Hà Nội khẳng định chưa phát hiện “chạy” vào công chức

Tính đến 4/1/2013, Hà Nội chưa phát hiện được trường hợp nào đưa tiền và nhận tiền để “chạy vào công chức, viên chức”.

Chiều 21/1, tại Hội nghị giao ban báo chí thường kỳ, Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Trần Huy Sáng cho biết: Sau khi có dư luận phản ánh về hiện tượng tiêu cực liên quan đến thi tuyển công chức, viên chức trên địa bàn Thành phố Hà Nội thời gian qua, UBND TP đã giao Giám đốc Sở Nội vụ kiểm tra, rà soát lại việc thi tuyển trên, nếu phát hiện có vi phạm kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Giám đốc Sở Nội vụ Trần Huy Sáng (đứng) giải trình

Trước mắt, chỉ kiểm tra việc tuyển dụng viên chức ngành giáo dục năm 2012; thành lập 3 đoàn kiểm tra để kiểm tra công tác tuyển dụng của 3 quận, huyện là Thanh Trì, Ứng Hòa, Hà Đông mà theo phản ánh của dư luận là có tiêu cực trong thi tuyển.

Về kết quả tuyển dụng viên chức ngành giáo dục toàn TP năm 2012, qua đơn tố cáo một số Hội đồng Tuyển dụng đã đề nghị Công an quận, huyện xác minh tổng số 536 trường hợp, trong đó huyện Mỹ Đức đã xác minh tất cả các bằng trung học phổ thông của thí sinh. Kết quả, phát hiện 43 trường hợp giả mạo bằng tốt nghiệp THPT để đi học trung cấp chuyên nghiệp.

Hội đồng Tuyển dụng thị xã Sơn Tây phát hiện 3 trường hợp sử dụng bằng giả để tuyển dụng; huyện Hoài Đức phát hiện 3 trường hợp sử dụng bằng giả để dự tuyển. Trong khi huyện Ứng Hòa kết luận có tác động nâng điểm phần thi thực hành giảng bài của 16 thí sinh dự tuyển chỉ tiêu giáo viên khối tiểu học. Tuy nhiên đến nay chưa phát hiện trường hợp nào có hành vi đưa tiền và nhận tiền trong quá trình tuyển dụng.

Về kết quả kiểm tra do Sở Nội vụ tiến hành tại 3 quận, huyện. Ngày 26/12/2012, 3 đoàn kiểm tra của Sở đã kiểm tra 3 UBND quận, huyện là Thanh Trì, Ứng Hòa, Hà Đông. Đoàn kiểm tra tại UBND quận Hà Đông đã phỏng vấn trực tiếp người tham dự tuyển dụng, gồm 1 người trúng tuyển và 2 người không trúng tuyển. Những người được phỏng vấn đều khẳng định: Hội đồng Tuyển dụng đã thực hiện nghiêm túc các bước theo quy định của pháp luật. Mọi thông tin liên quan đến kỳ tuyển dụng đều đăng công khai, minh bạch tại các điểm công cộng của các trường, các cơ quan liên quan và trên Cổng thông tin điện tử của các quận; thí sinh được tạo điều kiện thuận lợi theo quy định và không thấy có hiện tượng tiêu cực.

Đoàn kiểm tra tại UBND huyện Thanh Trì phát hiện 1 trường hợp sai sót trong tổng hợp điểm xét tuyển của thí sinh dự thi khối mầm non, làm thay đổi kết quả tuyển dụng. Còn đoàn kiểm tra tại UBND huyện Ứng Hòa đã tổ chức kiểm tra và xử lý kịp thời các cán bộ vi phạm trong quá trình tuyển dụng. Ngoài ra, kiểm tra các quận, huyện còn lại, cơ quan chức năng chưa phát hiện được có hồ sơ, tài liệu, chứng cứ nào thể hiện việc cán bộ, công chức tham gia công tác tuyển dụng vi phạm quy định hay lợi dụng chức vụ, quyền hạn để cố ý làm trái hay vụ lợi bất chính.

Như vậy, theo ông Sáng, tính đến ngày 4/1/2013, toàn TP Hà Nội chưa phát hiện được trường hợp nào đưa tiền và nhận tiền để “chạy vào công chức, viên chức” kể cả các trường hợp sai phạm của huyện Ứng Hòa. Tuy nhiên trong quá trình kiểm tra và tự kiểm tra đã phát hiện vẫn còn một số ít cán bộ, công chức, viên chức thiếu ý thức chấp hành kỷ luật, kỷ cương và đạo đức nghề nghiệp, nể nang trong thực thi công vụ (như tại Ứng Hòa). Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều trường hợp thí sinh dùng bằng trung học phổ thông giả để đi học chuyên nghiệp hoặc dùng bằng chuyên nghiệp giả để tham gia tuyển dụng (như tại Mỹ Đức, Thanh Oai, Sơn Tây…)

Đặc biệt đã có người cả tin, bị đối tượng xấu lợi dụng mạo danh lừa đảo, hứa hẹn “chạy giúp vào công chức, viên chức” để chiếm đoạt tiền như trường hợp chị Phạm Thị Thơ, thường trú tại quận Hoàng Mai bị đối tượng Nguyễn Thu Hằng ở xã Dương Hà, huyện Gia Lâm lợi dụng, mạo danh là cán bộ của Sở Nội vụ nhận 280 triệu đồng của chị Thơ và một số người khác để “chạy quyết định vào làm giáo viên trường PTTH Nguyễn Gia Thiều”. Đối tượng Hằng đã có tiền án về lừa đảo đang bị Công an TP hoàn thiện hồ sơ để đưa ra xét xử.

Kết luận về vấn đề này, ông Hồ Quang Lợi – Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy cho biết: Cho đến thời điểm này, Hà Nội chưa phát hiện ra trường hợp nào “chạy” công chức. “Nhưng chưa phát hiện ra không có nghĩa là không có” - Ông Hồ Quang Lợi nhấn mạnh, đồng thời đề nghị các nhà báo nếu có thông tin đáng tin cậy về chuyện “chạy” công chức thì cần công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để mọi người cùng biết. Trong trường hợp vì một lý do nào đó chưa thể công bố được thì đề nghị cung cấp thông tin đến các cơ quan hữu trách của Hà Nội, Thành phố sẽ cương quyết xử lý với các trường hợp sai phạm./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Sẽ truy tố nếu phát hiện “chạy công chức 100 triệu”
Sẽ truy tố nếu phát hiện “chạy công chức 100 triệu”

Ngày 25/12 là hạn chót để Hà Nội trả lời về vụ “chạy vào công chức mất 100 triệu” như phản ánh.

Sẽ truy tố nếu phát hiện “chạy công chức 100 triệu”

Sẽ truy tố nếu phát hiện “chạy công chức 100 triệu”

Ngày 25/12 là hạn chót để Hà Nội trả lời về vụ “chạy vào công chức mất 100 triệu” như phản ánh.