Hải Phòng kêu gọi tàu thuyền về nơi tránh bão an toàn
VOV.VN - Để ứng phó với siêu bão số 3, các địa phương ven biển có nguy cơ bị ảnh hưởng đang khẩn trương ứng phó ở cấp cao nhất.
Ông Đỗ Đức Thịnh, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Thủy sản Hải Phòng thông tin về việc ứng phó với siêu bão số 3, cụ thể là công tác kêu gọi tàu thuyền tránh trú bão ở địa phương này qua cuộc trao đổi với phóng viên Đài TNVN.
PV: Bão số 3 được dự báo là cơn bão có cường độ rất mạnh sẽ đi vào Vịnh Bắc Bộ, trong đó vùng biển Hải Phòng có thể chịu ảnh hưởng trực tiếp. Chi cục Thủy sản Hải Phòng đã tham mưu cho các cấp giải pháp phòng chống bão số 3 như thế nào thưa ông?
Ông Đỗ Đức Thịnh: Cơn bão số 3 năm 2024 được dự báo rất lớn, và phạm vi ảnh hưởng đặc biệt là các tỉnh từ Quảng Ninh, Hải Phòng đến Ninh Bình có nguy cơ cao bão sẽ đổ bộ vào. Trước tình hình đó, thành phố đã họp rất nhiều cuộc, quan tâm. Chi cục Thủy sản đã tham mưu cho Sở Nông nghiệp có những văn bản chỉ đạo đề nghị các địa phương kiểm đếm, thông báo cho các chủ phương tiện và trực tiếp trên hệ thống giám sát tàu cá để gọi điện cho các tàu đang hoạt động trong vùng ảnh hưởng nắm được thông tin, biết hướng di chuyển của bão, cũng như chỉ đạo thời gian cấm biển của thành phố để các tàu về nơi neo đậu tránh trú bão an toàn.
PV: Đến nay, việc kêu gọi tàu thuyền tránh trú bão đạt được kết quả ra sao, thưa ông?
Ông Đỗ Đức Thịnh: 6h sáng hôm nay, tổng số tàu thuyền trên địa bàn thành phố (dài trên 16m) là 918 tàu, 3700 lao động; đến 6h sáng hôm nay có 858 tàu/3152 lao động đã về nơi neo đậu tránh trú bão an toàn. Có 4 phương tiện, 32 lao động đang hoạt động phía Nam ngoài vùng ảnh hưởng của bão nên vẫn đang hoạt động; có 56 phương tiện/516 lao động đang trên đường di chuyển về nơi neo đậu, dự kiến trước 12 giờ trưa nay sẽ về nơi neo đậu an toàn. Thành phố sẽ ban hành lệnh cấm biển vào 11h trưa nay.
PV: Ông có khuyến cáo gì đối với bà con ngư dân để đảm bảo an toàn cho tàu thuyền và ngư dân trước ảnh hưởng của bão số 3?
Ông Đỗ Đức Thịnh: Để đảm bảo an toàn bà con ngư dân không chủ quan, chủ động theo dõi diễn biến của thời tiết. Thứ 2 khi đã về đến bến chú ý việc chằng buộc tàu cá để tránh va đập, tránh sự ảnh hưởng của gió vì gió mạnh sẽ gây ra va đập, chủ động việc chằng buộc và chuẩn bị các thiết bị như lốp để tránh va đập cho các tàu. Và khi bão tan phải đợi thông tin, hết lệnh cấm biển mới tiến hành ra khơi, tránh nôn nóng khi bão mới vào giai đoạn mắt bão nghỉ ra khơi ngay sẽ bị ảnh hưởng.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!