Hà Nội: Xô đẩy, giẫm đạp lên nhau để... cầu an

Đến cửa Phật, ai cũng hứa sẽ làm theo lời Phật dạy, làm những điều tốt đẹp. Nhưng khi mới buông tay cầu, họ sẵn sàng xô đẩy, giẫm đạp lên nhau để thoát ra khỏi đám đông càng sớm càng tốt…

Từ 17h tối ngày 5/2 (14 âm lịch), đường Tây Sơn và đường Thái Thịnh (Hà Nội), đoạn giáp với chùa Phúc Khánh đã đông nghịt người. Hành chục ngàn người từ các nơi đổ về để dự lễ Cầu an do chùa Phúc Khánh tổ chức.

Mọi người đem theo ghế con, giấy báo trải ra kín đường để ngồi giữ chỗ. Trên đoạn cầu vượt trước cổng chùa cũng đông kín người, người lấy xe máy làm ghế, người ngồi ngay ở thành cầu để chuẩn bị cho buổi lễ bắt đầu vào lúc 19h. Thậm chí, nhiều người còn đi từ trưa, đem theo bánh mì, nước uống đi ăn để “giữ chỗ”. Khoảng chập tối, từ trong sân ra đến cổng chùa đã kín chỗ.

Bà Nguyễn Thị Lan (Chùa Bộc, Hà Nội) cho biết, bà đến chùa từ 12h. Bà bảo rút kinh nghiệm các năm trước, đi muộn thì bà không chen vào được: “Tôi già rồi, đi sớm để khỏi phải chen chúc. Với lại đi sớm thì tôi sẽ tìm được chỗ ngồi ngay dưới Ban Tam Bảo, được gần Phật hơn. Năm nào vào ngày này tôi cũng đi lễ vì “Đi lễ quanh năm không bằng đi lễ ngày Rằm tháng Giêng”. Tôi đến chùa để cầu cho gia đình bình an, mạnh khoẻ, gặp nhiều điều may mắn”.

Chen lấn, xô đẩy, nhiều người mất phương hướng....

Đến chùa không chỉ có những người cao tuổi mà phần nửa là các nam thanh, nữ tú và có cả các cháu bé. Bạn Lê Thuỷ Nguyên (ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội) cho biết: “Em đến chùa để cầu may mắn. Em nghe nói chùa Phúc Khánh là nơi khá linh thiêng, nên năm nào có điều kiện em đều đến đây để lễ. Và em cũng nghiệm thấy là đi chùa, mọi việc trở nên hanh thông hơn”.

Càng lúc, dòng người đổ về càng đông. Đến 16h30 thì ngay cả đoạn đường từ cổng chùa ra siêu thị Pico (đoạn đầu đường Thái Thịnh cắt Tây Sơn) và trong Phố Vĩnh Hồ (gần cổng chùa) đã kín người.  Đến cả đi người bộ cũng khó có thể chen chân vào những khu vực này.

Lực lượng bảo vệ an ninh trật tự cũng được bộ trí từ rất sớm. Có đông các lực lượng công an, dân phòng, cảnh sát giao thông… đến đây để làm nhiệm vụ. Xe cảnh sát cũng được điều đến. Lực lượng công an đứng thành hàng rào ở phía dưới đường cầu vượt để giải toả ách tắc, nhường đường cho các xe khác lưu thông.

Ngày hôm nay cũng là ngày “làm ăn” của những người dân sống quanh khu vực này bằng dịch vụ trông xe. Giá xe máy được đẩy lên 20.000 đồng/xe, càng gần đến giờ hành lễ, giá xe nhiều nơi lên đến 30.000-40.000 đồng/xe. Nhiều nơi còn bắt chẹt khách bằng cách phân loại xe “xịn” và không “xịn”.

Đầu giờ hành lễ, tình hình khá trật tự vì có đông lực lượng bảo vệ làm nhiệm vụ và nhắc nhở. Nhưng gần về cuối buổi lễ, mọi người bắt đầu dáo dác, tìm đường để về sớm vì sợ không chen ra được như các năm trước.

Mới đầu là một nhóm nhỏ, rồi như phản ứng dây truyền, mọi người đứng dậy, xô đẩy, giẫm lên nhau để ra bàn xin lộc và tìm cách thoát ra khỏi đám đông. Tiếng la ó, hò hét vì giẫm lên chân nhau, vì mắc kẹt giữa đám đông….

Vài người hoảng hốt vì mất điện thoại, ví tiền…. nhưng đành bất lực vì mất phương hướng giữa đám đông. Nhiều cụ già thở hổn hển, xin những người bên cạnh đừng xô đẩy, nhưng gần như không ai để ý, ai cũng chỉ nghĩ mình phải thoát thân thật nhanh.

Có người người mang trẻ con đi theo, bị xô đẩy giữa biển người chật như nêm chỉ biết van xin để cháu bé có ít… không khí để thở. Thật cám cảnh, tại một số bàn phát lộc, chỉ thấy cảnh “cướp lộc”, ai nhanh tay thì cướp được nhiều.

Cảnh tượng này không phải là lần đầu tiên xảy ra ở đây, mà hầu như năm nào cũng vậy. Mặc dù lực lượng bảo vệ trật tự cũng khá đông và cũng làm hết sức nhưng không xuể vì ý thức của nhiều người đi chùa quá kém.

Thật đáng buồn, bởi đến chùa ai cũng mong cầu bình an cho bản thân, cho gia đình mình, ai cũng chắp tay thành tâm trước cửa Phật hứa sẽ làm theo lời Phật dạy, làm những điều tốt đẹp, sống vì mọi người, đến đây để được “tu nhân, tích đức”.

Nhưng khi mới buông tay cầu, họ sẵn sàng xô đẩy, giẫm đạp lên nhau để tìm cho mình cái lợi gần nhất, là xin được nhiều lộc, thoát ra khỏi đám đông càng sớm càng tốt. Nhiều người còn sẵn sàng chửi rủa, thậm chí giơ tay doạ dẫm những ai cản đường của họ.

Và càng buồn hơn, khi nhớ lại hình ảnh của em bé 9 tuổi người Nhật Bản trong đợt sóng thần ngày 11/3/2011, sẵn sàng trả lại món đồ cứu trợ để xếp hàng chờ đến lượt mình. Tấm lòng của một em bé 9 tuổi, nhiều điều người lớn cần phải học./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên