ, đầy đủ và xu hướng dịch chuyển dân số ngoại ô vào trung tâm tạo ra áp lực vô cùng lớn lên các công trình.
Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, hạ tầng giao thông thiếu đồng bộ sẽ làm giảm năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, khả năng vốn đầu tư ngày càng khó khăn đặc biệt là nguồn vốn ngân sách Nhà nước. Nguồn vốn đầu tư giao thông rất khó huy động nên phải huy động nguồn vốn xã hội, đây là vấn đề hết sức khó khăn của ngành giao thông vận tải./.