Hà Nội: Hàng ngàn người dự Đại lễ Phật đản tại chùa Quán Sứ

Hôm nay 5/5 (15/4 Âm lịch), tại Hà Nội, chính lễ được tổ chức long trọng tại chùa Quán Sứ (Hà Nội) với sự tham gia của hàng nghìn Phật tử…  

Nhân Đại lễ Phật Đản Phật lịch 2556 (năm 2012), tại nhiều ngôi chùa ở  Hà Nội, ngày lễ trọng đã được tổ chức bắt đầu từ ngày 8- 15/4 (âm lịch) với nhiều nghi lễ của nhà Phật như: Lễ Mộc Dục, Lễ rước ánh sáng trí tuệ, Lễ rước Phật cầu nguyện quốc thái dân an, Lễ tắm Phật, Lễ rước xe hoa….

Hôm nay 5/5 (15/4 Âm lịch), tại Hà Nội, chính lễ được tổ chức long trọng tại chùa Quán Sứ (Hà Nội).

Trang trí kiệu rước Phật

Từ chiều 14/5 âm lịch (một ngày trước lễ Phật Đản chính thức), tại chùa Quán Sứ, hàng trăm tăng ni, phật tử, những người có tâm với Đức Phật đã có mặt chuẩn bị cho ngày Lễ Phật đản. Mọi người thắp nén nhanh tỏ lòng thành kính, người chuẩn bị sân khấu, kiệu, lọng rước Phật…

Bác Phạm Thị Biên (Phố Khâm Thiên - Hà Nội), người đến lễ Chùa Quán Sứ cho biết: “Từ ngày về hưu, tôi thường xuyên đi lễ chùa, làm công đức và cầu mong mọi người trong gia đình được an lành, may mắn".

Sáng 15/4 âm lịch, không khí mừng Lễ Phật Đản rộn ràng khắp các ngôi chùa Hà Nội. Tại chùa Quán Sứ, hàng nghìn tăng ni, phật tử, những người có tâm với Phật từ khắp nơi quy y tam bảo, hương lễ cầu kinh, tưởng niệm đến sự giáng trần và thị hiện của đức Bổn Sư Thích Ca.

Người người ngồi trước cổng chùa Quán Sứ để tỏ lòng thành kính với Đức Phật. Cái nắng gay gắt của những ngày đầu hè oi ả không sao ngăn nổi bước chân của những người mộ đạo về nơi cửa thiền, để nhất tâm thành kính trước đấng tối linh, thắp nén tâm nhang và góp chút công sức chuẩn bị cho ngày Đức Phật ra đời. 

Đoàn xe hoa rước Phật trên phố Lý Thường Kiệt (Hà Nội)

Cụ Nguyễn Đình Thi, 85 tuổi, phật tử tại chùa Quán Sứ cho biết, trước lễ Phật Đản, cụ đã đi hết những ngôi chùa ở Hà Nội. “Hôm nay, tôi đến chùa từ 3 giờ sáng để cùng mọi người chuẩn bị lễ. Đi chùa, theo Đức Phật, tôi thấy tâm thanh thản, người vì thế cũng khỏe ra”. Cụ nói, giọng đầy tự hào.

Trên con phố Lý Thường Kiệt gần chùa Quán Sứ, xe hoa rước Đức Phật nhân ngày Phật Đản từ khắp các ngôi chùa Hà Nội đổ về xếp thành hàng dài. Những bông hoa thắm, thơm, tinh khiết, tượng trưng cho lòng thành kính của Phật tử bốn phương được kết thành đài và gắn lên xe hoa để rước mừng ngày đức Phật độ thế chúng sinh.

Thời tiết oi bức nhưng rất đông tăng ni, phật tử… đã có mặt từ sáng sớm để nghe giảng Phật

Ở Việt Nam, lễ Phật Đản từ lâu đã trở thành lễ hội lớn của dân tộc, được Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức một cách trang trọng. Nhiều người hay gọi ngày Phật Đản là “Mùa Phật Đản” để hoà chung niềm vui cùng mọi người trên khắp thế giới kính mừng ngày Đức Phật ra đời. Đây cũng là dịp để khích lệ truyền thống văn hoá Phật giáo đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa, đồng thời thể hiện rõ chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta nên được tổ chức long trọng, thu hút rất nhiều người tham gia, kể cả những người không có tín ngưỡng Phật giáo.

Lễ Phật Đản diễn ra hằng năm vào ngày rằm tháng 4 (Âm lịch) theo truyền thống Phật giáo để kỷ niệm ngày xuất thế và tưởng nhớ Đức Thế Tôn - người khai sáng đạo Phật. Đức Phật có tên thật là Tất Đạt Đa, là thái tử con vua Tịnh Phạn và hoàng hậu Mada, thuộc bộ tộc Thích Ca, nước Ấn Độ cổ đại.

Đại lễ Phật Đản được lưu truyền từ ngàn xưa cho đến nay. Trước kia một số nước ở Châu Á như: Trung Quốc, Nhật Bản… đều làm lễ Phật đản vào ngày 8/4 âm lịch nhưng đến năm 1950 tại Hội nghị Phật giáo thế giới tổ chức ở Srilanka đã quyết nghị lấy ngày trăng tròn đầu mùa hạ (ngày 15/4 âm lịch) làm ngày kỷ niệm Phật đản chính thức.

Từ năm 1999, Lễ Phật đản đã được Liên Hiệp Quốc công nhận là ngày lễ hội văn hoá tâm linh thế giới, lễ Phật Đản là một trong ba lễ cấu thành Lễ Tam hợp mà Liên Hiệp Quốc gọi là Vesak (lễ Phật đản sinh, lễ Phật thành đạo và lễ Phật nhập Niết bàn).

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên