Hàng chục học sinh bị viêm cầu thận ở Nghệ An do nhiễm liên cầu khuẩn
VOV.VN - Bước đầu nguyên nhân gây bệnh viêm cầu thận cấp cho các em học sinh ở xã Hạnh Dịch được xác định là do nhiễm liên cầu khuẩn nhóm A.
Ngày 2/3, bác sĩ Trần Nguyên Truyền - Phó phòng nghiệp vụ Y, Sở Y tế Nghệ An, cho biết Sở đã nhận thông tin ban đầu về nguyên nhân gây bệnh viêm cầu thận cấp cho học sinh Trường tiểu học - THCS Hạnh Dịch (huyện Quế Phong). Theo đó các em học sinh bị mắc bệnh là do nhiễm liên cầu khuẩn nhóm A.
Qua xét nghiệm xác định có 7 học sinh mắc viêm cầu thận cấp
Như VOV.VN đã thông tin trước đó, từ tháng 11/2016 đến tháng 2/2017, tại xã Hạnh Dịch (huyện Quế Phong) có 20 học sinh tiểu học và THCS cùng mắc triệu chứng nghi nhiễm bệnh viêm cầu thận cấp, trong đó có 2 học sinh là hai anh em ruột đã tử vong. Qua khám sàng lọc bước đầu xác định có 7 học sinh bị viêm cầu thận cấp, các em còn lại hoặc có triệu chứng chưa rõ ràng hoặc bị nhầm lẫn với các bệnh khác.
Đoàn công tác của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương lấy mẫu máu của 5 bệnh nhân xác định mắc viêm cầu thận và 3 học sinh nghi nhờ để xét nghiệm cho thấy 6 mẫu dương tính với kháng thể kháng liên cầu khuẩn nhóm A. Trước đó, đoàn công tác của Sở Y tế Nghệ An lấy mẫu máu 10 bệnh nhân ở Hạnh Dịch để xét nghiệm cũng cho kết quả 5/10 mẫu máu dương tính với xét nghiệm ASLO (xét nghiệm huyết thanh định lượng kháng thể kháng liên cầu khuẩn).
Bác sĩ Truyền cho biết: “Phía sở đang chờ kết luận thêm về kết quả xét nghiệm mẫu nước từ Viện sức khỏe môi trường và phát triển bền vững để có kết luận cuối cùng về chất lượng nước, độc chất trong nước tiểu hay không. Đến nay, tại Hạnh Dịch tình hình bệnh đã được kiểm soát nên chưa xuất hiện trường hợp bệnh nhân mắc viêm cầu thận cấp mới”.
Các học sinh tại xã Hạnh Dịch được khám sàng lọc. |
Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Nghệ An khuyến cáo trong dân gian có một số kinh nghiệm chữa bệnh viêm cầu thận cấp như dùng thuốc nam (đông y) rất nguy hiểm vì bệnh nhẹ có thể diễn biến nặng hơn nên khi có triệu chứng như viêm họng, nhiễm trùng mủ trên da thì người bệnh cần đến cơ sở y tế để điều trị kịp thời.
Hiện nay chưa có vắc xin phòng bệnh hiệu quả nên chủ yếu vẫn là vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường. Để tránh nhiễm trùng thứ phát và biến chứng thấp khớp, tim, thận... thì người dân cần phải phát hiện sớm, đưa người bệnh đến cơ sở y tế điều trị tích cực các ổ nhiễm khuẩn ở da, ở họng./. Một xã có 20 học sinh nghi mắc viêm cầu thận, 2 học sinh tử vong