Xuân Hồng kể về cảnh xúc động trong “Đào, phở và piano” khiến cả đoàn phim khóc

VOV.VN - Diễn viên Xuân Hồng, người đảm nhận vai Đội trưởng đội tự vệ trong “Đào, phở và piano” chia sẻ, phân đoạn tưởng niệm những chiến sĩ cảm tử quân đã hy sinh khiến không chỉ riêng anh mà cả đoàn phim đều xúc động.

Là một trong hai phim được Nhà nước đầu tư kinh phí sản xuất và thí điểm chiếu rạp trong dịp Tết Giáp Thìn, phim lịch sử “Đào, phở và piano” đang gây bất ngờ bởi lượng người xem đông đảo.

Phim do đạo diễn Phi Tiến Sơn thực hiện. Bên cạnh dàn diễn viên chính là Doãn Quốc Đam, Cao Thùy Linh, NSND Trung Hiếu, NSND Trần Lực, nam diễn viên Xuân Hồng cũng ghi dấu ấn khi đảm nhận vai Đội trưởng đội tự vệ. Là người nghiêm túc và luôn vì lợi ích của toàn đội, khi nhân vật của Doãn Quốc Đam xung phong đi lấy đạn dược, anh có nhiều ngờ vực, cuối cùng chọn tin vào cậu tự vệ ngoan cường.

Xuân Hồng hiện anh đang là diễn viên của Nhà hát Kịch Hà Nội. Anh từng tham gia một số vở kịch như: Chùm hài “Người giàu cũng khóc”, “Đôi mắt”, “Trương Chi Mỵ Nương”, “Kẻ trộm”, “Làng song sinh”, “Kiều”,… Trong đó, vai diễn anh em Bang, Báng trong vở “Làng song sinh” đã mang về cho Xuân Hồng tấm Huy chương bạc tại Liên hoan Kịch nói toàn quốc năm 2021.

Ngoài diễn kịch, những năm gần đây, Xuân Hồng thường xuyên xuất hiện trong nhiều dự án truyền hình được khán giả yêu thích như: “Quỳnh búp bê”, “Một thời khổ cực”, “Tình yêu và tham vọng”, “Mặt nạ gương”, “Đấu trí”…

PV: Lần đầu tiên phim lịch sử do Nhà nước đầu tư kinh phí sản xuất như "Đào, phở và piano" gây "sốt" tại rạp chiếu và gây xôn xao dư luận, là một phần của bộ phim, anh có bất ngờ?

Xuân Hồng: Thật ra ngay từ ban đầu, anh em trong đoàn phim cũng được biết “Đào, phở và piano” là phim Nhà nước đặt hàng. Thường thì những bộ phim này chỉ chiếu vào những dịp kỷ niệm quan trọng hoặc các kỳ liên hoan phim hoặc chiếu miễn phí phục vụ nhiệm vụ chính trị và không được nhiều khán giả biết đến. Chính vì thế, khi bộ phim ra rạp và bất ngờ được khán giả ủng hộ nhiệt tình thì đó là niềm vui của mọi người trong đoàn phim, cũng như niềm vui của cá nhân tôi, khi mà mình cũng có một đóng góp nho nhỏ trong ekip sáng tạo của bộ phim.

Và vui hơn nữa khi khán giả đến xem phim ngoài những người lớn tuổi còn có rất nhiều các bạn trẻ. Các bạn xếp hàng dài trực tiếp đợi mua vé hoặc chấp nhận ngồi hàng đầu để được thưởng thức bộ phim. Điều đó cho thấy các bạn trẻ rất quan tâm đến lịch sử dân tộc. Những ngày cuối cùng trong cuộc chiến 60 ngày đêm tại Hà Nội vào mùa đông năm 1946 thực sự là một bản hùng ca rực lửa mà mọi người không thể lãng quên.

Còn bây giờ thì tôi chỉ mong phim có thêm nhiều suất chiếu hơn nữa để đông đảo khán giả có thể thưởng thức bộ phim.

PV: Trên truyền hình, anh thường gắn liền với những vai phản diện. Vậy vai diễn của anh trong “Đào, phở và piano” có gì khác biệt?

Xuân Hồng: Trong “Đào, phở và piano”, tôi vào vai đội trưởng đội tự vệ, một trong những người còn lại của Hà Nội khi tất cả mọi người đã sơ tán hết rồi. Pháp cũng bắt đầu tiến quân ồ ạt. Những người này là dân quân tự vệ, họ lại là chốt chặn cuối cùng của Hà Nội. Họ phải vận dụng tất cả những thứ mình có, từ bàn ghế, giường tủ, các vật dụng sinh hoạt hàng ngày để ngăn Pháp tiến quân… Nhân vật của tôi mang một tâm lý bức bối, cáu kỉnh, lúc nào cũng phải gồng mình lên để làm công tác tư tưởng, động viên tinh thần cho anh em để họ không bị chán nản.

Đúng là trên truyền hình, mọi người thường thấy tôi đóng vai phản diện, những vai kiểu như trí thức, thư ký hay trợ lý, không nghĩ là trong phim này tôi lại vào vai tử tế thế (cười). Thực ra ở Nhà hát Kịch Hà Nội, tôi cũng có đảm nhận những dạng vai ngay ngắn, chỉn chu như thế này rồi nhưng ít được truyền thông nên mọi người không biết. Đến khi xem “Đào, phở và piano”, mọi người cũng bất ngờ khi thấy Xuân Hồng lần này khác lạ, chững chạc thế.

PV: Anh đã chuẩn bị những gì cho vai diễn này?

Xuân Hồng: Vai diễn này đến với tôi cũng là một cái duyên. Đạo diễn Phi Tiến Sơn mời tôi đóng vai này nhưng có 2 yêu cầu, một là phải bỏ kính, hai là nuôi râu. Đó là 2 việc mà tôi chưa từng thử từ khi vào nghề đến giờ. Tôi vừa cảm thấy mới lạ nhưng cũng có chút e dè. Tôi cận 8-9 độ, khi bỏ kính ra thì diễn xuất, vận động của mình sẽ bị thiếu tự nhiên. Nhưng về đọc kịch bản tôi thấy rất thích. Được làm việc với đạo diễn kỳ cựu như chú Phi Tiến Sơn cũng là may mắn với tôi. Tôi nhận lời và quyết định nuôi râu, đeo kính áp tròng để vào vai diễn này.

PV: Cảnh quay nào mang đến cho anh nhiều cảm xúc?

Xuân Hồng: Tôi nhớ nhất là cảnh mình ngồi trên toa tàu, cất những kỷ vật, đồ lưu niệm của đồng đội đã hy sinh sau khi đánh bom cảm tử.

Thêm nữa, phân đoạn tưởng niệm những chiến sĩ cảm tử quân đã hy sinh khiến không chỉ riêng tôi mà cả đoàn phim đều xúc động. Đạo diễn dặn các diễn viên phải dậy sớm, ăn sáng, ổn định phục trang, hóa trang để vào quay. Chúng tôi đọc lại kịch bản, tập thử 2 lần thì đạo diễn thấy được sự tập trung của dàn diễn viên nên cho quay luôn. Buổi sáng sớm hôm ấy, trời vẫn còn sương và thời tiết se lạnh. Gần như tất cả mọi người đều xúc động. Chúng tôi như được sống lại thời điểm Hà Nội những ngày khói lửa, cảm nhận được sự hy sinh, mất mát của các anh hùng liệt sỹ. Rất nhiều người khóc, tôi cũng thế. Cảnh quay đó rất thiêng liêng và rất xúc động.

PV: Lần đầu làm việc với đạo diễn Phi Tiến Sơn, anh thấy ông là người như thế nào, có khó tính không?

Xuân Hồng: Trước khi làm việc với chú thì tôi cũng thấy hồi hộp, căng thẳng vì đạo diễn Phi Tiến Sơn làm rất nhiều bộ phim nổi tiếng. Nhưng khi ra phim trường, làm việc với chú rồi thì mới “ngã ngửa”. Kiến thức của chú rất sâu rộng. Chú hiền lành, dễ chịu, thanh niên tính. Chú rất tôn trọng diễn viên, để cho các bạn diễn viên thoải mái, sáng tạo. Cái gì cần góp ý thì chú mới góp ý, còn không thì thôi. Ngoài set quay thì chú cháu tếu táo, vui vẻ, rất thân thiện. Mà thương nhất chú là bây giờ cũng bắt đầu có tuổi rồi, sức khỏe yếu. Trong quá trình làm việc căng thẳng, đạo diễn Phi Tiến Sơn đã 2 lần phải đi cấp cứu.

PV: Kể từ khi “Đào, phở và piano” gây sốt ngoài rạp chiếu, bên cạnh những lời khen, một số ý kiến cho rằng phim còn hạn chế về kỹ xảo, bối cảnh… Anh có suy nghĩ như thế nào?

Xuân Hồng: “Đào, phở và piano” là phim Nhà nước đặt hàng, kinh phí thực hiện chỉ 20 tỷ đồng. Như mọi người cũng biết, làm phim lịch sử, chiến tranh cực tốn kém. Với kinh phí eo hẹp thì làm phim đời thường đã khó, làm phim chiến tranh còn khó hơn nhiều bởi thể loại phim này rất cần sử dụng kỹ xảo. Đạo diễn Phi Tiến Sơn và ekip cũng đã cố gắng để khắc phục những khó khăn. Vẫn biết là phim còn nhiều hạn chế, nhưng tôi nghĩ mọi người cũng thông cảm được thôi.

PV: Thời gian gần đây, anh ít xuất hiện trên truyền hình, vì sao vậy?

Xuân Hồng: Thời gian gần đây do bận nhiều việc, nhiều dự án mới của Nhà hát Kịch Hà Nội nên tôi ít có dịp tham gia các dự án phim ảnh. Hy vọng trong tương lai, khi “Anh đội trưởng” trở lại màn ảnh với các dự án mới sẽ được khán giả đón nhận và yêu quý hơn.

PV: Xin cảm ơn anh!

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

CGV, Lotte chưa có thông tin về việc phát hành phim "Đào, phở và piano"
CGV, Lotte chưa có thông tin về việc phát hành phim "Đào, phở và piano"

VOV.VN - Đại diện CGV Việt Nam khẳng định, thông tin CGV chiếu "Đào, phở và piano" trên mạng là tin giả. Hiện CGV chưa có thông tin về việc phát hành phim "Đào, phở và piano".

CGV, Lotte chưa có thông tin về việc phát hành phim "Đào, phở và piano"

CGV, Lotte chưa có thông tin về việc phát hành phim "Đào, phở và piano"

VOV.VN - Đại diện CGV Việt Nam khẳng định, thông tin CGV chiếu "Đào, phở và piano" trên mạng là tin giả. Hiện CGV chưa có thông tin về việc phát hành phim "Đào, phở và piano".

Tuấn Hưng bao nguyên rạp mời gia đình xem 'Đào, phở và piano'
Tuấn Hưng bao nguyên rạp mời gia đình xem 'Đào, phở và piano'

VOV.VN - Tuấn Hưng cho biết, khi phim "Đào, phở và piano" mới ra rạp bản thân anh cũng không đặt được vé để xem.

Tuấn Hưng bao nguyên rạp mời gia đình xem 'Đào, phở và piano'

Tuấn Hưng bao nguyên rạp mời gia đình xem 'Đào, phở và piano'

VOV.VN - Tuấn Hưng cho biết, khi phim "Đào, phở và piano" mới ra rạp bản thân anh cũng không đặt được vé để xem.

"Đào, phở và piano" ít được quảng bá: Phim Nhà nước và số phận may rủi?
"Đào, phở và piano" ít được quảng bá: Phim Nhà nước và số phận may rủi?

NSND Thanh Vân gọi việc "Đào, phở và piano" bỗng nhiên gây sốt là chuyện "hên xui". Bởi những phim Nhà nước ít được truyền thông, nhiều phim làm xong là... cất kho.

"Đào, phở và piano" ít được quảng bá: Phim Nhà nước và số phận may rủi?

"Đào, phở và piano" ít được quảng bá: Phim Nhà nước và số phận may rủi?

NSND Thanh Vân gọi việc "Đào, phở và piano" bỗng nhiên gây sốt là chuyện "hên xui". Bởi những phim Nhà nước ít được truyền thông, nhiều phim làm xong là... cất kho.