Hà Nội sẵn sàng ứng phó bão số 3
VOV.VN - Nhằm sẵn sàng ứng phó với bão số 3, UBND thành phố Hà Nội yêu cầu các đơn vị, quận huyện lưu ý phương án phòng, chống úng ngập, nhất là khu vực nội thành; thực hiện cắt tỉa cây xanh, bảo đảm an toàn hệ thống đê điều, thủy lợi…
Chủ động phòng chống bão số 3, nhất là khả năng mưa to, gây ngập úng, các công ty thoát nước của thành phố Hà Nội đã huy động hơn 2.400 người, 323 phương tiện, 139 thiết bị sẵn sàng bơm hút chống ngập. Các công ty cây xanh đã cắt tỉa hạ thấp độ cao khoảng 92.000 cây xanh, đạt 65% số lượng cây của thành phố.
Hiện các đơn vị tiếp tục cắt tỉa, đồng thời lên phương án giải tỏa khi cây xanh bị gãy đỗ. Các đơn vị quân đội, công an cũng đã huy động trên 10.700 cán bộ, chiến sĩ, 303 phương tiện tham gia công tác phòng chống, ứng phó và sẵn sàng khắc phục hậu quả bão số 3.
Theo ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, việc ứng phó với bão số 3 đang được toàn thành phố tập trung cao độ: “Thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các đơn bị sẵn sàng trước khi cơn bão xảy ra trên địa bàn. Và Hà Nội tiếp tục các công điện để các lực lượng đảm bảo việc ứng trực”.
Thành phố Hà Nội hiện có hơn 600km đê từ cấp đặc biệt đến cấp 5 và gần 150km đê chưa được phân cấp; gần 33.400 tuyến kênh; 110 hồ chứa… Theo đánh giá, hiện trạng các công trình đê điều, thủy lợi trên địa bàn thành phố đã cơ bản được hoàn thiện.
Để đảm bảo tốt nhất công tác phòng chống bão số 3, UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo vận hành trạm bơm tiêu thoát nước đệm, triển khai các biện pháp hạ thấp mực nước hồ chứa thủy lợi; rà soát dừng thi công các công trình có nguy cơ ảnh hưởng bởi bão, đặc biệt là thực hiện nghiêm công tác cấp phép thi công các công trình liên quan đến đê điều, thủy lợi theo quy định. Đồng thời, yêu cầu ngành chức năng rà soát các khu vực nguy hiểm, xung yếu.
“Duy trì chế độ rà soát hệ thống đê điều thủy lợi cũng như bão dưỡng hệ thống trạm bơm để làm sao phục vụ tình huống khi có mưa lớn, ngập úng xảy ra”, ông Nguyễn Mạnh Quyền, PCT UBND TP Hà Nội nêu rõ.
Ứng phó với bão số 3, các giải pháp ứng phó phải hoàn thành trước 18 giờ tối mai (6/9)
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến thời điểm chiều nay (5/9) thời gian ứng phó bão số 3 chỉ còn 24 tiếng trước khi bão vào đất liền nước ta, vì vậy các giải pháp phải được khẩn trương thực hiện, chuẩn bị tốt nhất các phương án ứng phó với bão, giảm thiểu thiệt hại ở mức thấp nhất. Phóng viên VOV phỏng vấn ông Phạm Đức Luận, Cục trưởng Cục quản lý đê điều và phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về nội dung này.
PV: Thưa ông, theo dự báo, chỉ còn 24 tiếng nữa bão số 3 sẽ đổ bộ vào đất liền nước ta. Vậy trong khoảng thời gian này, đâu sẽ là những giải pháp trọng tâm mà các địa phương cần tập trung triển khai?
Ông Phạm Đức Luận: Năm 2005 cơn bão số 7, cơn bão Damrey có đường đi khá giống với cơn bão số 3 khi đổ bộ vào các tỉnh từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa gây thiệt hại rất nặng nề cho hệ thống đê biển cũng như thiệt hại về người. Chúng ta chỉ còn 24 tiếng vì vậy phải tập trung kêu gọi tàu thuyền, di dời lồng bè, tuyệt đối, không để người dân ở lại trên tàu thuyền cũng như là lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản khi bão đổ bộ. Các khu vực nhà dân không đảm bảo an toàn, nhà bán kiên cố, ở khu vực thấp trũng, ven sông có khả năng khi bão đổ bộ sẽ gây ngập lụt phải di dời đến nơi an toàn.
Các kịch bản với từng cơn bão đổ bộ đã có, các địa phương cần rà soát và lên kế hoạch sơ tán dân, đảm bảo an toàn trước 18 giờ tối mai (6/9). Vì là cơn bão mạnh nên bán kính, vùng ảnh hưởng rất lớn nên tuyệt đối không chủ quan, đặc biệt là khi bão đổ bộ người dân không nên đi ra đường vì lúc này các tôn bay, các cây xanh, biển quảng cáo, cột điện gãy đổ có thể nguy hiểm đến tính mạng người lưu thông trên đường.
PV: Ông nhận định như thế nào về những giải pháp ứng phó với bão số 3 mà các địa phương đã triển khai đến thời điểm này?
Ông Phạm Đức Luận: Qua nắm bắt tình hình thấy rằng các địa phương tích cực triển khai ứng phó bão số 3 như: cử các đoàn công tác do lãnh đạo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xuống tận các cơ sở để chỉ đạo ứng phó với bão như: kêu gọi tàu thuyền về nơi trú tránh, cắt tỉa cành cây, chằng chống nhà cửa. Trong vòng 24 tiếng tới nếu các địa phương nỗ lực hết sức sẽ hoàn thành được những công việc theo như chỉ đạo của Trung ương.
Trong ngày mai (6/9), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ cử các đoàn kiểm tra xuống các địa phương mà vùng tâm bão đi qua như: Hải Phòng, Quảng Ninh, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình. Trong hôm nay (5/9), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cử lãnh đạo các Cục, Vụ, Viện như: trồng trọt, thủy sản, thủy lợi xuống các địa phương cùng triển khai các giải pháp ứng phó với bão.
PV: Xin cảm ơn ông.