Hà Nội sẽ giảm giá vé buýt city tour hai tầng

VOV.VN -Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho biết, dự kiến đưa ra giá vé buýt city tour hai tầng rẻ hơn phù hợp với nhiều đối tượng.

Chiều 26/6, thông tin về công tác vận chuyển hành khách công cộng (HKCC), ông Ngô Mạnh Tuấn- Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, trên địa bàn Hà Nội mạng lưới tuyến buýt hiện có 112 tuyến, trong đó 92 tuyến buýt có trợ giá; 20 tuyến buýt không trợ giá (9 tuyến nội đô, 10 tuyến buýt kế cận, 1 tuyến buýt city tour), mạng lưới xe buýt bao phủ 411/582 xã, dịch vụ xe buýt tiếp cận khoảng 98% bệnh viện, 100% các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, 86% các khu công nghiệp, trên 90% khu đô thị.

Tổng chiều dài tuyến hơn 3.781 km, sản lượng hành khách 6 tháng năm 2018 đạt 221,5 triệu lượt hành khách.

Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội thông tin về công tác vận tải hành khách công cộng trên địa bàn TP.

Theo kế hoạch năm 2018, Hà Nội mở rộng và nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải HKCC, trong đó mở mới 12-14 tuyến xe buýt (bao gồm các tuyến city tour và xe chạy nhiên liệu sạch CNG); đấu thầu 17 tuyến buýt từ hình thức đặt hàng sang hình thức đấu thầu; đầu tư thay mới 221 xe đạt tiêu chuẩn khí thải euro 4  và CNG…

Dự kiến, từ nay đến cuối năm Tổng Công ty vận tải Hà Nội tiếp tục mở mới 8 -10 tuyến đạt 444/582 xã phường. Sản lượng hành khách dự kiến đạt 470 triệu lượt khách.

Ông Tuấn cho biết, Thành phố đã trợ giá gần 500 tỷ đồng các tuyến xe buýt đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân nội đô thuận tiện.

TP cũng cho phép Công ty Bảo Yến chạy 3 tuyến nhiên liệu sạch với 50 đầu xe, dự kiến trong tháng 7/2018 sẽ chạy trên đường.

Hiện nay việc mở tuyến buýt gom hành khách ở ngoại thành đi ra tuyến chính đang được nghiên cứu để triển khai thuận tiện, thân thiện với hành khách.

Việc lắp đặt các nhà chờ, Sở GTVT đang triển khai đấu thầu tại 12 quận nội thành theo chỉ đạo của TP toàn bộ nhà chờ cũng như điểm chờ xe buýt. Hiện có trên 300 nhà chờ xe buýt, dự kiến đầu thầu 600 nhà chờ xe buýt theo quy chuẩn thống nhất.

Liên quan đến việc thí điểm xe buýt 2 tầng city tour, lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội thông tin loại hình xe buýt này chủ yếu phục vụ khách du lịch, giá vé cao hơn đi lại bình thường, phải tính toán để đảm bảo thu hồi vốn của doanh nghiệp.

Cũng theo ông Nhật, tuyến city tour với 13 điểm dừng giúp khách tiếp cận 30 điểm danh thắng của Hà Nội. 10 ngôn ngữ khác nhau trên xe. Với vé 24h khách có thể sử dụng không giới hạn thời gian lên xuống.

Qua 1 tháng phục vụ không chỉ khách nước ngoài, khách trong nước cũng có nhu cầu tìm hiểu danh thắng của Hà Nội. Dự kiến đưa ra giá vé rẻ hơn phù hợp với nhiều đối tượng.

Hiện Tổng công ty cũng đang nghiên cứu theo hướng du khách đề nghị city tour hiện chạy 18h đề xuất chạy thêm giờ vào buổi tối bởi Hà Nội về đêm cũng rất rất đẹp.

City tour Hà Nội (Ảnh: BM)

Công chức đi tuyến buýt BRT đạt 50%

Lãnh đạo Sở GTVT đánh giá tuyến xe buýt BRT đảm bảo thời gian đi chuẩn, lộ trình, tiến độ đạt hiệu quả, tuy nhiên nếu được đầu tư thêm 2-3 tuyến nữa thì việc phục vụ hành khách đi lại hiệu quả hơn nữa.

Việc tổ chức tuyến buýt riêng đường Nguyễn Trãi, trước tiên đề xuất cải tạo tuyến đường, tổ chức lại giao thông tuyến đường kết hợp với các tuyến đường sắt cuối năm 2018 đi vào hoạt động để đạt hiệu quả kết nối với tuyến 2A Cát Linh- Hà Đông.

Ông Nguyễn Công Nhật, Phó Tổng Giám đốc Công ty Vận tải Hà Nội cho biết, tỷ lệ cán bộ công chức đi xe buýt thường 20-25%, còn lại học sinh viên. Tuy nhiên, đi xe buýt BRT tỷ lệ cán bộ công chức đạt 50%. Buýt BRT đi nhanh hơn 20-30% so với xe buýt thông thường. Để thu hút khách thì phải đảm bảo đúng giờ đóng vai trò quan trọng./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên