Hải Phòng: Vẫn còn tâm lý chủ quan trong phòng chống dịch tả lợn Châu Phi
VOV.VN - Dịch tả lợn Châu Phi xuất hiện trở lại tại Hải Phòng từ cuối tháng 5/2024 và lây lan sang một số xã trên địa bàn Thành phố. Hiện một số xã đã bước đầu khống chế được dịch. Tuy nhiên, nguy cơ dịch lan rộng do mầm bệnh còn lưu hành, một bộ phận người chăn nuôi vẫn có tâm lý chủ quan.
Cuối tháng 5 vừa qua, dịch tả lợn Châu Phi xuất hiện trở lại tại xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thuỵ, TP Hải Phòng, sau hơn 4 năm dịch bệnh được khống chế tại địa phương. Ngay sau khi phát hiện dịch bệnh, ban chỉ đạo phòng chống dịch xã Ngũ Đoan đã chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch: tiêu huỷ lợn chết, lợn bệnh đúng quy định; khử trùng tiêu độc khu vực xung quanh ổ dịch và thành lập các chốt kiểm soát dịch bệnh.
Ông Vũ Duy Cương, Phó Chủ tịch UBND xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thuỵ cho biết, địa phương tập trung cao cho công tác phòng dịch, thực hiện giám sát chặt chẽ đàn lợn tới tận các hộ chăn nuôi. Công tác tiêu huỷ thì những hộ có số lợn ít hoặc lợn nhỏ thì chúng tôi vận động nhân dân tiêu huỷ tại khu vườn đảm bảo về vệ sinh môi trường, các bước tiêu huỷ về vôi bột, bạt, đào hố chôn thì đảm bảo. Những hộ có số lợn lớn hoặc lợn to thì chúng tôi cho ra những hố tập trung mà UBND có quy hoạch để phòng chống dịch. Sau khi bùng phát dịch, chúng tôi đã cho rà soát, tổng đàn lợn còn lại trên 3.000 con.
Đến nay, dịch tả lợn Châu Phi đã lan rộng và xảy ra tại hơn 30 hộ chăn nuôi tại 6 xã của 3 huyện An Dương, Kiến Thuỵ, Thuỷ Nguyên của TP Hải Phòng. Hơn 570 con lợn bị bệnh, với trọng lượng hơn 23 tấn đã bị tiêu huỷ.
Theo cơ quan chuyên môn thành phố Hải Phòng, sau 4 năm dịch tả lợn Châu Phi được ngăn chặn và không xuất hiện tại Hải Phòng, người chăn nuôi trên địa bàn thành phố bắt đầu có tâm lý chủ quan, lơ là. Trong giai đoạn vừa qua, giá lợn hơi tăng cao, một số hộ chăn nuôi tái đàn không theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, mua lợn không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Ông Trần Sinh Thanh, Trưởng Trạm Chăn nuôi Thú y huyện Kiến Thụy (Hải Phòng) cho rằng, việc chủ quan, không tuân thủ các quy định phòng chống dịch bệnh trong chăn nuôi cũng là nguyên nhân khiến dịch bệnh lan rộng trên địa bàn thời gian vừa qua. Các hộ dân mua lợn từ thương lái không rõ nguồn gốc và không có giấy kiểm dịch. Trong thời gian nuôi các hộ dân không tiêm phòng vắc xin dịch tả lợn Châu Phi. Lợn chết lác đác lại tự tiêu hủy tại chỗ, các hộ dân vứt lợn xuống cho cá chim ăn và lấy nguồn nước từ ao để rửa nền chuồng. Nguyên nhân ra dịch bệnh lây lan là do nguồn nước ao để rửa chuồng làm cho dịch bệnh lan ra diện rộng.
Chi cục Thú y, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TP Hải Phòng đã phối hợp các địa phương khoanh vùng, tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh tả lợn Châu Phi. Đến nay, dịch bệnh bước đầu đã được kiểm soát. Một số địa phương đã qua 21 ngày không có dịch, như: xã Lê Lợi (huyện An Dương), xã Minh Tân và Trung Hà (huyện Thủy Nguyên). Ngoài 6 xã phát hiện dịch tả lợn Châu Phi vào tháng 6 và tháng 7/2024, đến nay cũng không ghi nhận dịch tại các địa phương khác.
Tuy nhiên, việc tiêm phòng vaccine phòng dịch tả lợn Châu Phi tại Hải Phòng hiện còn thấp. Theo Chi cục Thú y Hải Phòng, tổng đàn lợn thịt trên địa bàn hiện khoảng 139 nghìn con; đến thời điểm này, các địa phương mới tiêm được gần 8 nghìn liều vaccine phòng tả lợn Châu Phi, chiếm tỉ lệ chưa đến 6%.
Theo ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú Y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), dịch tả lợn Châu Phi có nguy cơ lan rộng do mầm bệnh rất nguy hiểm; thành phố Hải Phòng cần đẩy mạnh tiêm phòng vaccine phòng chống dịch trên địa bàn, bảo đảm tỷ lệ đạt trên 80% tổng đàn lợn, đúng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 1097 ngày 16/11/2023 của về việc triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi.
"Chúng tôi đánh giá cao sự quan tâm lãnh đạo của TP Hải Phòng cũng như cơ quan chuyên môn đã có đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch bệnh trong thời gian qua. Tuy nhiên, chúng tôi cũng đề nghị TP Hải Phòng cần khẩn trương tham mưu để trình ủỷ ban phê duyệt để tổ chức tiêm phòng đại trà cho đàn lợn thịt. Bởi vì thực tế tại Hải Phòng, tại các xã đang có dịch đã chứng minh rằng những đàn đã tiêm vaccine là được bảo hộ và phát triển tốt, nhiều đàn đã xuất bán, không phát sinh vấn đề gì; ngược lại có hộ không tiêm vaccine ngay gần đấy đã có lợn bị bệnh và phải tiêu huỷ"- ông Nguyễn Văn Long nói.
Hải Phòng có bài học đắt giá trong phòng chống dịch tả lợn Châu Phi năm 2019 – 2020 khi dịch bệnh bùng phát trên diện rộng và phải tiêu hủy số lượng lớn lợn bị bệnh. Cùng với các biện pháp phòng chống dịch khẩn cấp, thành phố cần đẩy mạnh tiêm phòng vaccine phòng bệnh, khuyến cáo và hướng dẫn người dân chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, bảo vệ và phát triển đàn vật nuôi tại địa phương.