Hà Nội: Qui hoạch “bị băm nát” và cái giá phải trả
VOV.VN - Quy hoạch và quản lý quy hoạch đô thị đang bộc lộ những lỗ hổng, khiếm khuyết mà nếu không khắc phục thì sẽ để lại những hậu quả nặng nề.
Thời gian qua, hàng loạt chung cư cao hàng chục tầng đã được cấp phép xây dựng ở Hà Nội, khiến dân số tăng cục bộ, dẫn đến những hệ lụy như tắc đường, quá tải hạ tầng kỹ thuật, quá tải trường học, bệnh viện… Quy hoạch và quản lý quy hoạch đô thị đang bộc lộ những lỗ hổng, khiếm khuyết, bất cập mà nếu không kịp thời khắc phục, thì cái giá phải trả sẽ còn rất nặng nề.
Là một trong những khu đô thị kiểu mẫu, quy hoạch khu đô thị Linh Đàm (thuộc quận Hoàng Mai, Hà Nội) đã được giải thưởng quốc gia về thiết kế kiểu mẫu. Thế nhưng, sau một thời gian Công ty Cổ phần Tập đoàn Mường Thanh ồ ạt xây dựng tổ hợp dự án nhà thương mại giá rẻ mang tên HH gồm 12 tòa chung cư cao từ 36 đến 41 tầng, khu đô thị Linh Đàm đã mất hoàn toàn hình dáng kiểu mẫu trước đó.
Cổng chào khu đô thị Linh Đàm. |
Ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam cho biết: “Khu đô thị mới Linh Đàm 10 năm xây dựng rất tốt nhưng vài năm trở lại đây đã “buông lỏng” để cho một doanh nghiệp vào xây dựng nhà giá rẻ, có 3-4 ha mà xây 12 tòa nhà cao tới 40 tầng, với khoảng 2-3 vạn người. Bây giờ toàn bộ khu Linh Đàm dân kêu ghê gớm, lãnh đạo phường phải kêu với chúng tôi rằng, riêng khu ấy dân đông hơn cả phường trước đây. Từ ngày có thêm khu đô thị đó thì đường tắc thêm 3 lần. Cầu thang của khu đó thì muốn xuống mặt đất phải đi mất khoảng nửa tiếng đồng hồ, nếu quên gì lại phải nửa tiếng nữa mới đi được. Chúng ta không thể đầu tư bằng mọi giá”
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho hay, bản thân ông đã từng trực tiếp đi vào khu nhà HH Linh Đàm, riêng vấn đề đi lại ở từng tòa nhà này đã bất cập, chưa nói đến việc kết nối hạ tầng kỹ thuật, xã hội xung quanh… Người dân phải ở trong những điều kiện như thế thì đó là trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước.
Đô thị hóa là quá trình tất yếu của bất kỳ quốc gia nào. Nếu không tính toán đến các vấn đề quy hoạch, quản lý theo quy hoạch, đảm bảo cơ sở hạ tầng, bảo vệ môi trường thì sẽ phải trả giá nặng nề trong thời gian tới. Mới đây, trả lời báo chí, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội Lê Vinh khẳng định, nhà cao tầng trong nội đô vẫn thực hiện theo đúng quy hoạch.
Hà Nội điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chi tiết Khu đô thị mới Văn Phú
Tuy nhiên, theo Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam Trần Ngọc Hùng, quá trình này đang bị làm ngược do thiếu quá nhiều quy hoạch chi tiết: “Báo cáo của Bộ ghi rất rõ quy hoạch chi tiết năm 2015 đạt 33%, năm nay đạt 35%, 1 năm làm được thêm 2% quy hoạch chi tiết là cực kỳ ít ỏi, nên có nhiều chỗ không có quy hoạch chi tiết, khi có dự án thì phải xin và cho, như vậy thì phá vỡ quy hoạch. Đáng lẽ quy hoạch phải có để hạn chế ngay từ đầu, chiều cao bao nhiêu, chỉ giới đỏ thế nào, bây giờ quy hoạch chi tiết không có nhưng đã cấp dự án rồi, ký xong rồi thì mới làm quy hoạch chi tiết, rồi lại bảo như thế là đúng quy hoạch? Ai quản lý mà lại để như thế?”
Ông Trần Ngọc Hùng nhận định, sau 5 năm Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt, Hà Nội mới ban hành được quy chế quản lý nhà cao tầng. Quy hoạch chung hạn chế chiều cao của các công trình trong nội đô, sau đó Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản yêu cầu rà soát tất cả các công trình cao tầng để tránh ùn tắc, gây áp lực lên hạ tầng giao thông, nhưng Hà Nội vẫn không thực hiện nghiêm túc.
Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà thừa nhận, tổ chức thực hiện theo quy hoạch vẫn là khâu yếu nhất hiện nay. Quy hoạch lần đầu được rà soát rất kỹ, được nhiều cơ quan, tổ chức, xã hội góp ý để đi đến đồng thuận. Tuy nhiên, đến khi điều chỉnh quy hoạch thì chỉ có một vài cơ quan, một nhóm cán bộ thực hiện điều chỉnh. Vì vậy, chất lượng điều chỉnh quy hoạch nhiều khi không kiểm soát được, dẫn tới những hậu quả như ở Hà Nội hiện nay.
“Câu chuyện ở Giảng Võ mà dư luận quan tâm, đó là 10 tòa 50 tầng… , nói lên vấn đề nén của dân số. Quá trình đô thị hóa trên thế giới phải có một số khu vực đô thị được nén ở mức độ rất cao. Chúng ta phải giải quyết câu chuyện nén dân số đồng thời với nén hạ tầng như thế nào? Vấn đề này về mặt lý luận còn chưa giải quyết được một cách thấu đáo. Vừa rồi bộc lộ những lỗ hổng, khiếm khuyết, bất cập trong vấn đề quy hoạch và quản lý quy hoạch đô thị, dẫn tới những hệ lụy. Tôi xin nói là chúng ta chưa có công cụ quản lý để kiểm soát tốt vấn đề này” - Bộ trưởng Xây dựng nói./.
Cảm ơn Thủ tướng!
Lãnh đạo Bộ Xây dựng cho biết, khắc phục những tồn tại trong công tác quy hoạch và quản lý thực hiện theo quy hoạch là một trong những vấn đề ngành sẽ tập trung thực hiện trong năm 2017. Bộ Xây dựng sẽ phối hợp với một số Bộ, ngành kiểm tra công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch ở một số khu đô thị mới, đồng thời kiểm tra việc xây dựng các nhà chung cư cao tầng ở một số khu vực nội đô ở cả Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và một số đô thị khác.
Trong cuộc họp mới đây, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhận định: “Giờ chúng ta phải trả giá vì đã làm quy hoạch băm nát Hà Nội”. Người dân không còn muốn chứng kiến những tòa cao ốc “chọc trời” mọc lên ở nội thành Hà Nội mà phía dưới đó là đường tắc, quá tải, ô nhiễm, ngột ngạt…, càng không muốn chấp nhận những lãnh đạo, cán bộ thiếu cẩn trọng mà cho phép xây dựng chung cư cao tầng, vì những lợi ích nào đó. Việc ngăn chặn phải ngay từ gốc, chứ nếu cứ để nhà cao tầng xây xong, “bóp nghẹt” Thủ đô mới tìm cách xử lý, thì hậu quả sẽ ngày càng nặng nề và khó khắc phục./.