Hà Nội vẫn thí điểm cấp CMND có tên cha mẹ
Việc thực hiện thí điểm trên 3 quận, huyện của Hà Nội là Hoàng Mai, Tây Hồ, Từ Liêm sẽ bắt đầu từ tháng 9 tới.
Thông tư 27 của Bộ Công an về việc cấp chứng minh nhân dân mới có ghi tên cha, mẹ bắt đầu từ ngày 1/7 đã gây nhiều phản ứng khác nhau. Tuy nhiên, lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát Quản lý Hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an, khẳng định vẫn tiến hành triển khai cấp chứng minh nhân dân theo mẫu mới. Theo đó, việc thực hiện thí điểm trên 3 quận, huyện của Hà Nội là Hoàng Mai, Tây Hồ, Từ Liêm sẽ bắt đầu từ tháng 9 tới.
Theo Thông tư 27/2012 của Bộ Công an, chứng minh nhân dân mới có kích thước chuẩn quốc tế (85,6 mm x 53,98 mm) được làm bằng nhựa. Mặt trước có những thông tin cơ bản của công dân như họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, dân tộc, quê quán, nơi thường trú.
Mẫu chứng minh nhân dân mới có 12 con số tự nhiên so với mẫu cũ chỉ có 9 số, do Bộ Công an cấp và quản lý thống nhất trên toàn quốc. Thời hạn của chứng minh nhân dân mẫu mới vẫn giữ nguyên như cũ là 15 năm. Đặc biệt là mặt sau của chứng minh nhân dân có mã vạch hai chiều, dấu vân tay ngón trỏ trái và phải, đặc điểm nhận dạng, họ và tên cha, họ và tên mẹ.
Mặt sau của mẫu chứng minh nhân dân mới |
Thiếu tướng Trần Văn Vệ, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Quản lý Hành chính về trật tự an toàn xã hội, Bộ Công an cho biết: Chứng minh nhân dân mẫu mới có nhiều cải tiến không chỉ thuận tiện trong công tác quản lý đối với các cơ quan nhà nước trong đó có ngành công an mà còn với cả người dân.
Nếu để tên cha, mẹ trên chứng minh nhân dân thì người dân sẽ thuận lợi trong một số giao dịch hàng ngày như giao dịch tại ngân hàng, thừa kế, mua bán…, ngoài ra còn xác định chính xác nhân thân của người đó khi cần phân loại, truy xét.
Bởi trên thực tế, có nhiều trường hợp, một người cùng một lúc có hai số chứng minh nhân dân hoặc có trường hợp nhiều người trùng nhau cả họ, tên và chữ đệm. Nhưng nếu thêm tên cha, mẹ vào thì chắc chắn sẽ không có chuyện nhầm lẫn về nhân thân giữa hai con người.
“Việc làm mẫu chứng minh thư mới không có gì sai và chúng tôi nghiên cứu rất nghiêm túc các ý kiến phản hồi từ nhiều phía. Chúng tôi vẫn quyết định triển khai làm chứng minh nhân dân theo mẫu mới. Tôi cho rằng việc đưa tên tuổi cha mẹ vào chứng minh không ảnh hưởng gì như mọi người nói. Theo tôi làm là để quản lý xã hội tốt hơn”, Thiếu tướng Trần Văn Vệ khẳng định.
Cũng theo Thiếu tướng Trần Văn Vệ, tuy Thông tư 27 quy định như phải ghi tên cha, mẹ, nhưng đối với một số trường đặc biệt, “nhạy cảm” như: Người đó không có hoặc không rõ tên cha, mẹ như con ngoài giá thú, con sinh ra theo phương pháp thụ tinh nhân tạo hay con nuôi… thì không bắt buộc phải khai tên cha, mẹ.
Sau khi triển khai rút kinh nghiệm tại 3 quận, huyện, thành phố Hà Nội sẽ thực hiện cấp mới chứng minh nhân dân trên toàn địa bàn thành phố. Tùy tình hình cụ thể, Bộ Công an sẽ quyết định sẽ triển khai trên cả nước hay không./.