Hàng chục ngôi nhà tái định cư thủy điện Sông Tranh 2 bỏ hoang

Trong số 60 nhà tái định cư tại thôn 3 xã Trà Đốc, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam có đến 19 ngôi nhà suốt 4 năm nay không một bóng người lui tới.

Những căn nhà kiên cố, khang trang rộng khoảng 100m2, kinh phí xây dựng từ 100 - 120 triệu đồng/căn này trở thành nơi trú ngụ của trâu bò, xung quanh cỏ dại mọc um tùm.

Nhà bỏ hoang lâu ngày càng xuống cấp nhanh, toàn bộ hệ thống cửa gỗ, la phông, tường nhà bị ẩm mốc, mối mọt làm bong tróc, hư hỏng.

Anh Đinh Văn Minh, người dân thôn 3 cho biết: Năm 2008, khi nhà tái định cư vừa hoàn thành, vợ chồng anh cũng như nhiều hộ đồng bào dân tộc Cor thuộc diện tái định cư của thủy điện Sông Tranh 2 háo hức lên nhận nhà mới. Nhưng chỉ được dăm bữa nửa tháng họ lại dắt díu nhau trở về làng cũ.

Những căn nhà trong khu tái định cư không có người ở

Anh Minh giải thích: “Khi Ban quản lý khu tái định cư nói qua nơi ở mới sẽ có đất sản xuất, có đất ruộng, có nước nên dân mới nhận nhà. Nhưng sau một thời gian định cư đất sản xuất thấy, nước sinh hoạt, trường học cũng không có…”

Bởi vậy muốn nuôi con trâu, con bò, người dân không biết nhốt ở đâu. Hơn thế nữa, ngày ngày phải lội bộ cả chục cây số…mới gùi được nước về sinh hoạt.

Không có người ở nên những ngôi trường bạc tỷ trong Khu tái định cư cũng thiếu bóng học sinh.

Ông Hồ Văn Lợi - Chủ tịch UBND xã Trà Đốc cho hay, hiện tại, ngoài 19 nhà bỏ trống, còn hơn 20 ngôi nhà khác người dân đã nhận nhưng lâu lâu mới ghé về một lần, nên khiến những ngôi nhà này xuống cấp, hư hỏng nặng.

Ông Lợi cũng cho biết, xã cũng đã nhiều lần họp khuyên bà con về nơi cũ sản xuất nhưng về nơi mới ở để con cái yên tâm học tập nhưng họ vẫn không thực hiện. “Còn về vấn đề đất đai cũng phải tính lại, người dân đã hiến đất để làm thủy điện rồi, thì cũng cần quan tâm đầu tư khai hoang”, ông Lợi nói.

Trường không có học sinh

Trong số 12 khu tái định cư dành cho đồng bào trong vùng dự án thủy điện Sông Tranh 2, huyện Bắc Trà My có đến 11 khu.

Tổng kinh phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư thuộc dự án này lên đến hơn 1000 tỷ đồng, trong đó 800 tỷ là đầu tư trực tiếp. Vậy mà, chỉ sau hơn 4 năm đưa vào hoạt động, đến nay hầu hết người dân nơi đây không mấy mặn mà với nhà tái định cư. Đặc biệt, tại các xã Trà Đốc, Trà Bui và Trà Giác còn  đến 32 ngôi nhà tái định cư, cùng nhiều trường học, cơ sở hạ tầng điện, nước bị bỏ hoang lâu ngày đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí hàng chục tỷ đồng của Nhà nước.

Và trở nên hoang tàn đổ nát

Ông Nguyễn Bình - Trưởng phòng Môi trường Tái định cư Thủy điện Sông Tranh 2 cho biết, Ban quản lý tái định cư thủy điện sông Tranh 2 đã phối hợp với chính quyền địa phương tiến hành khảo sát, nắm bắt nguyện vọng của người dân trước khi triển khai xây dựng. Tuy nhiên, một số người dân sau khi đã nhận tiền đền bù với cam kết tự tìm đất canh tác, nhưng rồi sau đó vẫn quay về nơi cũ làm lán trại viện cớ không có đất sản xuất. Thêm vào đó tập quán “du canh, du cư” còn ăn sâu trong đời sống bà con nên họ chưa quen với cuộc sống mới.     

Trước thực trạng nhà tái định cư bỏ hoang, lãng phí tiền tỷ, mới đây UBND huyện Bắc Trà My đã có buổi làm việc với Ban quản lý Thủy điện Sông Tranh 2 bàn giải pháp khắc phục những tồn tại về bố trí đất sản xuất và cơ sở hạ tầng trong Khu tái định cư.

Khu tái định cư được đầu tư hàng trăm tỷ đồng giờ như chiếc cửa gỗ mục nát nằm trên nền gạch hoang tàn

Ông Đặng Phong - Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam cho biết, ngoài việc huyện yêu cầu các địa phương, các ngành tăng cường thực hiện công tác định canh, định cư tại các khu tái định cư, huyện yêu cầu đơn vị chủ đầu tư giải quyết tất cả những vấn đề tồn tại liên quan đến các khu tái định cư. Thứ nhất là đất sản xuất, thứ 2 là nước sạch; thứ 3 là cơ sở hạ tầng thiết yếu như là trường học, y tế thì huyện cũng đã yêu cầu chủ đầu tư phải làm ngay.

Một khi những bất cập tại khu tái định cư thủy điện Sông Tranh 2 được giải quyết thấu đáo, đồng bào Cor và Xê Đăng nơi huyện vùng cao Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam sẽ trở về sống ổn định trong những căn nhà tái định cư và xây dựng cuộc sống no đủ nơi vùng đất mới./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên