Hà Nội ngày càng ùn tắc nghiêm trọng, vì sao?
VOV.VN - Thời gian gần đây, tình trạng ùn tắc ở Hà Nội ngày càng nghiêm trọng, bất kể giờ giấc; một số cung đường trước đây không xảy ra ùn tắc, thì nay cũng rơi vào cảnh chôn chân tại chỗ.
Gần nửa năm trở lại đây, mỗi sáng, chị Bùi Thu Thủy (ở Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội) thường xuyên phải dời nhà sớm hơn mọi khi bởi cung đường từ nhà đến Đại học Bách khoa thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc.
Có thời điểm, chị Thủy phải đi mất hơn 1 giờ cho quãng đường gần 10 cây số: "Mình thấy từ tuần vừa rồi đi rất là tắc, tắc lắm. Có nghĩa là mình đi từ 7h30 mà có hôm 9h mới đến cơ quan chỗ Bách khoa".
Cùng chung cảm nhận về tình trạng ùn tắc gia tăng thời gian gần đây, một số người tham gia giao thông cũng lo lắng khi công việc bị ảnh hưởng:
"Sau thời gian dịch tới giờ chúng tôi thấy ùn rất nhiều, như mọi khi cảm thấy nó đỡ hơn, chắc chắn thu nhập của chúng tôi kém hơn, vì đường đông, ùn tắc, đi lại chậm chạp hơn nhiều so với trước".
"Không tắc đường thì mình đi mất khoảng 10 phút, nếu tắc đường sẽ mất 30-40 phút, là mình đi muộn".
Không chỉ là cảm nhận của người tham gia giao thông, một kết quả khảo sát của Viện Chiến lược và Phát triển GTVT, Bộ GTVT cũng cho thấy, từ sau khi trở lại cuộc sống bình thường mới, hiệu ứng “lò xo nén” khiến số chuyến đi phát sinh tăng cao.
Khảo sát sơ bộ cho thấy, hiện số chuyến đi bình quân trong ngày của mỗi người đã tăng từ 3,7 lên 3,9 chuyến đi/ngày. Bên cạnh đó, nhu cầu mua sắm phương tiện cá nhân, nhất là ô tô đã tăng từ 11-13% lên mức 17% ở thời điểm hiện tại.
TS Phạm Hoài Chung, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển GTVT cho rằng, cùng với việc gia tăng số chuyến đi trong ngày và tăng số lượng phương tiện cá nhân khiến tình trạng ùn tắc tại Hà Nội ngày càng nghiêm trọng:
"Những chuyến đi dài với cự ly khoảng 5-10km thì phần lớn bị tác động bởi điều kiện giao thông và đa phần có cảm nhận là thời gian chuyến đi bị tăng trong giao thông đô thị trong thời gian vừa qua. Thời gian chuyến đi trước và sau dịch có thể thấy tăng lên khoảng 20%", TS Phạm Hoài Chung nói.
Đánh giá của Phòng CSGT, Công an TP. Hà Nội cũng cho thấy, có nhiều nguyên nhân khiến giao thông Hà Nội gần đây thường xuyên xảy ra ùn tắc. Đó là các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội được khôi phục sau thời kỳ dịch Covid, khiến lượng người đổ ra đường tăng cao hơn nhiều so với khi dịch còn phức tạp.
Tiếp đến là hàng triệu học sinh sinh viên quay trở lại trường, kèm theo người đưa đón làm tăng áp lực giao thông tại các tuyến phố. Cùng với đó, hoạt động du lịch được mở cửa trên cả nước khiến lượng người tham gia giao thông cũng tăng cao hơn rất nhiều so với thời điểm bị đóng băng trước đó.
Ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho rằng, việc cấp phép xây dựng quá nhiều chung cư, nhà cao tầng khiến mật độ cư dân tại đô thị bị nén chặt, càng khiến tình trạng ùn tắc thêm nghiêm trọng: "Những trụ sở các cơ quan trước đây, bây giờ di chuyển đi thì lại làm nhà, cho nên nhà cao vút lên, người tập trung đông lên, như vậy là tập trung đông dân".
Trong khi mật độ người và phương tiện gia tăng, số chuyến đi bình quân trong ngày cũng tăng càng làm cho mật độ ùn tắc dày thêm và kéo dài. Trong khi đó, hệ thống giao thông công cộng chậm được triển khai hoặc chưa thu hút được nhiều người sử dụng.
Chuyên gia giao thông Phan Lê Bình cho rằng, việc điều chỉnh một số luồng giao thông, không cho quay đầu, mà phải rẽ phải hoặc rẽ trái để quay đầu như đang áp dụng tại Ngã Tư Sở và một số nút giao chỉ có tác dụng nhất thời. Khi mật độ phương tiện tăng cao thì tình trạng ùn tắc lại tái diễn.
"Cái chậm trong xây dựng hệ thống giao thông công cộng nó ảnh hưởng quyết định đến vấn đề ùn tắc giao thông của Hà Nội. Còn chuyện điều chỉnh tại nút thế nọ thế kia nó chỉ có tác dụng ngắn hạn thôi. Thứ 2, với hệ thống giao thông công cộng đã hình thành rồi, cụ thể là tuyến BRT và tuyến Cát Linh – Hà Đông thì không nhìn thầy những biện pháp cụ thể để giúp tăng số người sử dụng các tuyến này", Chuyên gia giao thông Phan Lê Bình cho biết thêm.
Trong khi mạng lưới hệ thống giao thông công cộng chậm được đầu tư, phát triển thì các giải pháp tổ chức giao thông cũng chưa thực sự đem lại hiệu quả như mong muốn.
Lý giải về điều này, chuyên gia giao thông Doãn Minh Tâm cho rằng, một số giải pháp tổ chức giao thông do chính quyền Hà Nội đang thực hiện chưa thực sự trúng đích: "Tắc là vì hạ tầng dành cho giao thông tỷ lệ rất nhỏ.
Đã đến lúc ngoài các biện pháp chúng ta đã áp dụng, phải tính đến chuyện quy hoạch lại hệ thống giao thông dành cho ô tô, dành cho xe máy. Hệ thống giao thông hiện nay phát triển rất nhiều, nhưng chủ yếu vẫn là giao thông hỗn hợp. Đây chính là điểm yếu của chúng ta".
Từ cảm nhận của người tham gia giao thông đến kết quả khảo sát xã hội học đều cho thấy tình trạng ùn tắc đang gia tăng đáng kể tại Hà Nội. Ngoài các nguyên nhân căn bản như gia tăng dân số đô thị, tăng lượng phương tiện cơ giới, thì sau dịch, các hình thái giao thông đã khác, nhưng các giải pháp chống ùn tắc dường như chưa tính đến các yếu tố này, khiến các giải pháp chưa thực sự trúng đích./.