Hà Nội tổng kết 10 năm thực hiện xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam

VOV.VN - 10 năm qua, mặc dù có nhiều khó khăn, thách thức, song trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, Thủ đô Hà Nội đã ra sức phấn đấu, tạo sự chuyển biến tích cực với những kết quả nổi bật.

Sáng 6/11, Thành uỷ Hà Nội tổ chức Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33 -NQ/TW ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương khoá XI về xây dựng và phát triển văn hoá con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Báo cáo tại hội nghị khẳng định, trong 10 năm qua, mặc dù có nhiều khó khăn, thách thức, song trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, Thủ đô Hà Nội đã ra sức phấn đấu, tạo sự chuyển biến tích cực với những kết quả nổi bật.

Thành phố Hà Nội luôn chú trọng mục tiêu “Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, phát triển toàn diện, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của Thủ đô và đất nước trong thời kỳ mới” với các chuẩn mực định hướng cơ bản, trong đó nhấn mạnh đến tiếp tục xây dựng thành phố Hà Nội tiêu biểu về lối sống và phong cách ứng xử văn hóa. Để đạt được mục tiêu này, trong nhiều năm qua, thành phố đã tập trung, ưu tiên nhiều nguồn lực cho phát triển con người.

Thành ủy Hà Nội đã chỉ đạo cụ thể hóa việc phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh, được dư luận Nhân dân đồng tình, ủng hộ. Trong đó, Thành ủy đã ban hành Chỉ thị 11-CT/TU ngày 3/10/2012 của Thành ủy Hà Nội (khóa XV) về “Tiếp tục thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới trên địa bàn thành phố Hà Nội”; ban hành Chỉ thị số 30-CT/TU ngày 19/02/2024 “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”; “Quy tắc ứng xử của cán bộ công chức, viên chức trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội" và "Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn Thành phố”; đưa vào giảng dạy bộ tài liệu "Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh Hà Nội”, “Giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa địa phương" trong nhà trường và nhiều mô hình gia đình, làng, tổ dân phố, khu dân cư, đơn vị văn hóa được xây dựng góp phần thiết thực xây dựng nếp sống văn hóa Hà Nội.

Việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh là nhiệm vụ được Hà Nội đặc biệt quan tâm trong quá trình xây dựng và phát triển Thủ đô. Đây là một trong năm nhiệm vụ chủ yếu của Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020 - 2025) được Đảng bộ thành phố Hà Nội đề ra, xác định đây là khâu đột phá trong thực hiện Chương trình 06-CTr/TU về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2020-2025”.

Công tác quy hoạch và quản lý Nhà nước về văn hóa ngày càng đi vào nền nếp, từng bước nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý. Chú trọng thể chế hóa, tạo hành lang pháp lý cần thiết cho hoạt động văn hóa, thu hút mạnh mẽ nhiều nguồn lực của xã hội tham gia vào tiến trình thúc đẩy quá trình xây dựng đời sống văn hóa cơ sở... Hà Nội là đơn vị đi đầu trong cả nước tiến hành tổng kiểm kê, bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể góp phần làm rõ hơn bản sắc văn hoá Thủ đô nghìn năm văn hiến. Hiện nay, thành phố có 5.922 di tích, trong đó có 1 di sản thế giới, 20 di tích quốc gia đặc biệt, 1.163 di tích cấp quốc gia, 1.500 di tích cấp thành phố và 3.238 di tích.

Công tác bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa Hà Nội được chú trọng. Nhiều công trình văn hóa được đầu tư, tôn tạo và phát huy vai trò đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống tinh thần của Nhân dân Thủ đô. Hà Nội đi đầu trong cả nước tiến hành tổng kiểm kê, bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể góp phần làm rõ hơn bản sắc văn hoá Thủ đô nghìn năm văn hiến.

Thành phố luôn quan tâm chăm lo và phát huy được trách nhiệm, tình yêu Hà Nội của đội ngũ văn nghệ sỹ, trí thức, cộng đồng xã hội trong việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Hà Nội.

Tại hội nghị, các đại biểu đã tham luận làm rõ thêm các nội dung về “Đổi mới tư duy lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững Thủ đô”; “Vai trò xung kích của Đoàn thanh niên trong thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về "Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”; “Giải pháp xây dựng mô hình hệ sinh thái học tập sáng tạo ở các cấp học trên địa bàn Thành phố Hà Nội”; “Phát triển các chương trình du lịch trải nghiệm tại di tích Nhà tù Hỏa Lò góp phần đưa lịch sử đến gần người dân Thủ đô”; “Bảo tàng sinh thái Bát Tràng"...

Tham luận tại hội nghị về nội dung Đổi mới tư duy lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững Thủ đô, đại diện Thị uỷ Sơn Tây nêu, Thị ủy đã cụ thể hóa Nghị quyết số 33 bằng các nghị quyết, chương trình hành động, kế hoạch cụ thể, đặc biệt trong các chương trình công tác toàn khóa của Thị ủy đều có chương trình công tác riêng về phát triển văn hóa, con người. Để phát huy và khai thác tối đa nguồn lực trên lĩnh vực văn hóa, con người, Thị ủy đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Nghị quyết chuyên đề thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TU ngày 19/02/2024 của Ban Thường vụ Thành ủy về “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”.

Nét đặc sắc của văn hóa Sơn Tây - xứ Đoài được thể hiện ở hàng loạt các dis ản văn hóa vật thể và phi vật thể. Thị xã Sơn Tây đã có nhiều nỗ lực để tập trung phát huy các giá trị văn hóa trong phát triển du lịch, coi đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để xác lập vị trí mũi nhọn của “ngành công nghiệp không khói”, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm Nghị quyết số 09-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội về phát triển công nghiệp văn hóa và là nền tảng để xây dựng Sơn Tây trở thành đô thị vệ tinh của Thủ đô với chức năng: Đô thị văn hóa - lịch sử, du lịch nghỉ dưỡng, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững Thủ đô. Tổ chức thành công nhiều sự kiện, chương trình văn hóa đặc sắc tạo nên nhiều không gian văn hóa mới, lành mạnh, thu hút đông đảo người dân trong và ngoài Thị xã tham gia như: Khai mạc Năm du lịch Sơn Tây - xứ Đoài, khai trương phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây, tổ chức chương trình Tết Làng Việt, kỷ niệm 200 năm Thành cổ Sơn Tây, Đêm hội trăng rằm Trung thu Thành cổ, Lễ hội khinh khí cầu Bình minh trên Thành cổ, Giải vật dân tộc tranh cúp Phùng Hưng...

Đến nay, Sơn Tây đã xây dựng được nhiều sản phẩm, không gian văn hóa sáng tạo, mô hình làm du lịch mới tại các điểm du lịch, như: trải nghiệm làm nông nghiệp, làm gốm, vẽ tranh; ẩm thực cỗ Sen, cơm quê tại các nhà cổ, cho thuê trang phục, xe đạp, chụp ảnh, homestay, tổ chức phiên chợ Làng Mô, chợ đêm Làng cổ...

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong khẳng định, văn hóa Thủ đô đóng góp vai trò quan trọng, không chỉ trực tiếp mà theo thời gian, nhận thức về vai trò, vị trí, tầm quan trọng, ý nghĩa của văn hóa và phát triển con người của Hà Nội ngày càng sâu sắc, toàn diện, cập nhật xu thế phát triển của thế giới.

Theo Phó Bí thư Thành ủy, khi có Nghị quyết 33-NQ/TW, Hà Nội đã triển khai nghiêm túc, vận dụng sáng tạo trên tinh thần nêu cao vai trò, trách nhiệm của Thủ đô. Theo đó, không chỉ thực hiện nghiêm mà thành phố còn rất sáng tạo, bám sát yêu cầu tình hình thực tiễn của Thủ đô. Cụ thể, đã ban hành nhiều chủ trương, nghị quyết, quyết sách như: ban hành 2 bộ tiêu chí góp phần xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; Hà Nội là địa phương mạnh dạn đưa môn giáo dục nếp sống thanh lịch văn minh của người Hà Nội vào hệ thống giáo dục phổ thông, trong đó có nội dung Hà Nội học vào các nhà trường, đưa thí điểm sân khấu vào học đường để giáo dục học sinh.

Hà Nội cũng là là địa phương đầu tiên ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 22/2/2022 về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Từ khi ban hành đến nay, lĩnh vực công nghiệp văn hóa đã xác định đúng, trúng các tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô.

Theo Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong, dù đã đạt được những kết quả tích cực nhưng chưa đồng đều giữa các địa phương. Nguyên nhân do nhận thức của cấp ủy, chính quyền, đặc biệt là các đồng chí đứng đầu chưa nhận thức, đánh giá hết về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của văn hóa đối với sự phát triển bền vững của mỗi địa phương, đơn vị.

Ông Nguyễn Văn Phong đề nghị Ban Cán sự Đảng UBND thành phố, Sở Văn hóa - Thể thao, các sở, ban, ngành của thành phố quan tâm lãnh đạo để sớm cụ thể hóa Luật Thủ đô 2024 trên lĩnh vực văn hóa, giáo dục, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Phải xây dựng và phát triển văn hóa Hà Nội thực sự tiêu biểu cho văn hóa cả nước với việc triển khai các nhóm nhiệm vụ, giải pháp rất quan trọng về phát triển văn hóa, con người...

Trong dịp này, Ban Thường vụ Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội đã trao tặng Bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành T.Ư Đảng (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh: Vì sao chưa được như mong muốn?
Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh: Vì sao chưa được như mong muốn?

VOV.VN - Càng gần đến ngày kỷ niệm 70 năm ngày giải phóng Thủ đô (10/10), hàng triệu trái tim lại hướng về Hà Nội với rất nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa. Trong số đó có không ít hội nghị, hội thảo, diễn đàn… bàn về việc xây dựng người Hà Nội văn minh, thanh lịch; coi đây là động lực quan trọng để phát triển Thủ đô.

Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh: Vì sao chưa được như mong muốn?

Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh: Vì sao chưa được như mong muốn?

VOV.VN - Càng gần đến ngày kỷ niệm 70 năm ngày giải phóng Thủ đô (10/10), hàng triệu trái tim lại hướng về Hà Nội với rất nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa. Trong số đó có không ít hội nghị, hội thảo, diễn đàn… bàn về việc xây dựng người Hà Nội văn minh, thanh lịch; coi đây là động lực quan trọng để phát triển Thủ đô.

Trao giải báo chí phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh
Trao giải báo chí phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh

VOV.VN - Tối nay (28/9), tại Hoàng thành Thăng Long Hà Nội Thành ủy Hà Nội trang trọng tổ chức Lễ trao Giải báo chí về phát triển văn hóa và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh lần thứ VII - năm 2024.

Trao giải báo chí phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh

Trao giải báo chí phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh

VOV.VN - Tối nay (28/9), tại Hoàng thành Thăng Long Hà Nội Thành ủy Hà Nội trang trọng tổ chức Lễ trao Giải báo chí về phát triển văn hóa và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh lần thứ VII - năm 2024.