Hà Nội có 14 tuyến buýt mới phục vụ hành khách vào năm 2017
VOV.VN - Năm 2017, Sở GTVT Hà Nội đưa vào vận hành tuyến xe buýt nhanh BRT và 14 tuyến xe buýt mới đưa tổng số tuyến toàn mạng lên 115 tuyến.
Chiều 29/11, thông tin về kết quả vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) bằng xe buýt trên địa bàn thành phố năm 2016, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, đến nay mạng lưới VTHKCC bằng xe buýt của Thủ đô có 97 tuyến.
Trong năm nay, mạng lưới tuyến tiếp tục được mở rộng hợp lý hóa điều chỉnh 50 tuyến, mở rộng vùng phục vụ 13 tuyến, mở mới 5 tuyến. Nhiều huyện ngoại thành và khu đô thị mới đã có xe buýt phục vụ như huyện Quốc Oai, Xuân Mai, khu đô thị Xa La, Văn Phú, Linh Đàm, Mỹ Đình, Tứ Hiệp. Kiến Hưng. Dự kiến tiếp tục đưa vào vận hành thêm 4 tuyến mới nâng tổng số tuyến toàn mạng lên 101 tuyến.
Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội thông tin về kế hoạch hoạt động của vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt năm 2017.
Bên cạnh việc quan tâm đầu tư phát triển hạ tầng xe buýt đồng bộ (với trên 2.370 điểm dừng, gần 370 nhà chờ, 5 điểm trung chuyển, 86 điểm đầu cuối, 1 làn dành riêng), hạ tầng xe buýt đã góp phần cải thiện chất lượng phục vụ mạng lưới, đảm bảo an toàn phương tiện và hành khách. Đầu tư thay mới 108 phương tiện đưa tổng số xe buýt hiện nay lên 1.588 xe. Các phương tiện đảm bảo tiêu chuẩn buýt đô thị, trên xe lắp thiết bị giám sát hành trình, có hệ thống thông tin bằng đèn LED, hệ thống báo điểm dừng bằng âm thanh.
Ông Hà Huy Quang, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, chất lượng phục vụ của xe buýt có nhiều chuyển biến tích cực, các chuyến lượt được quản lý và kiểm soát hiệu quả hơn (số chuyến lượt bỏ giảm 8%, số vi phạm giảm 6%).
Một số tuyến xe buýt mới với chất lượng cao được đưa vào phục vụ nhân dân. Xe mới, màu sơn mới, nhận diện thương hiệu mới, đồng phục nhân viên mới, trên xe có wifi miễn phí. Các dịch vụ khách hàng như đường dây nóng, trung tâm khách hàng, thông tin xe sắp đến điểm dừng, phần mềm timbuyt.vn tiếp tục được duy trì và tăng cường…
Hà Nội dần nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ hành khách đi xe buýt. |
Trợ giá của thành phố với xe buýt được quản lý hiệu quả, mức trợ giá liên tục giảm năm 2014 là 1.078 tỷ, dự kiến năm 2016 là 957 tỷ đồng. Tuy nhiên, VTHKCC bằng xe buýt vẫn còn một số bất cập, tồn tại cần được cải thiện như: Mạng lưới tuyến thiếu ổn định, một số tuyến chưa hợp lý về lộ trình, độ dài chưa hấp dẫn người đi xe; biểu đồ vận hành vẫn đối mặt với nguy cơ bị phá vỡ do ùn tắc giao thông trên tuyến khiến khách phải chờ lâu, hoặc lúc quá vắng khách, lúc lại quá tải vào giờ cao điểm.
Theo kế hoạch năm 2017, Sở GTVT Hà Nội điều chỉnh dịch vụ cho 33 tuyến VTHKCC bằng xe buýt, đưa vào vận hành tuyến BRT và 14 tuyến xe buýt mới đưa tổng số tuyến toàn mạng lên 115 tuyến. Dự kiến sẽ thay thế và đầu tư mới 300 xe buýt. Tăng cường số lượng phương tiện được trang bị wifi từ 15 tuyến lên 40 tuyến.
Tổ chức giao thông theo hướng ưu tiên hơn cho VTHKCC bằng xe buýt, BRT, từng bước tăng vận tốc khai thác của xe buýt. Ngành giao thông Hà Nội nghiên cứu đề xuất tổ chức làn ưu tiên cho xe buýt dự kiến trên 3 đoạn đường: Ngã tư Pháp Vân – Giải Phóng – Ngã tư Đại Cồ Việt; Nguyễn Văn Cừ - Ngô Gia Tự; Phạm Hùng – Khuất Duy Tiến – Linh Đàm./. Hà Nội lúng túng đưa xe buýt nhanh vào hoạt động?