Hà Nội đề xuất phân cấp, ủy quyền đối với 634 thủ tục hành chính

VOV.VN - Hà Nội đề xuất dự kiến sẽ phân cấp, ủy quyền đối với 634 thủ tục hành chính, đạt 35,5% TTHC cấp Thành phố và cấp huyện; 41,65% TTHC cấp Thành phố.

Sáng 12/9, tại kỳ họp thứ 9, HĐND Thành phố khoá XVI đã nghe tờ trình và xem xét Dự thảo Nghị quyết về Đề án phân cấp quản lý nhà nước, ủy quyền trên địa bàn Thành phố; Nghị quyết về phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực kinh tế - xã hội trên địa bàn Thành phố.

Phân cấp, ủy quyền 634 thủ tục hành chính

Trình bày Tờ trình trước HĐND thành phố về Đề án phân cấp quản lý nhà nước và uỷ quyền xây dựng Nghị quyết thay thế Nghị quyết 08 ngày 3/8/2016 của HĐND Thành phố về việc phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực hạ tầng kinh tế xã hội trên địa bàn Thành phố Hà Nội, Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư Hà Nội Đỗ Anh Tuấn cho biết, Thành phố Hà Nội thực hiện phân cấp quản lý nhà nước về kinh tế - xã hội giữa cấp Thành phố và cấp huyện bắt từ năm 2006.

Trong 16 năm qua, HĐND Thành phố đã ban hành 2 Nghị quyết và UBND Thành phố ban hành 8 Quyết định về phân cấp quản lý nhà nước về kinh tế - xã hội. Hiện nay, Thành phố đang thực hiện phân cấp đối với 15 ngành, lĩnh vực theo Nghị quyết số 08/2016/NQ-HĐND ngày 03/8/2016 của HĐND Thành phố và Quyết định số 14/2021/QĐ-UBND ngày 06/9/2021 của UBND Thành phố. Ngoài ra, Thành phố còn thực hiện phân cấp theo các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành do thành phố Hà Nội ban hành; thực hiện phân cấp cho cấp huyện, cấp xã trong các ngành, lĩnh vực theo các quy định tại Luật, Nghị định, Thông tư.

Giám đốc Sở KH-ĐT Đỗ Anh Tuấn cho biết, nội dung trọng tâm của Đề án là xây dựng mục tiêu, nguyên tắc về phân cấp, ủy quyền. Các mục tiêu, nguyên tắc đã được xây dựng rất kỹ lưỡng để đảm bảo đúng luật, khoa học, phù hợp với đặc thù của Hà Nội.

Thành phố xác định các nội dung trọng tâm về phân cấp, ủy quyền và nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới. Tăng tính chủ động cho các quận, huyện, thị xã có nguồn lực tốt, có năng lực tổ chức triển khai. Tăng cường ủy quyền triệt để cho cấp huyện để phát huy tính tự chủ trong triển khai nhiệm vụ. Rà soát, bóc tách các nhiệm vụ quản lý nhà nước, thủ tục hành chính để đề xuất phân cấp, ủy quyền một cách triệt để.

Hiện nay, tổng số thủ tục hành chính của toàn Thành phố là 1.884 thủ tục hành chính, trong đó cấp Thành phố là 1.534 thủ tục (gồm UBND và Chủ tịch UBND Thành phố 384 thủ tục, sở, ngành có 1.150 thủ tục), cấp huyện là 244 thủ tục, cấp xã là 106 thủ tục.

Qua rà soát, tổng hợp, đề xuất dự kiến sẽ phân cấp, ủy quyền đối với 634 thủ tục hành chính, đạt 35,5% TTHC cấp Thành phố và cấp huyện; 41,65% TTHC cấp Thành phố. 

Đối với nhiệm vụ quản lý nhà nước, rà soát các các nhiệm vụ quản lý nhà nước tại các Luật, Nghị định, Thông tư đối với các ngành, lĩnh vực, cấp Thành phố có 1.220 nhiệm vụ; cấp huyện: 358 nhiệm vụ; cấp xã: 173 nhiệm vụ. HĐND Thành phố, UBND Thành phố đã phân cấp cho cấp huyện: 73 nhiệm vụ. UBND Thành phố, Chủ tịch UBND Thành phố đã ủy quyền: 67 nhiệm vụ.

"Riêng việc phân cấp đầu tư, quản lý sau đầu tư 15 lĩnh vực tại Quyết định 14/2021/QĐ-UBND là phân cấp lõi, sẽ tác động đến việc phân cấp trong ít nhất là 14 lĩnh vực/nhiệm vụ khác như: Giao nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư; thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư; thẩm định, phê duyệt dự án; thẩm định, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu; thẩm định, phê duyệt quyết toán; giám sát đầu tư, các nhiệm vụ liên quan xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn, hàng năm, phân bổ ngân sách; như vậy ít nhất khoảng 210 nhiệm vụ chính được phân cấp theo"- ông Đỗ Anh Tuấn cho biết.

Phân cấp bổ sung 9 nhiệm vụ

UBND Thành phố cũng trình HĐND Thành phố ban hành Nghị quyết thay thế Nghị quyết ngày 03/8/2016 với việc bổ sung phân cấp đối với 9 nhiệm vụ so với quy định phân cấp hiện hành liên quan đến: Quản lý tượng đài, tranh hoành tráng; cấp điện chiếu sáng ngõ, ngách cho các quận; lĩnh vực di tích; chợ; nước sạch ở vùng sâu vùng xa; xử lý nước thải tại các khu dân cư không kết nối được với hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung của Thành phố; bến xe, bãi đỗ xe; đèn tín hiệu giao thông; trường THPT.

Thành phố tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với việc thực hiện phân cấp theo ngành, lĩnh vực tại các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã để kịp thời xử lý các vi phạm trong quá trình tổ chức thực hiện.
Đồng thời rà soát về tổ chức, bộ máy, biên chế; rà soát về phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi, định mức phân bổ ngân sách và tỷ lệ phần trăm phân chia các khoản thu giữa các cấp ngân sách của Thành phố; rà soát về thủ tục hành chính để đảm bảo nguồn lực thực hiện phân cấp, giảm thời gian thực hiện các thủ tục hành chính.

Quy định phân cấp quản lý hạ tầng kinh tế - xã hội cho địa phương 

Theo Tờ trình Nghị quyết về phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực kinh tế xã hội trên địa bàn Thành phố, theo đề xuất thời điểm có hiệu lực của Nghị quyết là ngày 1/1/2023. Cụ thể: Bổ sung quy định phân cấp về quản lý tượng đài, tranh hoành tráng: Thành phố quản lý các tượng đài gồm: tượng dài vua Lý Thái Tổ, tượng đài và tranh hoành tráng trong khuôn viên di tích do Thành phố quản lý; cấp huyện quản lý các tượng đải thuộc Thành phố Hà Nội còn lại trên địa bàn.

Phân cấp về cấp điện chiếu sáng ngõ, ngách cho các quận. Điều chỉnh về phân cấp quản lý sau đầu tư đối với lĩnh vực di tích đề phù hợp với thực trạng quản lý hiện nay. Thành phố chỉ quản lý sau đầu tư 10 di tích quan trọng. Phân cấp cho cấp huyện đầu tư các chợ (đối với các chợ sử dụng vốn ngân sách nhà nước) hạng 1, 2, 3.

Phân cấp cho cấp huyện đầu tư, quản lý sau đầu tư đối với công trình xử lý nước thải cục bộ (quy mô dưới 5.000m/ngày đêm) và hệ thống thu gom nước thải trên địa bàn, nhằm xử lý nước thải tại các khu dân cư không kết nối được với hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung của Thành phố.

Phân cấp cho cấp huyện đầu tư, quản lý sau đầu tư hệ thống nước sạch tại vùng sâu vùng xa khu vực nông thôn không thể kết nối với hệ thống cấp nước tập trung; những khu vực chưa có hệ thống cấp nước và không có nhà đầu tư thực hiện xã hội hóa.

Phân cấp lĩnh vực bến bãi đỗ xe: Thành phố quản lý, đầu tư bến xe khách liên tỉnh, bến xe tải theo quy hoạch; quản lý vận tải hành khách công cộng. Cấp huyện quản lý, đầu tư các bãi đỗ xe trên địa bàn theo quy hoạch.

Phân cấp đèn tín hiệu giao thông: Thành phố thống nhất khai thác, vận hành hệ thống đèn tín hiệu giao thông trên địa bàn Thành phố. Thành phố quản lý, đầu tư, bảo trì hệ thống đèn tín hiệu giao thông trên các tuyến đường do Thành phố quản lý; (Sở Giao thông vận tải quản lý tài sản, đầu tư, bảo trì; Công an Thành phố khai thác, vận hành). Cấp huyện đầu tư, quản lý, bảo trì hệ thống đèn tín hiệu giao thông trên các tuyến đường cấp huyện quản lý (Cấp huyện quản lý tài sản, đầu tư, bảo trì; Công an Thành phố khai thác, vận hành).

Phân cấp trong lĩnh vực giáo dục: Phân cấp cho cấp huyện đầu tư, cải tạo sửa chữa, duy tu, bảo trì cơ sở vật chất các trường trung học phổ thông (hiện do cấp Thành phố đầu tư, quản lý sau đầu tư). Cấp Thành phố vẫn thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước của lĩnh vực giáo dục theo quy định của Luật Giáo dục, các Nghị định, Thông tư hướng dẫn trừ việc đầu tư, cải tạo sửa chữa, duy tu, bảo trì cơ sở vật chất các trường.

Trong đó, đề xuất xử lý điều khoản chuyển tiếp: Các dự án đầu tư, cải tạo các trường PTTH (trừ các trường liên cấp công lập có cấp học PTTH) đã được HĐND Thành phố phê duyệt danh mục và kế hoạch vốn tại nghị quyết số 02/NQ-HĐND ngày 08/4/2022 về kế hoạch đầu tư 03 lĩnh vực: giáo dục, y tế, di tích được tiếp tục thực hiện các quyết định của HĐND và UBND các cấp về nguồn vốn đối với từng dự án cụ thể. HĐND và UBND cấp huyện tiếp tục thực hiện thẩm quyền liên quan đến từng dự án theo phân cấp quản lý mới đảm bảo tuân thủ quy định của Luật Đầu tư công 2019.

HĐND Thành phố đã tiến hành thảo luận sau khi nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về nội dung này./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên