Hà Nội sẽ đấu giá đất nông nghiệp ở vùng bãi sông Hồng
VOV.VN - Theo lãnh đạo phường Nhật Tân, quận Tây Hồ, Hà Nội, sau khi phương án đấu giá cho thuê đất nông nghiệp tại 2 khu đất cuối ngõ 464 và 264 Âu Cơ được phê duyệt sẽ ký hợp đồng với đơn vị có chức năng đấu giá cho thuê đất nông nghiệp
Báo cáo kết quả xử lý vi phạm pháp luật đất đai, đê điều tại khu vực ngoài đê sông Hồng, Phường Nhật Tân theo Kết luận của Chủ tịch UBND quận Tây Hồ về việc xử lý vi phạm pháp luật đất đai, đê điều tại khu vực ngoài đê Sông Hồng, Chủ tịch UBND phường Nhật Tân Đặng Hữu Tiến cho biết, bên cạnh việc xử lý các vi phạm đất đai, đê điều tại khu vực ngoài đề sông Hồng thuộc phường Nhật Tân quản lý. Đến nay đơn vị đã lập xong phương án đấu giá cho thuê đất nông nghiệp tại 2 khu đất cuối ngõ 464 và 264 Âu Cơ (khu đất đã được UBND phường rào quản lý tại K59 +420, 490, 600, 700 và vườn Táo Cổ). Đồng thời có Tờ trình gửi UBND quận Tây Hồ, Phòng Tài nguyên và Môi trường quận thẩm định, phê duyệt phương án đấu giá khu đất thuê quyền sử dụng sản xuất nông nghiệp gắn với làng nghề truyền thống trồng hoa đào Nhật Tân ở vùng bãi sông.
Theo lãnh đạo phường Nhật Tân, sau khi phương án được UBND quận Tây Hồ phê duyệt, phường sẽ ký hợp đồng với đơn vị có chức năng đấu giá cho thuê đất nông nghiệp.
Sau hơn một tháng thực hiện đợt cao điểm xử lý vi phạm pháp luật đê điều, đến nay, phường Phú Thượng, Yên Phụ, Nhật Tân, Tứ Liên đã tháo dỡ 1.282m hàng rào bằng tôn và 13 cổng sắt, phá dỡ 31 công trình, thanh thải 5.831m3 đất thải, phế thải xây dựng đổ vào lòng sông; lắp dựng 4 cụm mố bê tông ngăn phương tiện đi vào bãi sông đổ trộm phế thải... là những kết quả xử lý vi phạm pháp luật đê điều của quận Tây Hồ thời gian qua.
Cụ thể, UBND phường Nhật Tân đã xử lý vi phạm Luật đê điều tại khu vực 4,3 ha (cuối ngõ 464 Âu Cơ) lập biên bản và ban hành quyết định vi phạm hành chính đối với chủ thể vi phạm ông Hồ Văn Tư, với tổng số tiền là 3.500.000 đồng, di chuyển phần đất màu, khôi phục lại hiện trạng ban đầu khối lượng 156m³.
Đối với khu vực tập tài liệu xây dựng cuối ngõ này, UBND phường đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với chủ thể vi phạm ông Nguyễn Tuyên Quang, với tổng số tiền là 3.500.000 đồng, đồng thời đã thực hiện chuyển toàn bộ đất thải với khối lượng 148,5m³. Tại khu vực Bãi đá Sông Hồng, thực hiện GPMB 487 m³; khu vực vườn táo cổ thụ, UBND xúc đất, khơi thông mương sống với tổng khối lượng 740 m³. UBND phường đã tổ chức xúc, vận chuyển toàn bộ số đất phế thải vi phạm về bãi tập kết theo quy định với khối lượng 2863 m³.
Phường Phú Thượng đã giải tỏa toàn bộ vi phạm trong phạm vi bảo vệ kè Phú Gia, đoạn từ Bến Bạc đến Nhà hàng Tre Place. Phường Phú Thượng đã tháo dỡ 5 công trình với tổng diện tích 171m2, 159m hàng rào làm bằng tôn, 1 cổng sắt, 4 lều gỗ...
Phường Yên Phụ đã vận động một gia đình tự tháo dỡ công trình xây dựng trong hành lang thoát lũ; đang hoàn thiện quy trình tháo dỡ 4 công trình còn lại.
Tại phường Tứ Liên, khu vực cuối ngõ 310 Nghi Tàm, quận Tây Hồ đã chỉ đạo phá dỡ 11 công trình tạm với tổng diện tích 395m2; dỡ bỏ 10 cổng sắt, 121m hàng rào làm bằng tôn, thanh thải 200m3 đất thải, phế thải bị đổ trộm ra khỏi lòng sông. Tại khu vực vườn quất và đê quai, phường Tứ Liên đã tháo dỡ 70m rào làm bằng tôn. Khu vực cuối ngách 39/76 An Dương, phường Tứ Liên đã thanh thải 913m3 đất thải, phế thải xây dựng, tháo dỡ 2 nhà khung sắt và 150m rào làm bằng tôn. Địa phương này đã dựng mố bê tông ngăn phương tiện đổ trộm đất thải, phế thải vào lòng sông, bãi sông...
Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Thanh Tịnh khẳng định, quận chỉ đạo các phường có đất bãi sông lập chốt, bố trí lực lượng tại các cửa khẩu, tăng cường tuần tra để ngăn chặn, xử lý nghiêm phương tiện vận chuyển đất thải, phế thải xây dựng đổ xuống lòng sông, bãi sông; thu hồi diện tích bãi sông sử dụng sai mục đích, vi phạm pháp luật; tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức của người dân về pháp luật đê điều, phòng, chống thiên tai...
“Quận cũng đề nghị các sở, ngành liên quan báo cáo, tham mưu UBND thành phố cho phép quận Tây Hồ lập quy hoạch, tổ chức đấu giá quyền thuê bãi sông để sản xuất nông nghiệp, như: Trồng đào, quất cảnh, hoa... vừa phục vụ nhu cầu của người dân vừa tăng thêm ngân sách, đặc biệt là ngăn chặn hiệu quả việc đổ trộm đất thải, phế thải xây dựng xuống lòng sông, hành lang thoát lũ...”, Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Thanh Tịnh kiến nghị./.