Hà Nội đề xuất tất cả các hãng taxi chung một màu sơn từ 2018
VOV.VN - Ngoài chung màu sơn, theo Dự thảo, các xe taxi ở Hà Nội sẽ phải có phần mềm kết nối vận tải như 2 hãng Grab và Uber.
Từ năm 2025, các xe taxi hoạt động ở địa bàn TP.Hà Nội sẽ có chung màu sơn. Ảnh minh họa.
Trước bản Dự thảo quy chế quản lý hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi trên địa bàn thành phố Hà Nội, dự kiến phê duyệt trong năm 2017 của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, đại diện Hiệp hội Taxi Hà Nội và các hãng taxi tỏ ra băn khoăn và lo lắng những bất hợp lý, rủi ro.
Chia vùng cho taxi hoạt động
Bản Dự thảo quy chế quản lý hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi trên địa bàn thành phố đưa ra nhiều quy định cụ thể về quản lý khai thác vận tải hành khách bằng taxi như xe taxi phải có niên hạn không quá 8 năm tính từ ngày sản xuất.
Một điểm đáng lưu ý khác trong dự thảo này là việc tổ chức hoạt động kinh doanh vận tải bằng taxi theo vùng (vùng 1 bao gồm địa giới hành chính các quận trên địa bàn thành phố, vùng 2 gồm địa giới hành chính tại các huyện thị xã còn lại của Hà Nội).
Các xe taxi hoạt động tại vùng 2 khi đưa khách vào các điểm đón, trả khách trong vùng 1 chỉ được trả khách, không được dừng, chờ đón khách tại các điểm đó và ngược lại.
Về vấn đề này, ông Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cho rằng, việc quy định lấy địa giới hành chính để phân vùng phục vụ đối với xe taxi là không khả thi bởi thực tế việc phân định địa giới hành chính giữa các quận, huyện là điều khó khăn, lái xe không phải lúc nào cũng có thể phân biệt được để phục vụ.
“Việc phân vùng phục vụ sẽ càng làm tăng số km rỗng hay không khi các xe ở vùng 1 chở khách sang vùng 2 lại phải quay về vùng 1 để hoạt động. Đi liền với đó, các doanh nghiệp phải tăng bộ máy quản lý, giám sát sẽ làm gia tăng chi phí, giảm sức cạnh tranh,” ông Bình phân tích.
Dự thảo quản lý taxi gây nhiều lo lắng cho các hãng kinh doanh dịch vụ này bởi nhiều quy định mới của Hà Nội. Ảnh Thanh Tuyền. |
Cũng theo dự thảo, từ ngày 1/7/2018, các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi phải sử dụng phần mềm hỗ trợ điều hành xe taxi (đặt/gọi taxi). Dữ liệu phần mềm hỗ trợ điều hành xe taxi được kết nối với dữ liệu thiết bị giám sát hành trình lắp đặt trên xe taxi và kết nối với dữ liệu phần mềm điều hành chung của Trung tâm quản lý điều hành giao thông thành phố.
Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội nhìn nhận, Trung tâm điều hành này sẽ gây lãng phí cơ sở hạ tầng mà các hãng taxi đã đầu tư giám sát, theo dõi lái xe đồng thời đặt ra câu hỏi thành phố có xây dựng lực lượng thanh tra chuyên trách để giám sát hoạt động của trung tâm này.
Chưa kể, trung tâm này nếu được thành lập sẽ làm cồng kềnh thêm bộ máy về con người và tăng gánh nặng cho ngân sách thành phố.
“Những chi phí này do thành phố gánh chịu hay phân bổ cho các doanh nghiệp taxi? Các doanh nghiệp đều có trung tâm điều hành được đầu tư hiện đại, mua phần mềm ứng dụng đặt/gọi xe cho hãng với giá trị lớn, nếu không sử dụng sẽ rất lãng phí vậy thành phố sẽ giải quyết thế nào với trung tâm và ứng dụng này?”, ông Bình tỏ ra băn khoăn và đặt câu hỏi.
Còn đại diện Công ty Cổ phần Mai Linh Miền Bắc lại ví von khi đưa ra quan điểm, quy định của dự thảo phải dùng chung tổng đài chẳng khác nào "cha chung không ai khóc". Các hãng kinh doanh tốt và kém bị đánh đồng như nhau, điều đó triệt tiêu cạnh tranh, làm giảm quyền lợi của người tiêu dùng và có nguy cơ quay lại thời bao cấp.
Taxi Hà Nội sẽ “khoác chung một áo”?
Đối với quy định về đấu giá quyền khai thác kinh doanh, Hiệp hội Taxi Hà Nội cho rằng, doanh nghiệp bị tước quyền tự chủ đầu tư thay thế phương tiện, tự chủ kinh doanh. Việc này làm gia tăng chi phí và tạo tâm lý bất an cho doanh nghiệp.
Phân tích rõ hơn, đại diện các hãng xe taxi cho rằng, với những doanh nghiệp đã ổn định lượng xe thì chuyện thay đổi xe cũ mới không nên kiểm soát. Nếu doanh nghiệp không trúng thầu, xe bị bỏ đi, có thể gây nên tình trạng phá sản. Nhà nước chỉ nên đấu giá các xe tăng thêm so với đề án quy hoạch.
Hoạt động của các hãng taxi ở Hà Nội có thể sẽ được quản lý thông qua phần mềm điện tử, màu sơn, vùng phục vụ. Ảnh NĐT . |
Dự thảo cũng quy định màu sơn xe taxi, đến năm 2018 thống nhất một màu sơn chung. Từ năm 2019-2024, toàn bộ xe taxi thay mới sẽ áp dụng màu sơn chung. Từ 2025, thống nhất áp dụng màu sơn chung đối với xe taxi hoạt động trên địa bàn thành phố.
Về ý tưởng xe taxi “khoác một đồng phục”, nhiều hãng taxi bày tỏ quan điểm phản đối khi lo mất thương hiệu vốn đã gây dựng bao năm và ăn sâu vào tiềm thức từng hành khách để chọn lựa phương tiện của từng hãng.
“Khi màu sơn được đồng nhất thì khách hàng sẽ rất khó nhận diện được logo thương hiệu, đèn mào, số điện thoại riêng của hãng taxi trong khi Hà Nội có tới gần 80 hãng xe taxi. Không những thế, màu sơn taxi chung còn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp làm ăn chụp giật mặc sức tung hoành bởi tại các điểm đỗ taxi công cộng, khách hàng không thể nhớ, phân biệt được các hãng taxi khách đánh giá có uy tín và tin dùng”, lãnh đạo một hãng taxi tại Hà Nội nói.
Còn theo ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, taxi của Việt Nam hiện đã quá lộn xộn, đủ các loại màu, không chuẩn mực như các nước khác. Quy định một màu sơn sẽ hướng tới mục tiêu một loại hình vận tải hiện đại, văn minh. Taxi là loại hình kinh doanh có điều kiện cho nên quy định màu sơn phải thuộc thẩm quyền cơ quan nhà nước.
Theo ông Liên, từ nay đến thời điểm thay màu sơn mới còn khá dài, trong thời gian này, các hãng taxi có thể đăng ký màu sơn và mua xe màu đó để đúng với quy định và lộ trình của thành phố./.