Hà Nội xác định cải cách hành chính là khâu đột phá

VOV.VN - Thành phố đã xác định đúng vị trí và tầm quan trọng của CCHC là 1 trong 2 khâu đột phá

Tại Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XVI, ông Trần Huy Sáng, Giám đốc Sở Nội vụ đã trình bày tham luận với nội dung: “Thực hiện cải cách hành chính đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh CNH-HĐH và hội nhập quốc tế”.

Tham luận nhấn mạnh, trong nhiệm kỳ qua, công tác cải cách hành chính (CCHC) luôn được Thành phố quan tâm chỉ đạo, quán triệt tới các cấp, các ngành. Chỉ số CCHC của Thành phố do Bộ Nội vụ công bố đạt kết quả rất cao theo từng năm: năm 2012 đứng thứ 7/63 tỉnh, Thành phố; năm 2013, đứng thứ 5/63 tỉnh, Thành phố và năm 2014 đứng thứ 3/63 tỉnh, Thành phố (là 1 trong 3 đơn vị dẫn đầu cả nước về xếp hạng Chỉ số CCHC). Công tác CCHC của Thành phố đã có sự chuyển biến tích cực góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. 

Bộ phận một cửa giải quyết thủ tục tiện lợi cho người dân.

Kết quả to lớn trên là do Thành phố đã xác định đúng vị trí và tầm quan trọng của CCHC là 1 trong 2 khâu đột phá, đặc biệt xác định được chính xác nội dung của khâu đột phá, đó là:

Thứ nhất, 5 năm qua, Thành phố tiếp tục rà soát cải cách TTHC, trong đó quan tâm đến TTHC ở cấp cơ sở xã, phường, quận, huyện; quan tâm đến các TTHC liên thông giữa các cấp, ngành để làm rõ trách nhiệm của các cơ quan có liên quan. Các thông tin về TTHC được công khai đầy đủ, thường xuyên, rõ ràng, đúng địa chỉ, dễ khai thác sử dụng bằng các hình thức phong phú, thiết thực và hiệu quả. Đến nay, tổng số TTHC công khai trên Cổng giao tiếp điện tử Thành phố là 1.749 thủ tục, trong đó thẩm quyền giải quyết của các sở, ban, ngành Thành phố là 1.349 TTHC; cấp huyện là 271 TTHC; cấp xã là 129 TTHC. UBND Thành phố đã công bố ban hành mới, sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ hoặc bãi bỏ 757 TTHC.

Đặc biệt, Thành phố là một trong những địa phương tiên phong đi đầu triển khai thực hiện Đề án: Thí điểm thực hiện cơ chế một cửa trong việc cung cấp dịch vụ công tại một số doanh nghiệp nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Thành phố như: Trung tâm Giới thiệu việc làm và Công ty TNHH một thành viên nước sạch số 2. Sau một thời gian đi vào hoạt động, mô hình thí điểm trên đã khẳng định hiệu quả, tăng tính minh bạch, thay đổi phương thức làm việc của doanh nghiệp nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập, tạo sự chuyển biến tích cực về tinh thần, thái độ và chất lượng phục vụ của đội ngũ viên chức bước đầu đã tạo được niền tin đối với tổ chức, công dân. 
Thứ hai, Để đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh CNH - HĐH và hội nhập quốc tế của Thủ đô, một trong những nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức Thủ đô. Nhiệm kỳ qua, Thành ủy, HĐND, UBND và các cấp chính quyền của Thành phố luôn quan tâm đến việc thực hiện nghiêm kỷ cương hành chính. Thành phố đã chọn năm 2013 là năm kỷ cương hành chính, năm 2014 và 2015 là trật tự và văn minh đô thị. Thành phố tổ chức nhiều Đoàn kiểm tra, giám sát đã về cơ sở kiểm tra, hướng dẫn, chấn chỉnh thái độ, tác phong của cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ.  

Công tác tuyển dụng công chức, viên chức được thực hiện theo đúng các quy định hiện hành của pháp luật về quản lý sử dụng biên chế. Hà Nội đã đi trước cả nước trong việc đổi mới hình thức tuyển dụng công chức, viên chức ở một số lĩnh vực như: tổ chức xét tuyển giáo viên, tổ chức thi tuyển công chức theo chuyên ngành đào tạo và theo vị trí việc làm.

Thành phố đã xây dựng Đề án nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của hệ thống chính quyền các cấp giai đoạn 2012 - 2016, trong đó đưa ra các giải pháp nhằm kiện toàn tổ chức, tạo sự đồng bộ trong hoạt động quản lý, điều hành của UBND các cấp, các cơ quan chuyên môn trực thuộc; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên có phẩm chất đạo đức tốt, có ý thức trách nhiệm và năng lực hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Thành phố triển khai, thực hiện Đề án “Thí điểm mở lớp đào tạo 1.000 công chức nguồn của Thành phố giai đoạn 2012 - 2015”, coi đây là một trong những khâu đột phá để nâng cao chất lượng đội ngũ công chức của Thủ đô.
Thứ ba, Thành phố thường xuyên quan tâm đến việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT, rút ngắn quy trình, nâng cao chất lượng giải quyết công việc của các cơ quan hành chính nhà nước đối với tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố. Tăng cường giải pháp đột phá để hỗ trợ, thúc đẩy công tác cải cách hành chính như: lắp đặt camêra ở Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả để giám sát việc thực thi công vụ của công chức. 
Đến nay, Thành phố đã cung cấp 100% các dịch vụ công trực tuyến mức độ 2 tại các sở, ban, ngành, cấp huyện, cấp xã; đã triển khai và cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 thuộc 10 nhóm dịch vụ công cơ bản và 72 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 thuộc nhóm dịch vụ đặc thù. Đi đầu trong việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 như: Hải quan Thành phố, Thuế, Công an Thành phố...
Thành phố Hà Nội được xếp hạng thứ hai về ứng dụng CNTT và xếp thứ ba về mức độ sẵn sàng ứng dụng và phát triển CNTT. Việc ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước của Thành phố đã mang lại hiệu quả thiết thực phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Thành phố cũng như phục vụ công dân và doanh nghiệp. 
Để chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, với quyết tâm và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong nhiệm kỳ tới Thành phố tiếp tục xác định cải cách hành chính là 1 trong 3 khâu đột phá: “Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo bước chuyển biến mạnh về kỷ luật, kỷ cương, ý thức, trách nhiệm, chất lượng phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức; cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy, nâng cao hiệu quả đầu tư và sản xuất kinh doanh trên địa bàn Thủ đô”.

Để tiếp tục tạo bước đột phá, trong thời gian tới, Thành phố cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm:

Một là, tiếp tục đầu tư hạ tầng CNTT và ứng dụng CNTT trong quản lý, điều hành và giải quyết TTHC, thực hiện các dự án về CNTT; chú trọng triển khai ứng dụng CNTT trong phục vụ người dân, tổ chức, doanh nghiệp; từng bước xây dựng “Cơ quan điện tử”, góp phần tích cực trong công tác cải cách hành chính.

Hai là, tiếp tục rà soát, đơn giản hóa các TTHC, tập trung ở các TTHC liên thông, nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính và chất lượng dịch vụ công; thực hiện có hiệu quả cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông theo hướng văn minh, hiện đại. Nhân rộng mô hình thực hiện cơ chế một cửa trong việc cung cấp dịch vụ công tại một số doanh nghiệp nhà nước và đơn vì sự nghiệp công lập thuộc Thành phố.

Ba là, đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức; tạo bước chuyển biến mạnh về kỷ luật, kỷ cương, ý thức, trách nhiệm, chất lượng phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công vụ; kiên quyết xử lý những đơn vị, cá nhân vi phạm. Trong mỗi quy trình giải quyết TTHC cần có chế tài khen thưởng công minh, nghiêm khắc./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên