Hàng trăm vụ tự tử ở Gia Lai do những nguyên nhân vụn vặt
VOV.VN -Những cái chết vô nghĩa đang để lại những gánh nặng, những nỗi đau ám ảnh với những người còn sống.
Hàng năm, ở huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai, có trên dưới 100 người chết vì tự tử, đa số là bà con dân tộc Bana, khiến Huyện uỷ Kông Chro phải thành lập Ban chỉ đạo nhằm ngăn chặn tình trạng này. Điều đáng buồn là những cái chết vô nghĩa thường chỉ xuất phát từ những mâu thuẫn vụn vặt trong đời sống ấy đang để lại những gánh nặng, những nỗi đau ám ảnh với những người còn sống.
To tiếng với vợ cũng tự tử
Dù đã 60 tuổi và đang nuôi tới 7 đứa con, nhưng sau cái chết của vợ chồng cô em gái Định Thị Blết - Đinh Liôch, ông Đinh Binh ở làng Dâng đành phải đón 6 đứa cháu nhỏ về nuôi nấng, chăm sóc. Ông Binh kể rằng, đầu năm 2013, do nghi ngờ chồng không chung thủy, em gái ông là chị Đinh Thị Blết lên rẫy một mình, rồi uống thuốc trừ sâu tự tử.
6 tháng sau, khi dân làng ai ai cũng nghĩ nỗi đau mất vợ đã phần nào nguôi ngoai, thì cũng là lúc anh Đinh Liôch treo cổ tự tử, bỏ lại mẹ già và 6 đứa con thơ. Gia đình ông Binh vốn đã nghèo, lại càng chật vật hơn nữa khi nuôi thêm 6 đứa trẻ. Dù nghèo khổ, nhưng ông vẫn cố gắng nuôi nấng các cháu trưởng thành, chỉ thương các cháu phải chịu mãi vết thương lòng đau đớn khi sớm mồ côi cả cha và mẹ.
Ông Đinh Binh nói: “Mẹ chết, cháu nó sợ. Ba chết, nó càng sợ nữa. Nó cứ khóc mãi, cứ run thôi, có khi còn xỉu nữa. Tôi cũng có nhiều con, nuôi đã không nổi, bây giờ thêm mấy đứa nhỏ (các cháu) là mười mấy người. Thiếu thốn, không đủ ăn đâu. Kẹt (thiếu gạo) thì cũng cũng phải mượn người ta. Trước kia, 1 bao gạo đủ ăn 2 tháng, bây giờ 1 bao không đủ ăn trong 1 tháng. Mình cũng già rồi, 60 tuổi rồi, chỉ lo nhất mấy đứa nhỏ đau ốm. Nếu nó không đau ốm gì thì tôi cũng mừng lắm!”.
Còn đối với chị Anheng (37 tuổi) ở làng Pyang, thị trấn Kông Chro, thì từ ngày chồng tự tử, không có người đỡ đần, kinh tế gia đình đi xuống, 2 con của Anheng phải nghỉ học. Ruộng rẫy ít, mọi chi tiêu trong gia đình chủ yếu nhờ vào những đồng tiền làm thuê ít ỏi. Điều đau khổ hơn nữa là suốt 2 năm qua, Anheng đã suy nghĩ rất nhiều vẫn không tìm ra nguyên nhân khiến chồng tự tử, bỏ lại vợ con.
“Vợ chồng sống với nhau, có lúc bàn bạc làm ăn cũng có sự bất đồng, lời qua tiếng lại. Chồng tôi uống rượu xong thường to tiếng với vợ con, cãi nhau với vợ thì thường nhắc tới chuyện tự tử. Bản thân tôi cũng không hiểu vì sao chồng tôi tự tử. Lúc còn chồng ở bên cạnh, thì làm ăn đỡ hơn. Bây giờ 1 mình tôi nuôi 2 đứa con thì vất vả, cơm bữa no bữa đói, quần áo giày dép cho con cũng không đủ” - chị Anheng nói.
Chính quyền “ra tay” với nạn tự tử
Theo báo cáo của Ban Tuyên giáo Huyện ủy Kông Chro, tình trạng tự tử trên địa bàn huyện là rất đáng lo. Chỉ từ năm 2010 đến hết quý 1 năm 2013, đã có tới 306 vụ. Nguyên nhân các vụ tự tử thường không rõ ràng, hoặc nếu có thì xuất phát từ những chuyện rất vụn vặt trong cuộc sống như cãi nhau với người thân, bị bạn bè chê cười, hay bị người già chỉ trích vì làm sai... Đấu tranh với vấn nạn này, nhiều thôn làng trên địa bàn đang quyết tâm tuyên truyền làm thay đổi nhận thức người dân.
Anh Đinh Chuyênh, Thôn trưởng làng Pyang, thị trấn Kông Chro nói: “Theo Nghị quyết Chi bộ, chúng tôi tổ chức họp làng để tuyên truyền, hộ nào có người tự tử, thì bà con dân làng không tham gia đám ma đó. Tổ chức văn nghệ để tuyên truyền rằng nạn tự tử làm khổ gia đình, tài sản mất mát, mất con người, thiếu người lao động, kinh tế càng khó khăn, người chết mất cả trâu bò, ghè rượu, con cái không có bố mẹ nuôi. Nói chung, người dân cũng hiểu được phần nào về nạn tự tử”.
Đầu năm 2013, huyện Kông Chro đã thành lập Ban chỉ đạo và tuyên truyền ngăn chặn nạn tự tử nâng cao nhận thức người dân dần tiến tới đẩy lùi và xóa bỏ nạn tự tử trên địa bàn. Theo đó, hàng tháng, đại diện ban tuyên giáo và các đoàn thể tổ chức 4 buổi văn nghệ ở 4 thôn làng khác nhau. Qua đó, người dân được xem clip về hoàn cảnh thương tâm của các gia đình có người tự tử, được cán bộ người Ba-Na tuyên truyền về nhận thức sai lầm về tự tử… Sau 1 năm kiên trì tổ chức gần 80 buổi văn nghệ, kết hợp tuyên truyền, số vụ tự tử năm 2014 giảm 28 vụ so với năm 2013.
Ông Đinh Keo, trưởng ban Dân vận huyện ủy Kông Chro cho biết: “Ban Tuyên giáo Huyện ủy và Ban Dân vận phối kết hợp với mặt trận và các đoàn thể tuyên truyền bằng video clip. Chúng tôi dùng tiếng Bana, lựa chọn người tốt nhất nói rõ về nạn tự tử. Bà con thấy quan điểm tự tử là xấu. Đến nay, chúng tôi đã tuyên truyền đến 11/14 xã và thị trấn trên toàn huyện. Hiện nay, có thể nói nạn tự tử trên địa bàn huyện Kông Chro đã giảm”.
Huyện Kông Chro có hơn 47.000 dân, trong đó hơn 85% là đồng bào dân tộc thiểu số; Trình độ dân trí thấp, nhiều tập tục lạc hậu, đời sống kinh tế còn khó khăn… được Huyện uỷ Kông Chro nhận định là nguyên nhân những mâu thuẫn gia đình phát sinh, dẫn đến tự tử.
Bởi vậy, ngoài tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về các vấn đề xã hội, về trách nhiệm với gia đình, con cái và những hậu quả do nạn tử tử gây ra, địa phương cần đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho bà con, mới mong tạo ra những hiệu ứng tích cực./.