Hai phía đầu cầu Thanh Trì

Bây giờ và mãi mãi về sau, giải phóng mặt bằng vẫn là vấn đề vô cùng nan giải. Đường dẫn lên cầu Thanh Trì không ngoại lệ.

Dai dẳng đến bây giờ là 2 đường dây điện tà tà lơ lửng .

Sau cơn mưa chiều, cầu Thanh Trì dịu dàng gợi cảm như thể đường phố Hà Nội vào thu. Nắng nhạt dần từ phía Ba Vì. Sông Hồng đang cồn cào mùa lũ. Nắng tắt. Cầu Thanh Trì bừng sáng long lanh như thể một nhánh Ngân Hà vắt ngang sông Hồng. Men theo hai phía lan can ngoài cùng là hai dãy cột đèn. Từ dải phân cách xanh mọc lên hàng cột đèn thứ ba thanh hơn, cao hơn hai dãy phía ngoài. Mỗi cột xòe ra hai bóng cao áp. Khi hoàng hôn buông xuống, dãy đèn bừng sáng, tạo nên cảm giác cầu Thanh Trì xòe muôn đôi cánh bay lên. Vẻ đẹp này, biết đâu sẽ góp phần tôn vinh đêm lễ hội nghìn năm Thăng Long óng ả kiêu sa.

Không gian

Nói gì chuyện mai sau, ngay lúc này đây, cầu Thanh Trì đã là vầng sáng thứ ba giữa lấp lánh sao trời và lấp lánh ánh đèn bồng bềnh trên sóng sông Hồng. Đã là chốn trần gian huyền ảo để Từ Thức có chỗ trở về hạ giới. Tôi vừa chợt nghĩ như vậy, lạ kỳ thay, đã có tiếng nói tiếng cười từ đầu cầu phía nam vọng tới. Toàn nam giới, xấp xỉ ba mươi. Lứa tuổi cường tráng ước mơ, sung mãn hành động, tràn đầy tinh quái để ứng xử với đời trong cơn lốc thị trường. Dễ dàng làm quen, chúng tôi thoải mái hàn huyên.

Anh này quê Phú Thọ, làm việc ở Dự án Thăng Long. Người của Tổng 8, nghe giọng nói biết là dân xứ Nghệ. Làm việc cho Obayshi (Nhật Bản) là một kỹ sư bản địa, thạo cả tiếng Anh và tiếng Nga. Cán bộ của Tổng cầu Thăng Long sinh ra trên quê hương 5 tấn Thái Bình... Quê quán khác nhau, đơn vị khác nhau, nghề nghiệp khác nhau, thu nhập khác nhau... Các anh quen biết nhau, thân nhau bởi cùng gắn bó với cầu Thanh Trì. Hết chuyện trên trời dưới đất, chúng tôi lại hàn huyên về cầu Thanh Trì. Ai đó thả câu thăm dò:

- Vào giờ này, cầu Thanh Trì yên tĩnh lạ thường. Không biết nên buồn hay vui.

- Trước hết là buồn. Cầu đã thông xe. Lối lên cầu vẫn là đường tạm. Nỗi buồn hiện đại phổ biến ở Việt Nam là giải phóng mặt bằng.

Chúng tôi đi về hướng bắc. Đường tạm lên cầu lầy lội hơn đường Trường Sơn mùa mưa. Mặt đường trơ đá hộc. Xen giữa những mô đá hộc là những ổ gà, ổ trâu. Sau quãng dài nước ngập trắng băng là những ổ voi. Phần đệm giữa hai ổ voi là những đoạn đường sống trâu đá dựng gập ghềnh, xe du lịch sàn thấp đành phải chào thua.

Khuất sau rặng điền thanh là bãi tập kết nguyên vật liệu của công trường. Gần 400 dầm bê tông đúc sẵn xếp hàng ngay ngắn đang nôn nao chờ đến lượt mình ra hiện trường. Cầu vượt Gia Lâm một nhịp đã sẫm màu mưa nắng. Cầu qua kênh nội đồng, nước đen như sông Tô Lịch, còn hăng mùi vữa bê tông. Lớn nhất, quan trọng nhất, nhiều khó khăn phiền hà nhất là cầu vượt quốc lộ 5 và đường sắt Hà Nội - Hải Phòng. Hai mươi trụ cầu đã đứng thẳng như những người lính đang tuyên thệ sẵn sàng mang trên vai gánh nặng đường vòng của giao thông Hà Nội.

Ông Matsumoto, Giám đốc dự án của nhà thầu chính Công ty Obayshi (Nhật Bản), đang có mặt ở công trường. Ông nói tiếng Anh lưu loát, song vẫn mang chất giọng Nhật Bản quê nhà. Chúng tôi chuyện trò cởi mở:

- Thưa ông. Cầu Thanh Trì là công trình thứ mấy của ông ở Việt Nam?

- Công trình đầu tiên.

- Xin ông phát biểu đôi điều về công nhân cầu đường Việt Nam?

- Thông minh. Cần cù. Tiếp thu nhanh kiến thức mới, công nghệ mới. Nhiều người không nói được tiếng Anh. Điều này không thuận lợi khi làm việc ở nước ngoài.

- Vợ con ông đã sang thăm Việt Nam?

- Các con rồi sẽ sang. Vợ tôi sang hai lần.

- Bà ấy nhận xét thế nào?

- Lần trước sang một tuần. Lần sau một tháng. Lần sau ở lại dài hơn. Tức là đã nhận xét rất nhiều.

Chia tay chúng tôi, ông hy vọng sớm gặp lại. Đường dẫn bờ nam cầu Thanh Trì dài hơn sáu cây số. Nơi đây nhà cửa chen chúc, lắm ngõ tắt, ngách vòng, nhiều đường ngang dân sinh. Mặt bằng thi công chật hẹp, máy to xe lớn khó bề xoay sở. Đường tạm lên cầu, như có ma, gần nửa đêm vẫn sạch, sáng mai ra đã ngổn ngang phế thải. Công trường dọn không xuể, đành ngửa mặt kêu trời. Cầu vượt Lĩnh Nam, Tam Trinh đã vồng cong thế đất ngoại thành. Mười tám nhịp cầu vượt Pháp Vân trẻ trung hăm hở hướng về đại lộ Phạm Hùng. Cứ đà này, chả mấy chốc nửa vành đai ba Hà Nội nối liền cầu Thăng Long với cầu Thanh Trì.

Có người cho rằng cầu Thăng Long bắc qua sông Hồng có ý nghĩa như thủy điện Hòa Bình trên sông Đà. Hai thành quả của thời kỳ tem phiếu. Thuở ấy, đô thị vật chất đi về cực tiểu, đồ thị tinh thần vươn lên cực đại. Cuộc đời công trường lá rách đùm lá rách mà sao tình đất tình người cao cả thiêng liêng. Bây giờ, cầu Thanh Trì bắc qua sông Hồng có ý nghĩa như thủy điện Sơn La trên sông Đà. Hai thành quả của thời kỳ đổi mới, hội nhập. Hai công trường máy móc hiện đại thay thế lao động cơ bắp giản đơn. Hai địa bàn thực tế góp phần rút ra bài học chiến lược đào tạo lao động cho tương lai. Rút ra bài học ưu thế lao động rẻ liệu có còn phù hợp. Chúng tôi chuyện trò thoải mái.

Tổng giám đốc Ban quản lý Dự án Thăng Long Vũ Xuân Hòa chăm chú lắng nghe, lặng lẽ cười. Từ ngày hợp long cầu Thanh Trì đến nay chúng tôi mới có dịp gặp lại nhau. Hôm ấy, mưa như trút nước. Hôm nay, trời quang mây tạnh sau đêm mưa cuối mùa. Hình như tóc ông bạc hơn. Gương mặt buồn hơn, nụ cười buồn hơn. Chỉ ánh mắt còn lấp lánh thời trai trẻ bắc cầu Thăng Long. Từ cầu Thăng Long đến cầu Thanh Trì, xuôi sông Hồng, đò dọc thuyền nan đưa đẩy mái chèo, chỉ nửa ngày là cập bến. Ca nô cao tốc chỉ nửa buổi là đến nơi. Theo đường bộ, dù tả ngạn hay bên hữu ngạn, từ từ xe đạp, chưa quá một ngày. Bằng xe máy hay ô tô chậm lắm chỉ vài giờ. Vậy mà, từ cầu Thăng Long đến cầu Thanh Trì ông đã đi vòng hết một thời trai trẻ.

Người đời lo bắc cầu qua sông. Riêng ông, ông lo bắc cầu vượt qua chính mình. Ngồi cạnh ông, tôi khẽ hỏi:

- Liệu cầu Thanh Trì có kịp hoàn chỉnh để tạo thêm cảnh quan đẹp cho Hà Nội trong dịp lễ hội ngàn năm Thăng Long?

- Tôi tin là kịp. Như ai đó đã viết, đó là mệnh lệnh của khối óc và cũng là mệnh lệnh của trái tim.

- Các ông định sử dụng gầm cầu dẫn Thanh Trì như thế nào?

 - Sử dụng như thế nào, không phải nhiệm vụ của chúng tôi. Vì sao ông lại nghĩ về gầm cầu?

- Vì gầm cầu Thanh Trì là khoảng không gian góp phần làm đẹp, làm sang Hà Nội.

Nói đến đây, tôi kịp dừng. Thật ra tôi đang nghĩ về gầm cầu Long Biên. Nơi ấy, đã một thời là nơi trú ẩn, là nơi cưu mang những người trung thực, tài hoa thất cơ lỡ vận. Nhà thư pháp danh tiếng Lê Xuân Hòa đã có ngày tá túc nơi đây. Hy vọng mai sau không còn ai, mãi mãi không còn ai phải ăn nhờ ở đợ gầm cầu. Thấy ông trở lại trạng thái đăm chiêu, gương mặt buồn phảng phất nụ cười buồn, tôi ngại hỏi thêm.

Tôi chợt nhớ đến ông già người dân tộc Mường vùng lòng hồ Cửa Đặt. Phải di dời, gia đình ông đã bén rễ xanh cây ở Kon Tum. Tháng giêng năm nay, ông lặn lội từ Tây Nguyên trở về quê cũ miền tây Thanh Hóa chỉ mỗi một việc là thắp hương đền thờ bà Chúa Thượng Ngàn và đền thờ Cầm Bá Thước.

Lễ xong, ông đứng lặng như pho tượng, gương mặt buồn man mác nụ cười buồn vừa gần gũi lại vừa xa xôi. Khi giải phóng mặt bằng, người có trách nhiệm, lo đền bù hợp lý đất đai, nhà cửa, cây cối... cho nhân dân. Nỗi lo này thanh toán sòng phẳng bằng tiền. Người có lương tâm, lo cho nhân dân an cư lạc nghiệp trên quê mới. Nỗi lo này trợ cấp đúng mức bằng tiền. Chỉ có vậy, chưa đủ. Có lẽ cần phải nhớ đến, tính đến những nụ cười buồn của người dân khi phải dời quê.

Nếu ai đó vô tình hoặc tàn nhẫn bỏ qua, trước mắt thì không sao, nhưng về lâu về dài sẽ nguy hiểm vô cùng. Nếu nhớ đến, tính đến, thì phải làm gì. Khó lắm thay. Giá bao nhiêu một nụ cười buồn. Xin thưa, vô giá. Tiền không mua được. Chỉ có thể đổi được bằng tình người đôn hậu thiết tha. Thêm nữa, nếu chỉ biết đến, tính đến những nụ cười vui, công cuộc xóa đói giảm nghèo mới chỉ thành công một nửa. Nửa thành công còn lại, khi chúng ta hiểu cặn kẽ, hiểu sâu xa những nụ cười buồn. Xóa đói giảm nghèo ở khắp mọi nơi, kể cả những người dân, những gia đình trong diện giải phóng mặt bằng. Ngày xưa, có biết bao nhiêu tiếu lâm hiện đại về khai hoang kinh tế mới. Ngày nay, có nhiều giai thoại về giải phóng mặt bằng.

Bây giờ và mãi mãi về sau, giải phóng mặt bằng vẫn là vấn đề vô cùng nan giải. Đường dẫn lên cầu Thanh Trì không ngoại lệ. Có thú vị riêng. Tưởng là giải phóng khu dân cư chi chít ngách dọc ngõ ngang vô cùng phức tạp khó khăn, thực tế lại xuôi chèo mát mái. Ai ngờ, dai dẳng đến bây giờ là hai đường dây điện tà tà lơ lửng không gian. Tiếp đến là trạm bơm của Nhà máy nước Pháp Vân vẫn tiếp tục cằn cỗi già nua trong công việc của mình. Phía trước trạm bơm là nước đọng váng tù. Hoa muống dại bồng bềnh nở tím chiều thu. Phía sau là ngôi nhà xiêu vẹo về phía tàn tạ. Cỏ dại lợp mái nhà. Phía sau cỏ dại là hai cần cẩu quay vòng vàng rực nắng hanh. Xa xa là dãy nhà cao tầng nhôm kính long lanh. Cuối cùng là bầu trời phía tây Hà Nội lồng lộng bao la sắc cốm Vòng. Đâu đó từ mái vòm cầu vượt Pháp Vân văng vẳng lời thuyết minh trong phim Bài thơ biển cả của Đốp-gien-cô từ xa xưa vọng về:

Vẻ đẹp ngày xa đã qua rồi.

Vẻ đẹp ngày mai còn chưa tới

Lúc này đây là chiến trường của vẻ đẹp tương lai./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên