Hà Nội sắp xếp lại luồng tuyến xe khách để giảm ùn tắc giao thông
VOV.VN - Hà Nội vừa “chốt” phương án sắp xếp, điều chuyển tổng thể lại luồng tuyến vận tải khách liên tỉnh bằng ô tô và sẽ thực hiện từ 2/1/2017.
Như vậy là sau nhiều lần trì hoãn phương án sắp xếp, tổ chức lại luồng tuyến xe vận tải khách liên tỉnh trên địa bàn thành phố Hà Nội, Sở GTVT Hà Nội vừa chính thức công bố việc điều chỉnh sắp xếp luồng tuyến và sẽ bắt đầu thực hiện từ ngày 2/1/2017. Sự sắp xếp này hy vọng sẽ mang lại thuận lợi và giảm ùn tắc giao thông do có nhiều xe khách đang chạy xuyên tâm hiện nay.
Sẽ không còn xe khách xuyên tâm
Ngày 22/12 vừa qua, Sở GTVT Hà Nội thông báo đến Sở GTVT các địa phương, đơn vị khai thác bến xe trên địa bàn và đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định chủ trương sắp xếp, điều chuyển luồng tuyến vận tải hành khách liên tỉnh bằng ô tô trên địa bàn thành phố.
Việc điều chỉnh luồng tuyến đợt này sẽ chấm rứt việc xe khách chạy xuyên tâm qua thành phố. |
Theo Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội Hà Huy Quang, việc điều chuyển luồng tuyến này theo đúng quy hoạch chi tiết của thành phố, đúng luồng, đúng tuyến, đúng bến và không xuyên tâm thành phố để giảm ùn tắc và TNGT do xe khách gây ra.
“Sở GTVT đã yêu cầu các đơn vị khai thác bến xe ở Hà Nội phải thông báo rộng rãi trong vòng 1 tháng, niêm yết tại các bến xe, trên xe khách và xe buýt về việc sắp xếp để người dân biết, chủ động đi lại khi có sự thay đổi. Toàn bộ danh sách xe khách thuộc diện điều chuyển được gửi cho lực lượng công an và thanh tra giao thông thành phố để xử lý nghiêm minh những xe khách vi phạm”, ông Hà Huy Quang cho biết.
Cụ thể, việc điều chỉnh sắp xếp luồng tuyến sẽ bắt đầu thực hiện từ ngày 2/1/2017. Theo phương án phân luồng mới, các tuyến xe của các tỉnh: Đắk Lắk, Gia Lai, Hà Tĩnh, Nam Định, Nghệ An, Thái Bình, Thanh Hóa, Ninh Bình đang hoạt động tại bến xe: Mỹ Đình, Gia Lâm, Yên Nghĩa, Sơn Tây, Trôi, Phùng sẽ chuyển về bến xe Nước Ngầm.
Các tuyến của các tỉnh: Bắc Kạn, Cao Bằng, Hà Giang, Lai Châu, Lào Cai, Phú Thọ, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Yên Bái đang hoạt động tại các bến Nước Ngầm, Giáp Bát, Yên Nghĩa sẽ chuyển về bến xe Mỹ Đình.
Bến xe Nước Ngầm sẽ tiếp nhận và san sẻ trọng trách giảm tải cho các bến xe Giáp Bát và Mỹ Đình hiện nay. |
Các tuyến của các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Đắk Nông, Điện Biên, Hòa Bình, Kon Tum, Sơn La, Thanh Hóa (các huyện Cẩm Thủy, Ngọc Lặc, Quán Lào, Thọ Xuân, Yên Cát đi theo đường Hồ Chí Minh) đang hoạt động tại các bến xe: Mỹ Đình, Giáp Bát, Gia Lâm, Nước Ngầm sẽ chuyển về bến xe Yên Nghĩa.
Các tuyến xe của tỉnh, thành Hà Nam, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên đang hoạt động tại các bến xe Mỹ Đình, Gia Lâm, Yên Nghĩa, Sơn Tây chuyển về bến xe Giáp Bát; điều chuyển các tuyển của các tỉnh Bắc Giang, Lạng Sơn đang hoạt động tại các bến Yên Nghĩa, Nước Ngầm, Sơn Tây chuyển về bến xe Gia Lâm.
Bến sẵn sàng thực hiện
Thực chất của việc điều chuyển, sắp xếp lại luồng tuyến chính là xe đến từ hướng nào sẽ vào bến đầu tiên của hướng đấy. Hay nói đơn giản hơn, xe khách đến từ các hướng Đông, Tây, Nam, Bắc sẽ vào các bến xe nằm tại các vị trí tương ứng Đông, Tây, Nam, Bắc của Hà Nội.
Như vậy, sẽ không còn có chuyện xe khách từ phía Nam đi xuyên tâm thành phố qua đường vành đai 3 và ngược lại để đón khách như hiện nay. Với phương án này, ước tính mỗi ngày sẽ giảm được hàng nghìn lượt xe khách lưu thông trên đường vành đai 3 và các tuyến đường nội độ, từ đó giảm sức ép giao thông và ùn tắc giao thông do xe khách gây ra.
Tất nhiên với việc sắp xếp lại này sẽ có một vài bến xe bị giảm công suất. Tuy nhiên, hầu hết lãnh đạo các bến đều khẳng định, chấp hành nghiêm và tạo điều kiện để các xe khách được chuyển đến sớm ổn định hoạt động.
Theo ông Nguyễn Như Trúc, Giám đốc bến xe Mỹ Đình, với việc điều chuyển này, số lượng xe vào bến sẽ giảm gần 500 xe sau khi bù trừ, dự kiến lượng khách cũng sẽ giảm 1/3 so với trước đây. Tuy nhiên, bến chấp hành nghiêm chủ trương của thành phố và sẽ sớm ổn định hoạt động cũng như tuyên truyền cho người dân để phục vụ hiệu quả đợt vận tải khách dịp Tết Nguyên đán sắp tới.
Sau đợt điều chỉnh này, hy vọng trước cổng bến xe Mỹ Đình sẽ ít còn cảnh ùn tắc hơn. |
Tại bến xe Nước Ngầm đã hoàn thành mở rộng lên tổng diện tích là 17.800m2, có thể phục vụ hơn 1.000 lượt xe/ngày. Sau khi điều chỉnh, sắp xếp lại, số xe vào bến sẽ tăng gấp đôi so với trước đây.
Theo ông Nguyễn Văn Lập, Giám đốc bến xe cho biết, năng lực của bến có thể đáp ứng cho khoảng 1.100 xe/ngày. Tuy nhiên, khi điều chỉnh xong, số xe hoạt động tại bến vẫn chỉ khoảng 900 xe. Như vậy, bến hoàn toàn có thể đáp ứng được nhu cầu vận chuyển khách hiện tại và khi có nhu cầu tăng thêm về bãi đỗ, bán vé, điểm chờ cho hành khách...
“Phương án của TP. Hà Nội cũng như Sở GTVT Hà Nội đã rất rõ ràng, cụ thể để tránh việc xe khách đi xuyên tâm nội đô gây mất am toàn giao thông và tai nạn giao thông. Chỉ cần thực hiện tốt phương án này, tôi nghĩ tình hình trật tự trong vận tải khách cũng như đảm bảo ATGT trên địa bàn thành phố sẽ ngày càng khởi sắc”, ông Lập khẳng định.
Tương tự, Bến xe Yên Nghĩa hiện có hơn 500 chuyến xe mỗi ngày, sau đợt điều chỉnh này chỉ còn khoảng 300 chuyến. Trong khi đó, công suất bến có thể đáp ứng được khoảng 1.500 chuyến/ngày.
Ông Hoàng Vĩnh Long, Giám đốc bến xe Yên Nghĩa khẳng định sẽ chấp hành nghiêm chủ trương của thành phố, mặc dù lượng xe khách sau khi tính toán chuyển đi và chuyển đến giảm so với trước và hiện đang đạt khoảng 20% công suất bến.
“Việc các xe điều chuyển đến và đi sẽ không ảnh hưởng nhiều đến việc sắp xếp điểm đỗ, đón khách, bán vé cũng như ký kết hợp đồng với các đơn vị vận tải, giảm công suất sẽ khiến bến gặp khó khăn. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ chấp hành nghiêm chủ trương này vì lợi ích chung giảm ùn tắc giao thông thành phố”, ông Long cho biết./.