Hà Nội xử lý hàng loạt dự án vi phạm về sử dụng đất
Hà Nội tiếp tục kiểm tra, đề xuất hướng xử lý đối với hàng loạt các dự án vi phạm quản lý đầu tư xây dựng và sử dụng đất, gây bức xúc dư luận tại địa bàn các quận, huyện: Thanh Xuân, Cầu Giấy, Tây Hồ, Từ Liêm.
Kết quả kiểm tra bước đầu của 4 quận, huyện trên cho thấy, trong tổng số 33 khu đất trên địa bàn, với diện tích khoảng 488.545m2 của 23 chủ đầu tư, có 19 khu đất trống chưa sử dụng, diện tích khoảng 309.368m2; 10 khu đất các chủ đầu tư được giao quản lý nhưng hiện đang sử dụng sai mục đích (làm bãi đỗ xe, sân bóng đá mini, cửa hàng thu gom phế liệu, quán ăn, gara sửa xe ô tô....), diện tích khoảng 159.328m2;…
Có thể liệt kê một số đơn vị có diện tích đất lớn nằm trong diện vi phạm như: Tổng công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội (khu đất bố trí trụ sở các Tổng công ty tại khu đô thị mới Cầu Giấy- khu E, 185.368m2; ô đất A7- khu đô thị mới Nam Trung Yên); Tổng công ty xây dựng Sông Đà (các ô đất thuộc khu đô thị mới Mỹ Đình- Mễ Trì, 61.568m2); Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu Việt Nam- Viinaconex (ô đất ký hiệu HH thuộc khu đô thị Đông Nam Trần Duy Hưng, 50.575m2); Liên danh Công ty CP Xây dựng công nghiệp-ICC và Công ty CP tư vấn kiến trúc đô thị Hà Nội (ô đất NT1- khu đô thị Đông Nam Trần Duy Hưng, 19.416m2); Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Từ Liêm (dự án khách sạn 5 sao và Nhà hát lớn Thăng Long, 69.975m2)…..
Từ thực tế kiểm tra của các quận, huyện, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho rằng, có nhiều nguyên nhân, cả chủ quan và khách quan dẫn đến tình trạng một số dự án đầu tư trên địa bàn chậm triển khai. Đó là một số dự án do phải rà soát, điều chỉnh lại quy hoạch hoặc do chủ đầu tư chưa đủ khả năng tài chính để thực hiện dự án do ảnh hưởng của việc suy thoái kinh tế, mới nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Nhưng đáng lưu ý là một số doanh nghiệp được thành phố giao làm chủ đầu tư các ô đất theo quy hoạch được duyệt, sau khi nộp một số tiền cam kết hỗ trợ ngân sách cho thành phố, tiền đặt cọc để được lập dự án đầu tư đã đề nghị điều chỉnh quy hoạch, không tích cực lập dự án, lập hồ sơ giao đất, cho thuê đất theo quy định (đơn cử là những chủ đầu tư tại khu đất hai bên đường Lê Văn Lương).
Đối với các đơn vị trúng giá quyền sử dụng đất, sau khi được cấp “sổ đỏ” và được bàn giao đất ngoài thực địa đã không triển khai thực hiện dự án để đưa đất vào sử dụng (không liên hệ với các ngành để thỏa thuận quy hoạch tổng mặt bằng, phương án kiến trúc sơ bộ, hướng dẫn lập dự án đầu tư, lập hồ sơ sử dụng đất, cấp phép xây dựng). Hay một số chủ đầu tư được thành phố giao thực hiện giải phóng mặt bằng và xây dựng hạ tầng kỹ thuật, nhưng sau khi làm xong đã sử dụng đất sai mục đích trong thời gian các chủ đầu tư thứ cấp chưa làm thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản để được UBND thành phố giao đất, cho thuê đất.
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Hồng Khanh, mặc dù các sở, ngành chức năng và UBND các quận, huyện đã tích cực triển khai thực hiện kế hoạch của thành phố và Chỉ thị của Thủ tướng Chính Phủ về kiểm tra, kết luận, xử lý, khắc phục các dự án chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn, nhưng do một số nguyên nhân chủ quan và khách quan, trong những năm qua, tình trạng dự án chậm triển khai, vi phạm Luật đất đai vẫn chưa được khắc phục triệt để.
Kiên quyết xử lý trách nhiệm và thu hồi đất vi phạm
Trước mắt, để xử lý nghiêm, dứt điểm các trường hợp vi phạm tại các quận, huyện trên, UBND thành phố Hà Nội giao Sở Kế hoạch - Đầu tư phối hợp với Thanh tra Thành phố và một số sở, ngành liên quan tổ chức kiểm tra, rà soát tiến độ thực hiện đối với các dự án được giao làm chủ đầu tư (được bàn giao đất đã giải phóng mặt bằng, chưa có quyết định giao đất cho thuê đất), đến nay đã quá thời hạn 12 tháng vẫn để đất trống, chưa sử dụng và hiện đang sử dụng sai mục đích tại các khu đô thị.
Cụ thể như: Nam Trung Yên, Đông Nam Trần Duy Hưng, Cầu Giấy; dự án hồ điều hòa Trung Hòa; khu đất hai bên đường Lê Văn Lương; khu đất hai bên đường Phạm Hùng (đoạn từ ngã tư Lê Văn Lương đến đầu đường Phạm Văn Đồng) thuộc quận Cầu Giấy và huyện Từ Liêm; khu đất hai bên đường Lê Đức Thọ - huyện Từ Liêm.
Theo đó, các dự án không triển khai được do nguyên nhân khách quan hoặc lỗi do các cơ quan chức năng Nhà nước thì đề xuất các biện pháp chỉ đạo, tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện; các trường hợp vi phạm, không có khả năng thực hiện thì đề xuất thu hồi quyết định giao chủ đầu tư, tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất theo quy định của pháp luật.
Đối với các dự án do Tổng công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội (HANDICO) làm chủ đầu tư tại khu đô thị mới Cầu Giấy (Thanh tra Thành phố đã quyết định thanh tra tại Quyết định số 2912/QĐ-TTTP(P2) ngày 29/11/2011), UBND Thành phố yêu cầu Thanh tra Thành phố khẩn trương thanh tra việc chấp hành chính sách pháp luật; kết luận, làm rõ việc quản lý, sử dụng đất sai mục đích đối với toàn bộ diện tích đất Tổng công ty được giao để giải phóng mặt bằng, san nền sơ bộ để bố trí trụ sở các Tổng công ty; truy thu tiền cho thuê đất trái mục đích, nộp vào ngân sách Thành phố và yêu cầu hoàn trả mặt bằng khu đất.
Đồng thời, cơ quan Thanh tra này sẽ thanh tra việc quản lý, sử dụng đất tại 10 ô đất các chủ đầu tư được giao quản lý nhưng hiện nay sử dụng sai mục đích; yêu cầu đơn vị cho thuê phải chấm dứt việc cho thuê và nộp số tiền cho thuê sai mục đích vào ngân sách Thành phố, hoàn trả lại mặt bằng đất sạch để chuẩn bị thực hiện dự án đầu tư./.